Có thể đưa thêm hàng triệu người vào 'lưới' an sinh?

Việc sửa đổi Luật BHXH được kỳ vọng sẽ đưa thêm hàng triệu người tham gia đóng BHXH, từ đó thực hiện mục tiêu đến 2030, 60% lực lượng lao động vào lưới an sinh. Theo đó, cần có lộ trình cụ thể và tuần tự đưa các nhóm lao động tham gia dần vào hệ thống BHXH, đồng thời phải có cơ chế khuyến khích tài chính để thu hút nhiều hơn số người tham gia hệ thống và quyết tâm ở lại hệ thống BHXH.

Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, ước 7 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2022 với khoảng 17,494 triệu người tham gia BHXH, tăng 614 nghìn người (tương đương 3,64%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16,002 triệu người; Số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,492 triệu người.

Lao động có thu nhập ổn định cần đóng BHXH bắt buộc

Mục tiêu đến năm 2030, ngành BHXH phải đưa 60% lực lượng lao động vào lưới an sinh. Theo đó, vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Quốc hội giao Chính phủ tùy từng thời kỳ đưa dần lao động có thu nhập ổn định, thường xuyên vào diện đóng BHXH bắt buộc.

Tính tới tháng 7/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16,002 triệu người; Số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,492 triệu người.

Tính tới tháng 7/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16,002 triệu người; Số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,492 triệu người.

Bộ LĐ-TB&XH dẫn số liệu quản lý của ngành thuế cho hay, năm 2018 có 20,1 triệu người phát sinh thu nhập tiền lương, tiền công giao dịch với cơ quan thuế, trong khi số đóng BHXH chỉ 12 triệu người, chiếm gần 60%. Hai năm sau, số phát sinh thu nhập có giao dịch tăng lên 21,4 triệu người nhưng đóng BHXH chỉ 13,4 triệu (chiếm 62,6%).

Trước mắt, tờ trình bổ sung nhiều nhóm đóng bắt buộc so với dự thảo ban đầu sau khi nhận ý kiến góp ý của các đơn vị. Cụ thể, nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký; kiểm soát viên; quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước, quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương. Nhóm này sẽ đóng tỷ lệ 25%, gồm 22% vào Quỹ hưu trí tử tuất, 3% vào Quỹ ốm đau thai sản. Tiền đóng dao động 500.000 đồng đến 9 triệu đồng mỗi tháng căn cứ vào mức trần - sàn đóng BHXH bắt buộc.

Cơ quan soạn thảo lý giải, nhóm này không hưởng tiền lương nhưng có thu nhập thường xuyên, ổn định. Cả nước có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm và đang đóng thuế.

Đóng bắt buộc còn có lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (không trọn thời gian); người có giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên khác nhưng thể hiện có trả công, tiền lương và giám sát của bên còn lại. Mức đóng, tỷ lệ đóng của nhóm này như luật hiện hành quy định. Khu vực bắt buộc hiện mới áp dụng với lao động có hợp đồng một tháng trở lên.

Người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được đề xuất vào diện đóng bắt buộc thay vì ở khu vực tự nguyện như luật hiện hành. Cả nước có 270.400 người thuộc nhóm này, dự kiến ngân sách chi thêm 331 tỷ đồng mỗi năm nếu bổ sung chế độ BHXH bắt buộc.

Người không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trước đó đã thuộc diện đóng bắt buộc, nay được đề xuất hưởng thêm quyền lợi ốm đau, thai sản. Cả nước có 86.000 người thuộc nhóm này và mới được hưởng hưu trí và tử tuất. Trong khi Trung ương đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương, khối lượng công việc của họ ngày càng nhiều, cần được hưởng thêm chế độ. Cơ quan soạn thảo tính toán kinh phí tăng thêm mỗi năm khoảng 73 tỷ đồng để đóng vào Quỹ ốm đau thai sản.

