Cơ quan quản lý bức xạ và hạt nhân phải hoạt động độc lập
Quan tâm đến vị trí của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân tại dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan này phải được quy định trong Luật, hoạt động độc lập và khách quan, dựa trên nguyên tắc 'an toàn và an ninh hạt nhân là tối thượng'.
Có nên quy định cứng số lượng cơ quan quản lý nhà nước?
Về cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, Sổ tay hướng dẫn về luật hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) quy định, cơ quan này được gọi là cơ quan pháp quy hạt nhân; đồng thời, khuyến nghị mỗi quốc gia có thể có một hoặc nhiều cơ quan pháp quy hạt nhân.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội nhận thấy, quy định tại dự thảo Luật đang thể hiện theo hướng chỉ có một cơ quan pháp quy hạt nhân và không rõ cấp độ quản lý. Do đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp, bảo đảm chính xác. Bởi, nếu quy định cứng “chỉ có một cơ quan pháp quy hạt nhân” sẽ phải sửa đổi luật khi nhu cầu thực tế đòi hỏi cần có thêm một số cơ quan nữa. Dù việc xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân không đơn giản, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật lành nghề, nhưng đại biểu lưu ý, nếu điều kiện thực tế đòi hỏi thì vẫn nên cho phép lập thêm cơ quan pháp quy hạt nhân.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nếu giữ quy định chỉ có một cơ quan pháp quy hạt nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị làm rõ cơ quan nào sẽ đảm nhiệm vai trò cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia; có được thành lập mới cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia hay không để bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan pháp quy hạt nhân (trong trường hợp chỉ có 1 cơ quan pháp quy hạt nhân) với các bộ, ngành liên quan, làm rõ thẩm quyền dừng các hoạt động bức xạ, hạt nhân trong trường hợp phát hiện ra các dấu hiệu mất an ninh, an toàn.
Dẫn chiếu lại các tiêu chuẩn về an toàn của IAEA, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nhận thấy, cơ quan pháp quy hạt nhân phải là một cơ quan độc lập và chịu trách nhiệm chính về an toàn hạt nhân. Vai trò chính của cơ quan này là thiết lập và thực thi các quy định về an toàn, cấp phép cho các hoạt động hạt nhân và giám sát việc tuân thủ để bảo vệ con người, môi trường khỏi các tác hại của bức xạ và các sự cố hạt nhân. Vì lý do này, đại biểu cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân cần có một vị trí xứng đáng và được quy định trong luật.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Trong trường hợp giao Chính phủ quy định như thể hiện tại khoản 5, Điều 7 hiện nay, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, phải bảo đảm cơ quan này được hoạt động một cách khách quan, dựa trên nguyên tắc “an toàn và an ninh hạt nhân là tối thượng”.
Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân không được phép đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế kỹ thuật; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Quy định tường minh hơn về cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Một điểm mới của dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy định rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan liên quan về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân.
Tại Điều 30 của dự thảo Luật về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Quy định này của dự thảo Luật được đưa ra là để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động và đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân; đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, một số ĐBQH lưu ý, việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định pháp luật về đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Dự án nhà máy điện hạt nhân là dự án quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường, kinh tế - xã hội, vấn đề giải phóng mặt bằng và cần nguồn vốn rất lớn… đều thuộc vào các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Nếu theo trình tự, thủ tục đầu tư và trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ mất nhiều thời gian hơn khi giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, dẫn đến nhiều khi bị mất cơ hội đầu tư. Do đó, một số đại biểu cho rằng, phải nghiên cứu kỹ về quy mô công suất nhà máy điện hạt nhân, có thể ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân cho Thủ tướng Chính phủ.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nếu quyết định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị, cần sửa các nội dung trong Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư… để khi triển khai áp dụng không vướng mắc, không chồng chéo.
Bên cạnh nội dung về phân cấp, phân quyền quản lý, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhận thấy, việc thẩm định về kỹ thuật và cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quy trình đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đây cũng là một quá trình phức tạp và nghiêm ngặt, thường kéo dài nhiều năm và liên quan đến nhiều cơ quan quản lý và các bên liên quan.
Dẫn chiếu hướng dẫn của IAEA quy định có sáu giai đoạn cần phải cấp phép (gồm địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành thử, vận hành và tháo dỡ nhà máy), đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần biên soạn lại các quy định từ Điều 31 đến Điều 36 của dự thảo Luật theo hướng tường minh, rõ ràng hơn theo hướng tiệm cận tối đa hướng dẫn của IAEA.
Trong đó, đại biểu lưu ý, cần phải có quy định về cấp phép cho từng giai đoạn tên gọi chính thức của từng loại giấy phép; và, sử dụng tên gọi thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế cho từng loại giấy phép, các loại thiết kế cần thiết, thành phần hồ sơ, điều kiện, thẩm quyền cấp phép.
Giải trình các nội dung được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hoạt động bảo đảm an toàn trong phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và an toàn hạt nhân nói riêng sẽ do một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình các nội dung được các ĐBQH quan tâm. Ảnh: Hồ Long
Bộ trưởng cũng cho biết, để bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, nhất là IAEA, bao gồm cả việc cấp phép an toàn hạt nhân trong mọi giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử đoàn công tác tham vấn cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Về cơ bản, IAEA đã kết luận các quy định về an toàn bức xạ, an toàn an ninh và thanh sát hạt nhân của dự thảo Luật đã đảm bảo các nguyên tắc của IAEA.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh đã được đặt ở mức ưu tiên rất cao trong dự thảo Luật, được thể hiện xuyên suốt trong từng đối tượng quản lý, từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu…