Cổ tức, quà của cổ đông bảo hiểm
Việc chia cổ tức phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh, mà yếu tố này lại nằm ở 'thì tương lai', thế nên hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều thận trọng, thậm chí có doanh nghiệp còn 'để ngỏ' vấn đề này trong kế hoạch kinh doanh.

Các doanh nghiệp bảo hiểm còn đối mặt với nhiều khó khăn
Phân hóa bức tranh kinh doanh, cổ tức
Với kết quả kinh doanh vượt mức kế hoạch, Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI) dự kiến trình đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2025 tỷ lệ chi trả cổ tức 31,5% cho năm 2024, cao hơn mức 28,5% được thông qua trước đó. Năm ngoái, nhờ kết quả doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 16.083 tỷ đồng (vượt 119% kế hoạch năm) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.246 tỷ đồng (vượt 126% kế hoạch năm), PVI cũng đã trả cổ tức cao hơn kế hoạch, ở mức 32%.
Đây là năm thứ 10 liên tiếp PVI trả cổ tức bằng tiền ở mức cao từ 20% trở lên và là mức chi trả cổ tức cao thứ ba trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này kể từ khi thành lập. Trong 4 năm gần nhất, PVI liên tiếp tung ra lượng tiền mặt lớn để trả cổ tức với tỷ lệ cao và luôn dẫn đầu nhóm cổ phiếu bảo hiểm về chia cổ tức “khủng”, đều từ 30% mỗi năm (năm 2021 là 33%, năm 2022 là 30%, năm 2023 là 32% và năm 2024 là 31,5%) và đều cao hơn mức cam kết với cổ đông.
Tuy không trực tiếp kinh doanh bảo hiểm, nhưng với việc nắm giữ cổ phần chi phối tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm PVI (hoạt động trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ) và Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội - Hanoi Re (mã chứng khoán PRE, hoạt động trong mảng tái bảo hiểm), nên lâu nay PVI vẫn được giới đầu tư xếp vào nhóm cổ phiếu bảo hiểm. Hơn 10 năm trước, PVI còn sở hữu cả cổ phần của PVI Sun Life (hoạt động trong mảng bảo hiểm nhân thọ), trước khi thoái hết vốn tại đây vào cuối năm 2016.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam - Bảo hiểm Agribank (ABIC, mã chứng khoán ABI), với lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 256 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch năm, nhà bảo hiểm này cũng trả cổ tức khá hấp dẫn 20% bằng tiền mặt.
Tại ĐHCĐ tới đây, ABIC sẽ trình kế hoạch chia cổ tức năm 2024 như trên và kế hoạch chia cổ tức năm 2025 tối thiểu là 14% dựa trên mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 315 tỷ đồng năm nay.
Hiện tại, toàn bộ danh mục đầu tư tài chính của ABIC là tiền gửi tại tổ chức tín dụng (Agribank - PV). Tại ngày 31/12/2024, tổng số dư tiền gửi của ABIC là 3.157 tỷ đồng. Tại ABIC, 3 cổ đông lớn nhất là Agribank nắm 52,08% vốn; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam - Vinare (mã chứng khoán VNR) nắm 8,55% vốn và cổ đông nước ngoài AFC VF LIMITER nắm 6,34% vốn.
Nhiều công ty bảo hiểm khác cũng công bố chi trả cổ tức theo đúng cam kết với cổ đông, dù không quá cao, chẳng hạn Vinare là 20% (trong đó 10% bằng tiền mặt); Hanoi Re là 16%; Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã chứng khoán MIG) là 10%…
Mới nhất, tại ĐHCĐ diễn ra cuối tuần qua, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (mã cổ phiếu PGI) đã thông qua việc trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, tăng so với kế hoạch trước đó là 10%.
Bên cạnh những cái tên chi trả cổ tức đều đặn, cũng có những công ty bảo hiểm không chia cổ tức cho cổ đông trong nhiều năm liền.
Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không - VNI (mã chứng khoán AIC, hiện đổi tên thành Bảo hiểm DBV) tiếp tục không chia cổ tức năm 2024 nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Tính từ năm 2017 đến nay, VNI đã 8 năm liên tiếp không chia cổ tức.
