Cơm lam Hòa Bình - món ăn đặc sắc

Cơm lam Hòa Bình là món ăn đậm hương rừng gắn kết với bản sắc văn hóa dân tộc vừa lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2021-2022) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố mới đây. Qua đó mở ra cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh món ăn, đặc sản, giá trị ẩm thực của tỉnh trong và ngoài nước.

Cơm Lam Hòa Bình là món ăn truyền thống của người Mường, gắn liền với văn hóa tộc người, có từ rất lâu đời và ngày nay trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi bữa cơm ngày lễ, Tết. Món ăn này được du khách xa gần yêu thích. Chị Lê Bích Thủy, quận Tây Hồ - TP Hà Nội chia sẻ: Lần nào đến suối Khoáng - Kim Bôi, tôi cũng mua cơm lam về làm quà cho gia đình, người thân. Đây là món ăn ngon, hấp dẫn du khách.

Ngày nay, cơm lam không chỉ có ở Mường Động (Kim Bôi) và ở nhiều vùng như Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu… Những người làm du lịch ở Hạ Bì, nay là thị trấn Kim Bôi (Kim Bôi) cho biết: Từ bao đời nay, cơm lam hiện hữu trong đời sống của người dân tộc Mường ở Kim Bôi. Trước đây, từ thủa hồng hoang, xuất phát từ việc người dân phải đi rừng vất vả từ sáng sớm đến tối muộn, họ phải mang theo một chút gạo để khi đói sẽ chặt ống nứa ở rừng, bỏ gạo và nước suối vào nướng lên thành cơm lam ngày nay. Đối với người Mường Động nói riêng, thường thì người đàn ông đảm nhận việc chế biến các món ăn trong gia đình, nhưng với món cơm lam thì cả phụ nữ, đàn ông và trẻ em đều biết làm. Họ làm cơm lam khi đi lao động trên nương, vào rừng kiếm củi, trẻ em thì làm để ăn khi đi chăn trâu. Đến nay, văn hóa làm cơm lam vẫn được giữ nguyên giá trị. Cơm lam đơn giản là cách dùng ống nứa thay nồi để nấu, đó còn là cách đun nấu rất dân dã, khác thường của người dân miền núi. Xưa kia, cuộc sống lao động sản xuất của người dân gắn liền với rừng núi, mọi việc đều đơn giản, người dân nghĩ ra phương pháp nấu cơm mới là cho gạo vào ống nứa, thắp lửa nướng lên mang theo rất thuận tiện.

Cùng với thời gian, món cơm lam được chế biến ngày càng tinh tế. Nứa phải lựa những ống nứa bánh tẻ, không được quá già hoặc quá non. Bởi hương thơm từ ống nứa sẽ quyện cùng hương thơm của gạo nếp khi nướng, tạo nên mùi vị đặc trưng của món cơm lam. Gạo là loại nếp nương nổi tiếng, hạt vừa phải, thuôn dài, trắng và thơm. Gạo ngâm từ 8-10 tiếng, sau đó để ráo nước và cho vào ống nứa. Khi đổ gạo vào các ống nứa không được nén quá chặt. Sau cùng, dùng lá cơm nếp cuộn chặt lại, bịt kín miệng ống rồi xếp lên bếp nướng. Xưa kia, người dân nướng cơm lam bằng củi, nhưng ngày nay chủ yếu sử dụng than bởi nó giữ nhiệt tốt, cơm chín đều. Cơm được nướng trong khoảng 50 phút, phải trực tiếp canh lửa và xoay cơm lam thường xuyên, giữ lửa vừa phải. Nếu thấy mùi thơm từ ống lam bay ra có nghĩa là cơm sắp chín. Nhiều người dân còn sáng tạo ra cách ướp hương vị thiên nhiên làm cơm lam ngũ sắc rất lạ và đẹp mắt. Cơm lam là món ăn dân dã, nhưng chấm với muối vừng ngon và bùi ngậy hấp dẫn vị giác.

Đến nay, cơm lam đã trở thành sản phẩm hàng hóa cung cấp tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Tại các địa phương cũng đã hình thành tổ hợp sản xuất cơm lam vừa để trao đổi những kinh nghiệm làm cơm lam vừa để phục vụ du khách gần xa. Có thể nói, cơm lam không chỉ làm phong phú ẩm thực của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh mà nó còn góp phần quảng bá văn hóa Mường Hòa Bình tới du khách khi đến thăm quan du lịch.

Linh Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/170210/com-lam-hoa-binh--mon-an-dac-sac.htm