Cơ tim phì đại: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Bệnh cơ tim phì đại là một tình trạng cơ tim bất thường. Nó dẫn đến việc tim không thể co bóp hiệu quả để đẩy máu lưu thông hiệu quả, làm ảnh hưởng đến nhịp tim và có thể gây ra rối loạn nhịp tim.

Người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực, chóng mặt, hoa mắt, choáng váng thoáng qua nhưng lại nhầm tưởng do áp lực, căng thẳng hoặc vận động mạnh khiến cho nhiều người mắc bệnh cơ tim phì đại trở nặng dẫn đến ngất xỉu, thậm chí đột tử do không được phát hiện và điều trị kịp thời.

NỘI DUNG::

1. Nguyên nhân gây cơ tim phì đại

2. Triệu chứng cơ tim phì đại

3. Cơ tim phì đại có lây không?

4. Phòng ngừa cơ tim phì đại

5. Điều trị cơ tim phì đại

1. Nguyên nhân gây cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại thường do bất thường gene mã hóa các thành phần của sợi cơ tim và thường bất thường một gene. Có nhiều gene gây ra bệnh cơ tim phì đại. Đây là bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Vì vậy, nếu cha hoặc mẹ mang gene bất thường thì khả năng di truyền gene bất thường này cho con cái của họ là 50%.

Nếu một đứa trẻ mang gene bất thường di truyền từ cha mẹ thì có khả năng thành tim dày lên, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, thường ở lứa tuổi dậy thì. Đôi khi, có một số người mang gene bất thường nhưng không phát triển bệnh. Tuy nhiên mức độ nặng của bệnh không thể dự đoán được. Do đó, tầm soát bệnh cơ tim phì đại ở người thân trực hệ hàng thứ nhất của bệnh nhân bệnh cơ tim phì đại (con cái, anh chị em, cha mẹ) là điều quan trọng.

Bệnh cơ tim phì đại là bệnh lý ảnh hưởng đến cơ tim.

Bệnh cơ tim phì đại là bệnh lý ảnh hưởng đến cơ tim.

2. Triệu chứng cơ tim phì đại

Bệnh phì đại cơ tim được chia thành 2 loại:

Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn: Khoảng 60 – 70% các trường hợp bệnh là ở dạng này. Bệnh nhân cơ tim phì đại tắc nghẽn có vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải dày hơn, gây tắc nghẽn đường ra thất trái và giảm lưu lượng máu qua tim.

Bệnh cơ tim phì đại không tắc nghẽn: Khoảng 1/3 trường hợp còn lại là dạng phì đại cơ tim không tắc nghẽn. Bệnh nhân không bị giảm lưu lượng máu qua tim, tuy nhiên, tâm thất trái bệnh nhân có thể dày và cứng hơn làm giảm thể tích chứa máu của tâm thất trái, từ đó giảm lượng máu bơm ra ngoài tim để đi nuôi cơ thể.

Triệu chứng của cơ tim phì đại rất thay đổi. Đa số bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Những triệu chứng thường gặp bao gồm:

Hồi hộp do rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, nhịp nhanh thất.

Đau ngực thường xảy ra khi gắng sức hoặc khi hoạt động thể lực.

Choáng váng hay ngất có thể do rối loạn nhịp.

Khó thở thường xảy ra khi gắng sức

Bệnh cơ tim phì đại có thể đưa đến những biến chứng sau:

Rối loạn nhịp tim: Bệnh có thể ảnh hưởng đến tín hiệu điện trong tim, khiến tim đập quá nhanh hoặc quá chậm.
Hình thành cục máu đông và đột quỵ: khi tim không thể bơm máu bình thường sẽ dẫn đến nguy cơ tạo lập cục máu đông. Cục máu đông này có thể di chuyển lên não và gây đột quỵ.
Bệnh van tim: bệnh cơ tim phì đại có thể dẫn đến tổn thương các mô van tim.
Giãn cơ tim: cơ tim dày lên và giảm co bóp hưởng đến khả năng co bóp cơ tim. Theo thời gian, tâm thất dần giãn ra để tăng thể tích chứa máu, lâu dần làm giảm sức co bóp của cơ tim.

Suy tim: là tình trạng khả năng bơm máu của tim yếu hơn bình thường, gây những triệu chứng như khó thở, ho, phù, hồi hộp, choáng váng, mệt mỏi.

Sốc tim: đây là tình trạng đe dọa tính mạng khi tim không thể bơm máu và cung cấp chất dinh dưỡng hoặc oxy đến não, phổi, thận.

Ngưng tim: đây là một biến chứng hiếm gặp của bệnh cơ tim phì đại.

3. Cơ tim phì đại có lây không?

Nguyên nhân phì đại cơ tim là bệnh lý di truyền được gây ra bởi các đột biến gen khiến cơ tim phát triển bất thường, thành tim dày lên. Ngoài ra, yếu tố mắc bệnh ở người lớn tuổi có thể do mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không được điều sớm và hiệu quả gây cơ tim phì đại, vì vậy đây là bệnh không lây nhiễm nên không lây.

4. Phòng ngừa cơ tim phì đại

Cơ tim phì đại là bệnh lý di truyền do đột biến gen, chính vì thế không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Điều quan trọng là cần xác định tình trạng bệnh càng sớm càng tốt để có hướng điều trị kịp thời và ngăn ngừa biến chứng.

Nếu gia đình có thành viên mắc bệnh, khuyến cáo những thành viên còn lại nên kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn để có thể phát hiện sớm bệnh lý.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tim mạch rất mập mờ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, nhiều trường hợp bệnh nhân phát hiện bệnh khi bệnh đã tiến triển nghiêm trọng, hoặc vô tình phát hiện khi thăm khám bệnh khác. Bên cạnh đó, hầu như 100% người lớn tuổi có thể mắc nhiều bệnh cùng một lúc như cơ tim phì đại, tăng huyết áp, đái tháo đường,… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, dù ở độ tuổi nào, đặc biệt những người chơi thể thao và người có bệnh nền cần thăm khám, tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các vấn đề tim mạch.

5. Điều trị cơ tim phì đại

Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Việc điều trị bao gồm áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc, đặt máy phá rung cấy... để giảm nguy cơ đột tử cho bệnh nhân.

Dùng thuốc

Thuốc được kê đơn để làm giảm triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Một số bệnh nhân có thể không cần dùng thuốc.

Thuốc ức chế beta và ức chế kênh canxi làm thư giãn cơ tim giúp việc đổ đầy và bơm máu hiệu quả hơn. Một số thuốc chống loạn nhịp khác có thể được chỉ định khi cần thiết.

Thuốc kháng đông được dùng để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông có thể đưa đến đột quỵ khi bệnh nhân có rối loạn nhịp tim.

Thuốc lợi tiểu làm giảm ứ dịch ở phổi và chân, được chỉ định ở một số bệnh nhân.

Thuốc kháng sinh được kê toa khi cần phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Phương pháp can thiệp

Sử dụng máy phá rung cấy và máy tạo nhịp là dụng cụ nhỏ được đặt dưới da và được nối với dây điện cực đi qua tĩnh mạch để đến tim.

Máy phá rung cấy: được chỉ định cho những bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao. Dụng cụ này phát hiện và điều trị rối loạn nhịp nguy hiểm có thể dẫn đến ngừng tim và đột tử.

Máy tạo nhịp: giúp tim đập với tốc độ bình thường.

Bệnh nhân choáng váng hay ngất có thể do rối loạn nhịp.

Bệnh nhân choáng váng hay ngất có thể do rối loạn nhịp.

Cắt vách liên thất: Phẫu thuật này nhằm làm giảm bề dày vách liên thất, mở rộng đường ra thất trái khi bệnh nhân có tắc nghẽn đường thất trái mặc dù đã được điều trị bằng thuốc.

Chích cồn vào nhánh vách của động mạch liên thất trước với mục đích làm vùng cơ tim chích cồn co lại và giảm bề dày. Phương pháp này chỉ phù hợp với một số bệnh nhân.

Một số bệnh nhân cần ghép tim khi có suy tim nặng và không đáp ứng với điều trị.

Thay đổi lối sống

Được áp dụng cho tất cả bệnh nhân cơ tim phì đại

Giảm rượu: Vì rượu và caffein làm tăng nhịp tim và huyết áp. Vì vậy nên ngưng hoặc giảm rượu, caffein để tránh làm nặng triệu chứng bệnh.
Hạn chế muối và nước: Điều này cần thiết cho bệnh nhân có triệu chứng suy tim. Hãy hỏi bác sĩ của bạn mức độ cần hạn chế.

Hoạt động thể lực: Hầu hết bệnh nhân cơ tim phì đại có thể tham gia các môn thể thao không có tính đối kháng. Nên tránh nâng vật nặng và chơi các môn thể thao có cường độ cao.

Cần tái khám đều đặn: Bệnh nhân cơ tim phì đại nên tái khám theo lịch hẹn để theo dõi triệu chứng và biến chứng của bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời.

BS. Nguyễn Phương Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-tim-phi-dai-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250210212632695.htm