Năm 2024, lợi nhuận sau thuế VNI đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 53,6% so với năm trước đó và chỉ hoàn thành 35,8% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính sụt giảm 21%, chỉ còn 146 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Năm 2025, VNI đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm là 4.929 tỷ đồng, tăng 66,6% so với năm 2024, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ dự kiến đạt 32 tỷ đồng (dù đã tăng 2,77 lần so với thực hiện năm 2024).
Tương tự, trong 4 năm gần nhất (từ năm 2021 đến nay), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI (mã chứng khoán PTI) cũng không chia cổ tức để dồn nguồn lực tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính… Được biết, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong năm 2024 của PTI đạt 4.016 tỷ đồng, giảm 20,9% so với năm 2023, khi hầu hết doanh thu các sản phẩm bảo hiểm đều tăng trưởng âm.
Thận trọng khi phân chia lợi nhuận
Còn nhớ, tại ĐHCĐ năm ngoái của ABIC, cổ đông Nguyễn Văn Nghiệp chất vấn, “vì sao ABIC lại để cổ tức năm 2024 ở mức tối thiểu 14%, trong khi thực tế năm nào cũng đạt cao hơn, bởi thế kế hoạch cổ tức năm 2024 nên để tối thiểu là 20%. Cả năm 2023 nên chia cổ tức ở mức 25%, không nên để lợi nhuận giữ lại quá nhiều”.
Lãnh đạo ABIC lúc bấy giờ cho biết, mục tiêu của Công ty là giữ ổn định cổ tức ở mức 20%/năm trong giai đoạn dài nên cần chuẩn bị cho việc mở rộng quy mô kinh doanh và mạng lưới, do đó lợi nhuận để lại cũng là một yếu tố dự phòng trong trường hợp gặp khó khăn.
Tại Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH), tính đến thời điểm này, tỷ lệ cổ tức năm 2024 chưa được công khai, trong khi kết quả kinh doanh năm 2024 tiếp tục khả quan với tổng doanh thu hợp nhất đạt 56.875 tỷ đồng, vượt 1,4% kế hoạch; lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 2.663 tỷ đồng và 2.194 tỷ đồng, vượt kế hoạch lần lượt 17,7% và 16,6%.
Được biết, năm 2023, Bảo Việt đã trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10,037% trên mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu), tương đương hơn 745 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông của Bảo Việt từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới hơn 13.100 tỷ đồng.
Năm năm trước, có những năm Bảo Việt luôn nằm trong nhóm công ty bảo hiểm niêm yết dẫn đầu về trả cổ tức cao, thường xuyên ở mức trên 20%, thì nay đã xếp sau PVI và ABIC. Bảo Việt từng chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30,261% - là mức cổ tức kỷ lục của doanh nghiệp này tính đến nay, tương đương số tiền chi trả 2.246 tỷ đồng. Bảo Việt chia hết phần lợi nhuận lũy kế chưa phân phối, bao gồm 684,8 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2021 và 1.561,6 tỷ đồng lũy kế đến năm 2020.
Cũng cần lưu ý thêm, tương tự như PVI, cổ phiếu BVH cũng được xếp trong nhóm bảo hiểm khi sở hữu 100% vốn tại 2 công ty bảo hiểm là Bảo Việt Nhân thọ (hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ) và Bảo hiểm Bảo Việt (hoạt động trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ), cho dù không phải là công ty bảo hiểm thuần túy.
Tương tự, Vinare từng thường xuyên trả cổ tức quanh ngưỡng 20%. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà tái bảo hiểm này không còn trả cổ tức bằng tiền mặt cao như trước, hoặc nếu có thì trả hỗn hợp bằng tiền và cổ phiếu. Năm 2024, Vinare sẽ chi trả 10% cổ tức bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu, trong khi năm 2025 dự kiến chỉ còn 10% bằng tiền mặt.
Thực tế, việc chia cổ tức phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh, mà yếu tố này lại nằm ở “thì tương lai”, thế nên hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều thận trọng, thậm chí có doanh nghiệp còn “để ngỏ” vấn đề này trong kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chi trả cổ tức là một nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm hoàn thành cam kết với các cổ đông.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-tuc-qua-cua-co-dong-bao-hiem-post367829.html