Có phải học ngành Quản trị kinh doanh để ra trường làm Giám đốc?
Với chương trình học được thiết kế liên quan trực tiếp đến thực tế công việc, SV hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi tốt nghiệp.
Quản trị kinh doanh là một ngành hot trong những năm gần đây và dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ngay cả khi hàng loạt ngành học mới liên tục ra đời. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn của thí sinh về ngành học này như học Quản trị kinh doanh là để làm Giám đốc, do vậy cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp không nhiều; Hay ngành này quá rộng để có thể làm giỏi ở một mảng công việc nào.
Học Quản trị kinh doanh là để làm Giám đốc?
Để giúp thí sinh có cái nhìn tổng quan và đầy đủ, chính xác nhất về ngành học này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Phương Thảo – Phụ trách Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.
Cô Nguyễn Phương Thảo – Phụ trách Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn
Theo cô Thảo, đối với Quản trị kinh doanh, tiêu chuẩn đánh giá để thăng tiến luôn dựa trên năng lực, kỹ năng, hiệu quả đầu ra công việc và tiềm năng phát triển trong tương lai. Do vậy đòi hỏi người học luôn phải học hỏi và rèn luyện các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, xử lý tình huống,… Và trên hết, cần xác định rõ mục tiêu và lộ trình sự nghiệp của mình để biết mình cần làm gì để dễ dàng thăng tiến.
“Học Quản trị kinh doanh khi ra trường là để làm Giám đốc - Có lẽ đây chính là hiểu lầm phổ biến nhất, bởi cụm từ “quản trị” khiến nhiều người lầm tưởng về những vị trí cấp cao. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu một điều rằng không hề có doanh nghiệp nào tuyển một sinh viên mới ra trường nào cho vị trí quản lý hay Giám đốc cả.
Người học khi mới ra trường sẽ phải chập chững ở những bước đầu tiên vào nghề, sau đó trau dồi kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để dần thăng tiến trong sự nghiệp. Vị trí cấp cao như Giám đốc hay quản lý sẽ dành cho những người thật sự có tài và có sự cống hiến nhất định cho doanh nghiệp. Tất nhiên, làm Giám đốc - điều này hoàn toàn có thể, nhưng trước tiên bạn hãy là nhân viên giỏi”, cô Nguyễn Phương Thảo nhấn mạnh.
Về ý kiến cho rằng ngành Quản trị kinh doanh quá rộng để có thể làm giỏi ở một mảng công việc cụ thể, cô Thảo cho rằng, bất kỳ ngành nghề nào, yêu cầu không ngừng trau dồi tri thức, cạnh tranh về vị trí lao động là điều khó tránh khỏi.
“Tự học, lập kế hoạch, quản lý thời gian, tư duy phản biện, giao tiếp, giải quyết rủi ro,… là những kỹ năng cần thiết đối với các bạn trẻ trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Để thành thạo nhiều kỹ năng đòi hỏi các bạn sinh viên cần chủ động tìm cơ hội trải nghiệm, luyện tập trong môi trường thực tế. Vậy thì cho dù có bao nhiêu mảng công việc đi nữa, chỉ cần bạn ưu tú, nổi bật, bạn sẽ không thể thất nghiệp. Tôi từng nghe một câu nói Viral trên mạng xã hội gần đây: “Nếu bạn là hoa thì mới sợ mùa xuân bỏ rơi, còn nếu bạn là mùa xuân thì lo gì không có hoa”, đại diện Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho hay.
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong một giờ học
Theo cô Thảo, quản trị Kinh doanh (Business Administration) là cách vận hành và quản lý nguồn lực (tài chính, con người,…) cho một tổ chức/doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao, tối ưu về năng suất và lợi nhuận.
Được biết, chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn được thiết kế trong thời gian từ 2-2,5 năm. Đây là một trong những chương trình đào tạo được nhà trường áp dụng mô hình gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp.
Với nội dung, phương pháp giảng dạy hiện đại, đưa “doanh nghiệp đến sinh viên - đưa sinh viên đến doanh nghiệp”, đề cao tính tương tác thông qua giải quyết tình huống cụ thể phát sinh trong kinh doanh, giúp sinh viên lĩnh hội nền tảng kiến thức cốt lõi về quản trị, nắm bắt bí quyết làm chủ kỹ năng quản lý, điều hành, tạo tầm nhìn tiếp cận cơ hội kinh doanh hiệu quả.
