Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN 'chậm chạp' so với mục tiêu
Theo lãnh đạo Ban kinh tế Trung ương, cổ phần hóa DNNN đang chậm lại. Cũng tương tự như vậy khi tiến độ thoái vốn Nhà nước không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của nhiều DNNN hoạt động còn chưa hiệu quả. Dẫu vậy trong nền kinh tế Nhà nước, DNNN vẫn giữ vai trò chủ đạo khi là một lực lượng then chốt với rất nhiều phần việc phải đảm nhận, đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia .
Sáng 9/9, tại Hà Nội Ban kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về triển khai Nghị quyết số 12 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về “tiếp tục cơ cấu lại đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”.
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trung ương 5 có 3 nghị quyết có mối liên hệ hữu cơ với nhau. "DNNN chỉ là một lực lượng quan trọng của kinh tế Nhà nước; nói về DNNN không thể nói tách rời khỏi các thành phần kinh tế khác, ngoài việc tiếp tục cơ cấu đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN", ông Bình khảng định cùng đó gợi ý trong chuyên đề này, cần làm rõ một số nội dung cụ thể.
Ông Bình đơn cử: “Phải làm rõ vai trò của DNNN và những cơ yêu cầu về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả theo NQQ 12 là gì? Dự báo kết quả đạt được đến năm 2020 về cơ cấu lại các DNNN như thế nào? Tại sao CPH thoái vốn của DNNN thời gian qua còn chậm, đây là rào cản, nút thắt và biện pháp tháo gỡ ?
Tình hình tái cơ cấu các TCTD thời gian qua ra sao, những gì lưu ý thời gian tới? Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém ra sao? Nhũng vấn đề đặt ra là gì? Giải pháp chủ yếu nào để đẩy mạnh trỉen khai có hiệu quả nQQ 12 thời gian tới” .
Cổ phần hóa, thoái vốn đều chậm
Về hiệu quả hoạt động của các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, theo Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, so với cùng kỳ năm 2018, trong 6 tháng đầu năm 2019 các chỉ tiêu kinh doanh toàn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tiếp tục tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Lũy kế đến hết tháng 6/2019, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 855,63 nghìn tỷ đồng, tăng 6%; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối ước đạt 64,35 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4%; nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị trong Khối ước đạt 125nghìn tỷ đồng, tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2018.
Về cổ phần hóa DNNN, theo Ban kinh tế Trung ương, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, trong đó: Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp hoạt động trong 11 lĩnh vực.
Tính đến ngày 24/12/2018, có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 29,9 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15,5 nghìn tỷ đồng; 21 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với tổng giá trị bán đấu giá công khai là 13,8 nghìn tỷ đồng, thu về được 21,6 nghìn tỷ đồng. Đến hết quý 2 năm 2019, mới có 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục được duyệt năm 2019 thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 27,5%. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa kể từ khi ban hành Nghị quyết 12 có giảm mạnh so với các thời kỳ trước đây
Về thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó: Năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; Năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp; Năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp
Năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị còn phải thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao, thoái vốn khỏi các ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính và thoái vốn theo Phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả thực hiện cho thấy, năm 2017 mới thực hiện thoái vốn được 13 doanh nghiệp với giá trị thoái 1.417 tỷ đồng, thu về 2.678 tỷ đồng; năm 2018 thoái vốn được 54 doanh nghiệp; tính đến hết quý 2 năm 2019, mới có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định 1232 thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỉ đồng, thu về 1.657 tỉ đồng. Trong giai đoạn từ 2016 – tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng .
Tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn (bao gồm thoái vốn nhà nước và thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước) trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỷ đồng, trong đó: Năm 2016: 30.000 tỷ đồng; Năm 2017: 144.577 tỷ đồng; 11 tháng đầu năm 2018: 32.143 tỷ đồng.
Về chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về SCIC,danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn 2017 - 2020 là 62 doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng về SCIC để SCIC thực hiện thoái vốn.
Tính đến hết tháng 11/2018, kết quả chuyển giao vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, cụ thể: các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã hoàn thành chuyển giao về SCIC 27/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 960 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.381 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 35 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 04 Bộ và 08 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Tình hình tài chính DNNN còn đáng ngại
Theo Báo cáo của Chính phủ, báo cáo hợp nhất năm 2017 có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 12.074,8 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần (có 20 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần).
Một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các tổ chức tín dụng rất lớn , do đó hoạt động không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hướng lớn đến an toàn của hệ thống ngân hàng và gia tăng nợ xấu. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.
Lãnh đạo Ban kinh tế Trung ương lưy ý như vậy, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp nhà nước chưa có chiều hướng cải thiện vững chắc, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được cải thiện rõ rệt Hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao
Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.
Đầu tư đổi mới và hiện đại hóa công nghệ chưa được quan tâm. Việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, 05 năm còn hạn chế, tính khả thi chưa cao và chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển quốc gia và ngành, địa phương..
Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường (có tới 667/747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu tính đến ngày 15/10/2018).