Cốm Mễ Trì: Mỗi hạt cốm, một câu chuyện

Những ngày này tiết trời Thủ đô đã dần se lạnh báo hiệu mùa của nhiều món quà đặc trưng của Hà Nội đã bắt đầu. Trong số rất nhiều món ăn ngon, dân dã, nổi tiếng của mùa thu Hà Nội, không thể không kể đến cốm - món quà quê kết tinh từ những bàn tay tảo tần và tài hoa của những người nông dân Hà Nội.

Hạt cốm xanh mướt, óng ánh như những viên ngọc nhỏ, mang theo vị ngọt thanh của lúa nếp non và hương thơm dịu nhẹ của lá sen. Mỗi hạt cốm đều chứa đựng biết bao câu chuyện: câu chuyện về những người nông dân cần mẫn gieo trồng, chăm sóc lúa nếp; câu chuyện về những đôi tay khéo léo của người làm cốm, tỉ mỉ rang, giã, sàng từng hạt; câu chuyện về những gánh hàng rong len lỏi khắp phố phường, mang hương cốm đến mọi nhà...

Cứ vào thời điểm tháng 9, tháng 10, người dân làng Mễ Trì lại tất bật chuẩn bị cho vụ cốm lớn nhất trong năm. Đến Mễ Trì vào mùa cốm, bạn sẽ nhận ra được ngay hương thơm đặc biệt của hạt thóc rang trên chảo ở các lò cốm hay cả mùi thơm ngọt ngào của các sợi rơm xanh biếc dùng để gói cốm. Những nhịp chày giã cốm nhịp nhàng; những đôi bàn tay sàng, sẩy cốm thoăn thoắt tạo nên những thanh âm nhộn nhịp, đặc trưng của làng cốm.

Cốm Mễ Trì được làm từ những hạt lúa nếp non còn mọng sữa. (Ảnh: Dân trí)

Cốm Mễ Trì được làm từ những hạt lúa nếp non còn mọng sữa. (Ảnh: Dân trí)

Những hạt cốm dẻo với sắc xanh đặc trưng vẫn còn lưu giữ vị ngọt, bùi của lúa non mới thanh mát, dịu ngọt; là thức quà dân dã và bình dị của mùa thu Hà Thành. Tại làng Mễ Trì vẫn còn hàng chục hộ dân giữ nghề và truyền nghề cho thế hệ sau. Riêng với hộ sản xuất của ông Nguyễn Tiến Hòa, chủ một trong những cơ sở sản xuất cốm ở Mễ Trì, Hà Nội, gia đình ông là đời thứ 5 làm cốm.

Để đảm bảo chất lượng mỗi mẻ cốm, ông Hòa đều ra tận cánh đồng, lựa chọn từng chuyến lúa non. Các bông lúa bắt đầu hoe hoe vàng, chỉ mươi ngày nữa là gặt rộ, cũng là lúc người nông dân chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến làm cốm. Theo ông Hòa, muốn cốm ngon thì phải cắt lúa đúng lúc, nếu để lúa già thì hạt cốm không được xanh và sẽ cứng, gãy nát.

Trong quy trình làm cốm, chảo rang cốm phải làm từ gang đúc. Cốm được rang bằng củi lửa nhỏ tới vừa. Ban đầu, thóc còn ướt nên phải để lửa thật lớn. Sau đó, phải hạ lửa, nếu để lửa to, cốm sẽ chín không đều, thậm chí bị cháy. Đặc biệt, ở làng cốm Mễ Trì, người dân thường chỉ rang cốm bằng bếp củi.

"Bởi vì đun củi mới là gọi là nghề cốm, đun củi thì mới là cốm ngon chứ còn đun than thì không thể đun được. Lúc cao, lúc thấp, nhiệt độ không thể đủ để cho những hạt thóc chín lên được", ông Hòa chia sẻ.

Thóc rang gần xong, người làm cốm phải thử tách vỏ một số hạt. Dựa vào kinh nghiệm lâu năm, họ có thể nhận biết thóc đã chín đúng độ hay chưa. Theo ông Hòa, công đoạn này yêu cầu kỹ tính nhất.

Thóc được rang trên bếp củi bếp củi.

Thóc được rang trên bếp củi bếp củi.