Các môn học là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tế ngành, sinh viên được cung cấp kiến thức chuyên môn vững chắc, toàn diện về cách thức các bộ phận hoạt động; am hiểu về đặc điểm của từng bộ phận trong đó (ví dụ: Bán hàng, Tiếp thị, Nhân sự, Tài chính,…); kiến thức về kinh doanh. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ có cơ hội thực hành nhiều kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm để quản lý nhân sự và vận hành tổ chức hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu mới.
Chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh hệ cao đẳng của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, bên cạnh việc cung cấp những kiến thức, năng lực chuyên môn, phẩm chất nghề nghiệp, sinh viên còn được chú trọng đào tạo tiếng Anh và kỹ năng mềm. Đây chính là yếu tố làm nên sự bản lĩnh, tự tin cho sinh viên làm việc cho doanh nghiệp đa quốc gia ở Việt Nam và nước ngoài.
“Điều kiện đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh nói riêng và các ngành đào tạo của Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nói chung đều được trang bị các trang thiết bị hiện đại, tân tiến phù hợp với yêu cầu đào tạo của ngành.
Cùng với đó, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo khoa học về lĩnh vực kinh tế, hoạt động kinh doanh và chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thực tế gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, luôn đổi mới để đáp ứng xu hướng của ngành”, cô Thảo thông tin.
Đặc biệt, ngay từ học kỳ 1, nhà trường tiến hành ký cam kết việc làm với sinh viên. Hiện nay Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã kết nối hơn 300 doanh nghiệp tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để kết nối nơi thực tập và việc làm cho sinh viên. Vì vậy, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm chiếm hơn 95%.
Sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp
Lợi thế khi sinh viên học hệ cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh
Cô Nguyễn Phương Thảo chia sẻ, lựa chọn hệ cao đẳng hay đại học tùy thuộc vào định hướng của người học, và cơ hội công việc luôn rộng mở nếu người học có ý chí học hỏi. Lựa chọn học hệ cao đẳng, sinh viên sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí học tập hơn so với hệ đại học. Bên cạnh đó, hệ cao đẳng chủ yếu tập trung đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hành, giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và sẵn sàng làm việc sau khi tốt nghiệp. Đại diện Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn khẳng định, với chương trình học được thiết kế liên quan trực tiếp đến thực tế công việc, sinh viên cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi tốt nghiệp.
Về vị trí việc làm, cô Thảo cho biết với sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh có thể làm tại nhiều vị trí tại bộ phận kinh doanh như nhân viên kinh doanh, trợ lý kinh doanh, chuyên viên phát triển thị trường với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng. Hay tại bộ phận Marketing với các vị trí như nhân viên marketing, chuyên viên marketing,... mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng. Vị trí trong bộ phận nhân sự (mức lương từ 8-12 triệu đồng/tháng) với các công việc như nhân viên nhân sự, trợ lý nhân sự; Vị trí trong bộ phận hành chính (mức lương từ 8-12 triệu đồng/tháng), bao gồm các công việc như nhân viên hành chính, trợ lý văn phòng.
Ngoài những vị trí trên, sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh còn có thể tự khởi nghiệp hoặc làm việc trong các lĩnh vực khác như: bán hàng (chuyên viên bán hàng, quản lý bán hàng); dịch vụ khách hàng (chuyên viên chăm sóc khách hàng, quản lý dịch vụ khách hàng); bảo hiểm (tư vấn viên bảo hiểm, quản lý đại lý bảo hiểm).
Anh Hoàng Văn Tám - sinh viên lớp 17CQT ngành Quản Trị Kinh Doanh khoa Kinh Tế, khóa 2017-2020, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn
Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Văn Tám (sinh viên lớp 17CQT, ngành Quản trị kinh doanh, khoa Kinh Tế, khóa 2017-2020, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn) cho biết, sau thời gian 3 năm học tại Trường Cao Đẳng Đại Việt Sài Gòn, anh đã tốt nghiệp và hiện đang làm việc tại công ty TNHH Alaha Việt Nam với vị trí Trưởng nhóm kinh doanh.
“Tôi rất may mắn khi đã lựa chọn vào trường để theo học và được tiếp nhận được rất nhiều kiến thức để áp dụng cho công việc hiện tại của mình. Khi kết thúc chương trình học, tôi bắt đầu công việc tại công ty Alaha Việt Nam với vị trí Nhân sự tại công ty. Sau 1,5 năm làm vị trí nhân sự, tôi đã chuyển hướng qua bên bộ phận Kinh doanh theo đúng chuyên ngành mình đã học.
Trải qua gần 5 năm làm việc, tôi cảm thấy kiến thức mình nhận tại trường rất hữu ích cho công việc. Ngoài thời gian học ở trường, tôi cũng hoạt động năng nổ trong Đoàn trường, vì vậy tôi được trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức quý báu như như kỹ năng làm việc nhóm ở môi trường tập thể, kinh nghiệm làm việc với các lãnh đạo, với đồng nghiệp và đặc biệt cách giao tiếp và ứng xử qua các công tác Đoàn”, anh Hoàng Văn Tám cho biết.
Nhắn gửi tới các bạn tân sinh viên và những sinh viên đang theo học tại trường, cựu sinh viên Hoàng Văn Tám bày tỏ: “Đừng bỏ lỡ các bài học của từng môn vì nó sẽ giúp bạn xử lý công việc được nhanh hơn và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt các bạn nên tham gia các hoạt động Đoàn của Trường vì thông qua đây các bạn sẽ tạo cho mình những mối quan hệ cần thiết, những kinh nghiệm đáng quý giúp bạn dễ dàng hơn trong mọi công việc sau khi ra trường”.
Thạc sĩ Dương Công Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn chia sẻ, với mục đích tạo điều kiện cho đa dạng sinh viên có cơ hội học tập và giảm bớt áp lực thi cử, năm 2024, Trường Cao Đẳng Đại Việt Sài Gòn tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ, với 2 phương thức:
Thứ nhất, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 03 môn năm lớp 12. Ngưỡng quy định yêu cầu thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp dùng để xét tuyển đạt từ 15,5 điểm trở lên.
Thứ hai, xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 03 học kỳ. Nhà trường quy định thí sinh đạt 1 học kỳ bất kỳ của lớp 10, 11, 12 đạt từ 6.0 trở lên sẽ có cơ hội học tập tại trường. Lưu ý, với khối ngành sức khỏe thí sinh cần có học lực khá trở lên.
Để tham gia học tại Trường Cao Đẳng Đại Việt Sài Gòn, thí sinh có thể chọn 1 trong 2 phương thức trên để nộp hồ sơ xét tuyển.
Nhằm hỗ trợ tối đa cho các sinh viên, nhiều năm qua, lãnh đạo Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn không ngừng tìm kiếm nhiều nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân,... để xây dựng Quỹ tín dụng Đại Việt giúp cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập với lãi suất 0%. Đến nay, tổng ngân sách của Quỹ tín dụng Đại Việt đã được nâng lên 15 tỷ đồng.
Ngoài Quỹ tín dụng Đại Việt, năm 2024, thí sinh nhập học vào Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng có nhiều cơ hội được học tập tại trường hoàn toàn miễn phí.
Cụ thể, được biết Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cam kết miễn 100% học phí cho 100 học sinh giỏi 3 năm lớp 10,11,12 nhập học đầu tiên. Miễn 100% học phí cho 100 quân nhân xuất ngũ và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhập học đầu tiên.
Giảm 50% học phí cho sinh viên giỏi 3 năm trung học phổ thông. Giảm 50% học phí cho tất cả quân nhân xuất ngũ và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhập học tại trường. Giảm 25% học phí cho sinh viên giỏi năm lớp 12
Ngoài ra, nhà trường còn nhiều chính sách miễn giảm cho học sinh nhập học sớm và cam kết học phí ổn định, không tăng suốt khóa học.
Học Quản trị Kinh doanh có khó không?
“Quản trị kinh doanh là một ngành học có nội dung kiến thức tương đối rộng và bạn phải học rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc học đi đôi với thực hành giúp bạn nắm vững được các kiến thức của các môn học một cách có hiệu quả. Thêm vào đó, bạn phải giỏi các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp tốt và chịu được áp lực cao.
Tóm lại, nói ngành Quản trị Kinh doanh sẽ không phải là một ngành “Khó” nếu bạn có đam mê, có khả năng quản lý, có khả năng truyền đạt, giao tiếp tốt…và nó phụ thuộc vào năng lực của mỗi sinh viên”
Theo cô Nguyễn Phương Thảo - Phụ trách Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, 7 tố chất phù hợp dành cho những ai muốn theo học ngành Quản trị kinh doanh gồm:
1. Đam mê kinh doanh
2. Có năng lực dự báo
3. Tố chất lãnh đạo
4. Các kỹ năng quản lý
5. Khả năng truyền đạt, giao tiếp tốt
6. Có khả năng sắp xếp công việc thỏa đáng
7. Chịu áp lực tốt, thích môi trường cạnh tranh