Cơ quan nào quản lý Trung tâm Dữ liệu quốc gia?

Thảo luận về dự án Luật Dữ liệu tại Tổ 3 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang) chiều nay, 24.10, nhiều đại biểu đề nghị, cần xác định rõ Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc cơ quan nào quản lý và định hướng về mô hình tổ chức, bộ máy và hoạt động của trung tâm.

Cần bổ sung quy định về cơ quan chủ trì quản lý

Cho ý kiến với dự án Luật Dữ liệu, các ĐBQH cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Dữ liệu là cần thiết để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về dữ liệu, thay vì quy định tản mạn tại nhiều văn bản quy phạm khác nhau; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quản lý, khai thác, phát triển dự liệu, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật.

 ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo luật đã quy định về bảo đảm chất lượng dữ liệu, nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo đảm chất lượng dữ liệu; quy định các cơ quan, tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan để thường xuyên cập nhật, điều chỉnh bảo đảm chất lượng dữ liệu trong quá trình khai thác sử dụng nhưng lại chưa có quy định để xử lý tình huống nếu trong quá trình phối hợp mà các cơ quan không thống nhất được về số liệu, chất lượng dữ liệu.

Lưu ý những nội dung trên, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) cho rằng, để bảo đảm dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia đúng, đủ, sạch thì dự thảo Luật cần bổ sung quy định cơ quan chủ trì hoặc kiểm soát để bảo đảm chất lượng dữ liệu, từ đó sẽ giúp cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế, xã hội thuận lợi hơn và hoạch định chính sách chính xác hơn.

Tán thành với việc dự thảo luật quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia, đại biểu Nguyễn Việt Thắng nêu rõ, hiện nay, rất nhiều nước phát triển đã xây dựng các Trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ở nước ta, các cơ quan Nhà nước đã hình thành đưa vào vận hành, khai thác 7 cơ sở dữ liệu quốc gia (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính; cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức); và, tiến hành xây dựng gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

 ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương chưa có đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục, gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng chung.

Do đó,rất cần thiết quy định về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm tập trung nguồn lực, hạ tầng công nghệ, vận hành, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả nhất.

"Đây là tiền đề để phát huy triệt để vai trò, giá trị của nguồn tài nguyên dữ liệu trong phục vụ quản trị quốc gia và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đây cũng là nguồn lực, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Chính phủ số ở nước ta", đại biểu Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.

Lưu ý theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ thì việc thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đại biểu cũng đề nghị rà soát các quy định tại Chương IV của dự thảo Luật; không nên liệt kê, quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, mà thiết kế theo hướng chỉ quy định khái quát một số nội dung mang tính nguyên tắc về xây dựng, phát triển trung tâm.

Cùng với đó, cần tập trung làm rõ hơn mối quan hệ giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia với các cơ quan quản lý dữ liệu, hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội trong việc quản lý, chia sẻ khai thác dữ liệu đảm bảo thông suốt hiệu quả.

Về nội dung này, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị, cần quy định rõ Trung tâm dữ liệu quốc gia thuộc cơ quan nào quản lý và định hướng về mô hình tổ chức, bộ máy và hoạt động của trung tâm.

Cân bằng lợi ích kinh tế và bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu

Điều 25 dự thảo Luật quy định cụ thể phân cấp về thẩm quyền quyết định việc chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi quốc gia.

 ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

Đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo trong việc luật hóa quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) lưu ý, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới và sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam đã tạo ra những thách thức mới trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu của tổ chức và người dân.

Từ góc độ an ninh quốc gia, đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, việc quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, việc thiết kế các quy định này phải chặt chẽ, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế với các vấn đề về an toàn, an ninh dữ liệu nói riêng và an toàn, an ninh mạng nói chung.

Do vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát nghiên cứu các quy định tại dự thảo Luật này với Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn, an ninh mạng... và đặc biệt là rà soát, tham khảo thêm các cam kết, hiệp định quốc tế về vấn đề chia sẻ dữ liệu; cân nhắc nghiên cứu thay thế cụm từ "chuyển dữ liệu ra nước ngoài" thành "chuyển dữ liệu ra khỏi Việt Nam" hoặc "chuyển dữ liệu xuyên biên giới".

Một số ĐBQH cũng đề nghị cần làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thành lập Quỹ phát triển dự trữ quốc gia như quy định tại Điều 29 của dự thảo Luật.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, cần quy định rõ Quỹ này thuộc cơ quan nào quản lý, cũng như quy định rõ hơn mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Quỹ; rà soát các quy định về ưu tiên chi của Quỹ này tại khoản 3, Điều 29 để tránh trùng lặp với các với hoạt động chi của các loại quỹ khác như quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ dịch vụ viễn thông công ích…

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-quan-nao-quan-ly-trung-tam-du-lieu-quoc-gia-post394239.html