Mễ Trì những ngày này, chỉ cần đi tới đầu làng đã thấy hương cốm tỏa ra thơm ngọt. Nghe đến cốm, người ta dễ dàng nghĩ đến những hạt cốm xanh non, được gói bởi những lá sen đượm hương ngan ngát, bên ngoài được buộc bằng đôi cọng rơm nếp khô.

Qua bao công đoạn xay, giã, dần, sàng, hạt cốm cũng thành hình. Cốm bọc sen, món quà của thiên nhiên ban tặng cho người Hà Nội là biểu tượng của mùa thu, của tình yêu quê hương. Nói đến cốm không thể bỏ qua lá sen, thứ lá mang lại cho cốm hương vị đặc biệt của mùa thu. Lá sen to, có hương thơm thoang thoảng. Chính vì thế mà lá sen được dùng để gói cốm.

Những chiếc lá sen xanh mướt, căng tròn như những chiếc thuyền nhỏ, chứa đựng cả một mùa thu đượm hương cốm bên trong. Hương cốm được giữ kín trong lá sen hòa quyện với hương sen để khi thực khách mở ra sẽ cảm nhận được sự kết tinh của trời đất. Với ông Hòa và người dân làng Mễ Trì, lá sen mang đến vẻ đẹp tinh tế, chỉ khi bọc trong lá sen, cốm mới giữ được hương vị đặc trưng. Bên ngoài được buộc bằng rơm tươi, tạo ra sự dân dã, bình dị.

Cốm thành phẩm sẽ được gói trong một lớp lá sen và một lớp lá dáy hoặc lá dong giềng. Lá sen giúp cốm thêm thơm ngon, lá dáy lại giúp cốm không những giữ được độ tươi mà còn giữ cho cốm thêm dẻo, mềm. Gói cốm xanh không chỉ mang theo truyền thống làng nghề Mễ Trì và còn gói trọn hương vị thơm mát của mùa thu Hà Nội.

Cốm sẽ được bõ trong lá sen hoặc lá dáy. (Ảnh: Dân trí)

Cốm sẽ được bõ trong lá sen hoặc lá dáy. (Ảnh: Dân trí)

Thu về, Hà Nội khoác lên mình tấm áo vàng rực rỡ. Giữa không gian ấy, hương cốm lại càng trở nên quyến rũ lạ thường. Cốm Mễ Trì một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng, không chỉ là niềm tự hào của người Hà Nội mà còn là nguồn sống của biết bao gia đình nông dân.

Hạt cốm như hàng triệu viên ngọc nhỏ e ấp mà tỏa hương, là tinh hoa của đất trời qua bàn tay chăm chút của người nông dân. Cốm Mễ Trì không chỉ là món ăn ngon mà còn là biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Tuy nhiên, theo năng tháng, nghề làm cốm đang dần mai một. Trước thực tế đó, ông Hòa cùng người dân làng Mễ Trì vẫn đang ngày ngày cố gắng giữ nghề.

"Nghề cốm của chúng tôi hiện tại vẫn phát huy đều. Làng nghề cốm Mễ Trì cũng được công nhận là di sản, một làng nghề văn hóa. Nên chúng tôi lúc nào cũng phải giữ phong cách làng nghề truyền thống dù nó có vất vả nhưng vẫn giữ lại cho thế hệ con cháu. Không bao giờ mình để mất đi được. Mất thì mất đi bao công sức từ thời các cụ", ông Hòa chia sẻ thêm.

Cốm bọc lá sen, một thức quà giản dị mà ý nghĩa. Mỗi sớm mai, khi những tia nắng đầu tiên chiếu rọi xuống làng Mễ Trì, hương thơm của cốm đã lan tỏa khắp nơi. Tiếng chảo rang nổ lách tách, tiếng nói cười rôm rả của người làm cốm hòa quyện vào nhau tạo nên một câu chuyện thú vị của mùa thu. Mỗi hạt cốm đều mang trong mình tâm huyết của người dân làng Mễ Trì, là kết quả của biết bao mồ hôi công sức.

Trong nhịp sống hiện đại, cốm Mễ Trì vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người Hà Nội. Mặc dù có nhiều loại bánh kẹo, đồ ăn nhanh xuất hiện, nhưng hương vị thơm ngon, mộc mạc của cốm vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng. Cốm không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của văn hóa truyền thống, là một phần ký ức tuổi thơ của người Hà Nội.

Nguyệt Quế

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/com-me-tri-moi-hat-com-mot-cau-chuyen-269524.htm