Những người nên hạn chế ăn đậu tương, đậu xanh, đậu đen
Đậu không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc chữa một số bệnh, nhưng dưới đây là những người nên hạn chế ăn đậu tương, đậu xanh, đậu đen.
Tác dụng của các loại đậu
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn trang Hefbazest cho biết, đậu không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc chữa một số bệnh.
Dưới đây là tác dụng của đậu đối với sức khỏe:
Tăng cường nhu động ruột: Chất xơ cao trong đậu mang lại cho chúng đặc tính nhuận tràng, giúp điều chỉnh các chức năng đường tiêu hóa.
Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu: Chất xơ hòa tan trong nước và các axit amin khá hiệu quả trong việc hỗ trợ điều chỉnh lượng glucose, do đó giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Giúp sáng mắt: Hàm lượng beta-carotene và các chất dinh dưỡng cho mắt khác trong đậu xanh giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, cũng hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt nói chung, trong khi đậu đỏ có tác dụng lợi tiểu nhẹ có thể giúp giảm phù nề.
Những người không nên ăn đậu tương, đậu đen, đậu xanh
Đậu tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phù hợp với tất cả mọi người. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn đậu tương, đậu xanh, đậu đen:
![Đậu nành, đậu xanh, đậu đen tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_83_51469817/47cde270d33e3a60632f.jpg)
Đậu nành, đậu xanh, đậu đen tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được
Những người không nên ăn đậu xanh
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, đậu xanh rất lành tính nhưng không phù hợp ăn trong một số trường hợp sau:
- Khi bị tiêu chảy không nên ăn đậu xanh vì nó có thể làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Không nên ăn đậu xanh khi đói để tránh làm hại dạ dày.
- Một số người có thể bị dị ứng với đậu xanh.
- Những người có vấn đề về tiêu hóa: Lectin trong đậu xanh có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe đường tiêu hóa như gây ợ hơi, đầy bụng, chậm tiêu.
- Không nên ăn quá nhiều, người lớn chỉ nên ăn 2 đến 3 lần trong tuần, trẻ nhỏ chỉ nên cho một chút vào cháo, nếu trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể ăn theo lượng của người lớn.
Những người không nên ăn đậu đen
Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học Cổ truyền, trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, những người cần hạn chế sử dụng đậu đen hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước:
Thứ nhất, người bị bệnh thận: Nước đậu đen tác dụng lợi tiểu, do đó người có bệnh về thận cần thận trọng khi sử dụng.
Thứ hai, người đang uống thuốc có khoáng chất: Trong nước đậu đen chứa Phytat làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Phytat gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho.
Vì vậy, bạn không nên dùng nước đậu đen để uống các loại thuốc có chứa sắt, kẽm, can, đồng, canxi hoặc sử dụng thực phẩm có chứa các chất này… dẫn tới thiếu máu, loãng xương. Tốt nhất, thời gian lý tưởng để sử dụng đậu đen với các thực phẩm khác là cách nhau khoảng 4 giờ.
Thứ ba, người mắc bệnh viêm đại tràng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Nếu bạn muốn uống thì phải rang lên và dùng với số lượng ít.
Thứ tư, trẻ nhỏ và người già, do hàm lượng protein trong đậu đen rất cao khiến cho người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu, khó tiêu thụ hết lượng protein trong đậu đen, dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.
Những người không nên ăn đậu tương
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS. Bác sĩ nội trú (BSNT) chuyên ngành ung bướu Nguyễn Xuân Tuấn, cho biết, những nhóm người dưới đây nên hạn chế ăn đậu tương.
Người có chức năng tiêu hóa kém
Sữa đậu nành có tính lạnh, những người khó tiêu, ợ hơi và chức năng tiêu hóa kém nên ít uống sữa đậu nành. Ngoài ra, những người bị viêm dạ dày cũng không nên ăn các sản phẩm từ đậu nành, để không kích thích tăng tiết quá mức axit dịch vị và làm bệnh nặng thêm, hoặc gây đầy hơi.
Người bị bệnh gout
Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin, trong khi đó đậu tương rất giàu purin. Purin là chất ưa nước nên đậu nành sau khi xay thì hàm lượng purin cao gấp mấy lần so với các sản phẩm làm từ đậu nành khác.
Vì vậy, người bệnh gout nên hạn chế uống sữa đậu nành. Nhưng không có nghĩa là tuyệt đối tránh dùng sữa đậu nành mà cần kiểm soát số lượng, để phòng và điều trị bệnh gout.
Bệnh nhân suy thận
Bệnh nhân suy thận cần có chế độ ăn ít đạm, trong khi đó đậu tương và các chế phẩm của chúng là những thực phẩm giàu chất đạm, các chất chuyển hóa sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
Người có bệnh tuyến giáp
Người bệnh tuyến giáp tránh sử dụng các sản phẩm đậu tương đã qua chế biến như bột đậu tương, bột protein tăng cơ. Không lạm dụng những sản phẩm đậu tương và thay thế cho những món ăn khác. Chỉ sử dụng những chế phẩm chưa qua chế biến quá nhiều như sữa đậu nành, đậu phụ tươi, miso… Không nên ăn quá nhiều và thường xuyên.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nguoi-nen-han-che-an-dau-tuong-dau-xanh-dau-den-ar922625.html