Kỳ vọng lớn vào Luật BHXH sửa đổi

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam đánh giá: "Lần sửa đổi luật BHXH gần nhất của Việt Nam vào năm 2014 đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, hỗ trợ người dân trong hầu hết các trường hợp gặp rủi ro trong cuộc sống". Tuy nhiên, bà nhận định, tốc độ mở rộng của BHXH hiện nay của Việt Nam còn chậm, rất khó để Việt Nam đạt được tỷ lệ bao phủ BHXH 60% vào năm 2030 như mục tiêu đã đặt ra.

Bà Ingrid Christensen nói: "Điều đáng mừng là Việt Nam đang mở rộng diện bao phủ của BHXH và các quyền lợi BHXH bằng việc sửa đổi luật BHXH. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc phải là nội dung cốt lõi của việc sửa đổi luật BHXH lần này".

Trong khi đó, ông André Gama, chuyên gia của ILO chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị về chính sách của Việt Nam liên quan đến việc mở rộng diện bao phủ BHXH. Theo ông, dựa vào những nhóm lao động được đề xuất tham gia BHXH bắt buộc theo dự thảo luật BHXH sửa đổi thì có thể thấy các quy định tới đây sẽ có những tác động rất lớn và tích cực đến diện bao phủ của BHXH.

Để chính sách mới này phát huy hiệu quả, ông đề nghị cần có lộ trình cụ thể và tuần tự đưa các nhóm lao động tham gia dần vào hệ thống BHXH. Ngoài ra, Việt Nam phải có cơ chế khuyến khích tài chính để thu hút nhiều hơn số người tham gia hệ thống và quyết tâm ở lại hệ thống BHXH.

Ông André Gama đề xuất cải thiện mức hưởng các chế độ BHXH bằng cách tăng mức hưởng các chế độ hiện có và đưa thêm các chế độ mới. Bên cạnh đó, nhà nước phải hỗ trợ phần đóng BHXH cho nhóm lao động có khả năng đóng một phần nhưng chưa đủ khả năng đóng toàn bộ để họ có cơ hội tham gia hệ thống BHXH.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đến từ ILO cũng lưu ý, các chính sách mở rộng diện bao phủ BHXH sẽ giảm hiệu quả nếu tình trạng rút BHXH một lần vẫn diễn ra. Nếu số lượng người rút BHXH một lần cao thì mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 60% vào năm 2030 khó mà hoàn thành.

Hoàn thiện kịch bản phát triển người tham gia

Trong bối cảnh chờ sửa Luật BHXH, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu, sổ - thẻ (BHXH Việt Nam) đề nghị, BHXH các địa phương quan tâm đến việc rà soát dữ liệu từ ngành thuế; phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm rõ thực trạng sử dụng lao động trên địa bàn; tập trung truyền thông, vận động vào một số nhóm người tham gia còn nhiều “dư địa” như: giáo viên mầm non, người làm việc theo hợp đồng tại các hội đoàn thể…

Việc sửa đổi Luật BHXH được kỳ vọng sẽ đưa thêm hàng triệu người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Việc sửa đổi Luật BHXH được kỳ vọng sẽ đưa thêm hàng triệu người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Trong phát triển BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, BHXH các địa phương cần thường xuyên gửi danh sách người tham gia đã đến hạn đóng đến các tổ chức dịch vụ thu để thông tin, tuyên truyền, vận động; có các sản phẩm truyền thông phù hợp với tình hình địa phương; phát huy vai trò của người có uy tín, các đoàn hội trong vận động…

Về công tác phát triển người tham gia, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện kịch bản phát triển người tham gia phù hợp với tình hình chung của từng địa phương, qua đó có kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể. Đồng thời sớm tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT ở các địa phương, nhận diện rõ các bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT. Xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời rà soát, nhận diện các rủi ro mà diễn biến thực tiễn hiện nay có thể xảy ra, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp trong triển khai nhiệm vụ.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/co-the-dua-them-hang-trieu-nguoi-vao-apos-luoi-apos-an-sinh-1094422.html