Có thông tư ban hành điều kiện kinh doanh trái luật
Ngày 11/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo 'Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh'.
Đây là hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform).
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, dù đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.
Báo cáo “Chất lượng của thông tư, công văn với hiệu quả của cải cách thể chế” được công bố tại hội thảo nêu thực trạng, thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh - điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.
Cụ thể, báo cáo cho rằng, có những thông tư ban hành điều kiện kinh doanh “công khai”, có những thông tư lại ban hành điều kiện kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ví dụ như bộ quy tắc “thực hành tốt” trong kinh doanh dược, “thực hành tốt” đặt ra các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực, nên cũng có tính chất như là điều kiện kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn gia nhập và hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo VCCI, việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ khiến nguy cơ môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém thuận lợi vì rào cản từ các điều kiện kinh doanh được ban hành bởi quy trình xây dựng không được giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu vấn đề về tình trạng lạm dụng ban hành thông tư. Ở một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư.
“Hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư dường như vẫn đang tồn tại. Việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều thông tư vẫn chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa thống nhất giữa các thông tư với nhau…
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo ông Đậu Anh Tuấn là do quy trình xây dựng, ban hành chưa thực sự minh bạch; việc đánh giá tác động quy định, đánh giá thủ tục hành chính tại thông tư chưa thực hiện một cách kĩ càng và có chất lượng. Hơn nữa, từ 2005 đã có quy định cấm thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng vẫn còn tình trạng này nên cho thấy cơ chế kiểm soát thực thi về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh tại Luật Đầu tư đang chưa hiệu quả.
Các vấn đề như chất lượng của công văn chưa được đảm bảo, không đủ độ tin cậy, tình trạng các công văn trả lời chậm, thậm chí không trả lời khi doanh nghiệp gửi các câu hỏi, vướng mắc cũng được nêu ra trong báo cáo.
Từ những vấn đề nêu trên, báo cáo của VCCI cho rằng, cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp…
Ngoài ra, theo VCCI, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy phạm pháp luật; cần cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc doanh nghiệp.
Cũng về vấn đề này, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật.
Đồng thời, cần tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động, nhất là tham vấn người dân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động, nâng cao hiệu quả của hoạt động này để tiếng nói của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng những tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn đến gần hơn các cơ quan ra quyết sách, qua đó góp phần bảo đảm hơi thở của cuộc sống đầy đủ hơn vào nội dung văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, tiếp tục cải thiên sự liên thông, gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, Việc ban hành một văn bản tốt, có chất lượng sẽ là tiền đề quan trọng đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành văn bản đó. Nếu trong quá trình xây dựng pháp luật mà không xem xét, đánh giá đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho quá trình thi hành thì sẽ cho ra đời những văn bản pháp luật thiếu khả thi, không phù hợp với thực tiễn và chỉ là những văn bản pháp luật tồn tại “trên giấy”.