Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người thắp lửa cho tâm hồn Việt Nam và chiến lược ngoại giao văn hóa thời đại mới
Một năm sau ngày cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi xa, ánh sáng tư tưởng về văn hóa của ông vẫn lan tỏa mạnh mẽ trong từng bước chuyển mình của đất nước.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một minh chứng rõ nét về sự gương mẫu, liêm khiết trong hành động, giản dị trong lối sống. (Ảnh: Tuấn Anh)
Ông không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất đặt nền móng cho phát triển văn hóa trong nước, mà còn là người kiến tạo đường hướng ngoại giao văn hóa mềm mại mà sâu sắc, khẳng định bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế bằng chính chiều sâu bản sắc và tâm hồn dân tộc.
Từ rất sớm, trong lịch sử chính trị hiện đại của Đảng ta, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thể hiện nhất quán và rõ ràng nhất tư duy đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và chính trị – một tư duy chưa từng bị lay chuyển trong suốt hơn một thập niên ông giữ cương vị cao nhất của Đảng (2011–2024). Với ông, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực cần quan tâm, mà là gốc rễ, là nền tảng để phát triển đất nước một cách bền vững, toàn diện. Như chính ông khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Không dừng lại ở những chỉ đạo lớn trong nước, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn định hình rõ một tầm nhìn văn hóa mang tính toàn cầu: Làm sao để văn hóa Việt Nam không chỉ là di sản truyền thống mà còn là sức mạnh mềm, là công cụ kết nối bạn bè quốc tế, nền tảng cho đối ngoại đa phương, hòa bình và nhân văn. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ông là người đầu tiên nhấn mạnh đầy đủ rằng văn hóa chính là “hồn cốt của dân tộc” và cũng là “ngôn ngữ đối thoại của nhân loại”.
Tư tưởng ấy đã trở thành điểm tựa cho các chiến lược lớn, từ chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chiến lược văn hóa đối ngoại, đến chương trình xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới. Không chỉ là các văn bản hành chính, những chiến lược này mang trong mình tầm nhìn xa: Lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam bằng những phương tiện hiện đại nhất; đưa nghệ thuật, ngôn ngữ, ẩm thực, thời trang, điện ảnh, không gian sáng tạo ra thế giới như những đại sứ thầm lặng của một dân tộc có chiều sâu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, tháng 12/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng/TGVN)
Chúng ta không thể quên những khoảnh khắc đáng nhớ trên trường quốc tế: Tại Mỹ, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại văn hóa để hàn gắn chiến tranh. Ở Trung Quốc, ông nói đến mẫu số chung văn hóa Đông phương để thúc đẩy hợp tác láng giềng. Ở Cuba, ông ca ngợi mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng tình cảm nhân văn sâu sắc. Tại Pháp – cái nôi của nhân văn học, ông nhấn mạnh giá trị của bản sắc dân tộc trong dòng chảy toàn cầu hóa... Những phát biểu ấy không đao to búa lớn, mà thấm đẫm sự sâu sắc, khiêm nhường, mang một phong cách rất Việt Nam.
Trong bài phát biểu lịch sử tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được xem là “bản cương lĩnh mới về văn hóa”, cố Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.
Trong phần cuối bài phát biểu ấy, như gửi gắm cả một đời suy tư và khát vọng, ông nhấn mạnh: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Điều khiến nhân dân cảm phục ở ông không chỉ là những lời hay ý đẹp, mà là cách ông sống đúng với những điều ông nói. Với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa không ở đâu xa, mà bắt đầu từ nếp nhà, sự liêm chính, thái độ khiêm nhường, lối sống đạo nghĩa. Ông yêu thơ, hay trích thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Ông xúc động trước chiếc mũ rơm Trường Sơn, rưng rưng trước bức tranh làng quê, ân cần thăm hỏi các nghệ sĩ lão thành, nhà nghiên cứu Hán Nôm. Những hình ảnh ấy không phải là “hình ảnh truyền thông”, mà là chiều sâu nhân cách của một người sống với văn hóa như máu thịt, sống liêm khiết như một người Việt Nam bình thường mà vĩ đại.
Cũng vì thế, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn coi trí thức, văn nghệ sĩ, giáo viên, nhà nghiên cứu là những người “giữ lửa, thắp lửa và truyền lửa văn hóa”. Ông không hô hào suông, mà dành trọn niềm tin và kỳ vọng vào những người âm thầm vun đắp nền tảng tinh thần cho quốc gia. Đối với ông, phát triển không bắt đầu từ chỉ tiêu tăng trưởng, mà bắt đầu từ sự chuyển biến trong tư duy, trong nhân cách, trong giá trị sống của từng con người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một dịp thăm lại trường xưa và có cuộc gặp xúc động với thầy giáo chủ nhiệm Lê Đức Giảng. (Nguồn: VOV)
Chính vì vậy, tư tưởng của ông ngày càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới: Vừa hội nhập sâu rộng, vừa xây dựng bản lĩnh độc lập – tự cường; vừa đẩy mạnh chuyển đổi số, vừa giữ gìn hồn cốt văn hóa; vừa chú trọng quyền lực mềm, vừa bồi đắp lòng dân. Ông chính là người đã khơi dậy một tầm nhìn văn hóa quốc gia có chiều sâu chiến lược và sức sống nhân văn, để Việt Nam bước ra thế giới bằng sự tự tin từ cội nguồn chứ không phải bằng sự vay mượn từ văn hóa nước ngoài xa lạ.
Một năm đã trôi qua kể từ khi ông đi xa. Trong lòng nhân dân, hình ảnh cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn sống động: Giọng nói nhỏ nhẹ nhưng kiên định, đôi mắt vừa cương nghị vừa đôn hậu. Một con người lãnh đạo bằng trí tuệ, truyền cảm hứng bằng đạo đức, để lại một di sản không chỉ trong văn kiện Đảng, mà trong từng góc phố, nếp nhà, cách sống và suy nghĩ của hàng triệu người Việt Nam.
Nhân ngày giỗ đầu của ông, chúng ta không chỉ tưởng nhớ một nhà lãnh đạo lớn, mà còn tri ân một người gieo mầm văn hóa cho dân tộc. Ngọn lửa mà ông thắp lên – ngọn lửa của tư tưởng, của nhân cách, của bản sắc sẽ còn cháy mãi, trong từng lời ru, câu hát, vở diễn, trang sách và cả trong hành trình hội nhập vươn lên của đất nước hôm nay.
Có lẽ, lời tiễn biệt sâu sắc nhất chính là tiếp tục thực hiện di nguyện mà ông để lại: Làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh to lớn, soi đường cho quốc dân đi. Đây không chỉ trong khẩu hiệu, mà trong chính đời sống hằng ngày, trong từng quyết sách, từng bước đi của dân tộc Việt Nam.
Và như thế, ông vẫn đang ở lại trong trái tim và tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam...