Cơn ác mộng Fukushima 'trỗi dậy' trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản có thể giúp nhiều người hình dung về những gì Thổ Nhĩ Kỳ và Syria phải đối mặt trong nhiều năm tới sau trận động đất hôm 6/2.

Hàng núi bê tông và kim loại đổ nát. Số người chết trên quy mô không thể tưởng tượng được. Buồn bã. Tức giận. Nhẹ nhõm vì đã sống sót.

Những điểm tương đồng giữa thảm họa động đất mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và thảm họa kép ở miền Bắc Nhật Bản vào năm 2011 có thể giúp phần nào hé lộ những gì khu vực này sẽ phải đối mặt trong những năm tới.

Theo AP, 2 vụ động đất không hoàn toàn giống nhau nhưng chúng có một số điểm tương đồng, nếu xét tới chấn thương tâm lý tập thể nghiêm trọng, đi cùng mất mát về nhân mạng và vật chất.

Vết thương sâu khó lành

Chỉ 5 ngày sau khi động đất xảy ra, tính tới ngày 13/2, số người chết được xác nhận trong trận động đất kinh hoàng tại phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria là hơn 33.000 người, Reuters đưa tin. Trong khi đó, thảm họa năm 2011 ở Nhật Bản cướp đi sinh mạng của hơn 18.400 người.

Trận động đất 9 độ xảy ra vào lúc 14h46 chiều 11/3/2011 và không lâu sau, sóng thần ập tới vùng Tohoku. Thảm họa này là một trong những trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận. Sóng thần cuốn trôi ôtô, nhà cửa, tòa nhà văn phòng và hàng nghìn người, đồng thời gây ra sự cố rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Nhiều người tự hỏi liệu khu vực này có bao giờ trở lại như trước đây được hay không. Một bài học lớn từ Nhật Bản, đó chính là một thảm họa quy mô lớn như thế này không bao giờ thực sự có hồi kết. Đây cũng chính là bài học mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng biết rõ, sau trận động đất năm 1999 ở phía tây bắc nước này khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng.

Bất chấp những nỗ lực tái thiết, trận động đất ở Tohoku đã để lại vết thương sâu trong tâm thức quốc gia và cuộc sống người dân.

Chẳng hạn, số người chết do trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chững lại trong những tuần tới, nhưng chưa chắc đã là con số cuối cùng. Tại Nhật Bản, giới chức công nhận hàng nghìn người khác đã qua đời sau đó do căng thẳng tâm lý gây đau tim, hoặc vì điều kiện sống tồi tệ.

 Người đàn ông lái xe máy giữa đống đổ nát ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate, miền Bắc Nhật Bản hôm 20/3/2011. Ảnh: AP.

Người đàn ông lái xe máy giữa đống đổ nát ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate, miền Bắc Nhật Bản hôm 20/3/2011. Ảnh: AP.

Các tòa nhà bị phá hủy ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/2. Ảnh: AP.

Các tòa nhà bị phá hủy ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/2. Ảnh: AP.

Dù với hàng trăm tỷ USD tái thiết, một số thứ sẽ không bao giờ quay trở lại.

Trước trận động đất, Tohoku có rất nhiều thành phố nhỏ và làng mạc, bao quanh là các trang trại, cảng đầy đội tàu đánh cá. Đây là một trong những bờ biển đẹp nhất, hoang sơ nhất ở Nhật Bản.

Ngày nay, dù đống đổ nát sau thảm họa kép đã được dọn sạch và nhiều con đường, tòa nhà đã được xây dựng lại, vẫn còn nhiều khu vực trống. Các doanh nghiệp dành nhiều năm để thu hút lại lượng khách hàng.

Mối liên kết tâm lý

Giống ở Nhật Bản, những đội cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang đào bới các tòa nhà bị phá hủy, nhặt từng mảnh kim loại, bê tông và dây điện với hy vọng tìm thấy người sống sót.

Những gì xảy ra tiếp theo sẽ không dễ dàng.

Ở Nhật Bản, ban đầu ai cũng có thể cảm nhận được niềm tự hào về khả năng chống chịu thảm họa của đất nước. Mọi người bình tĩnh đứng thành hàng dài lấy thức ăn và nước uống. Nhiều người đăng thông báo mô tả ngoại hình người thân với hy vọng nhân viên cứu hộ sẽ tìm thấy họ.

Sau đó, những người thiệt mạng ở Tohoku bọc gọn trong chăn bên cạnh đống đổ nát, chờ được đưa đi bởi những người vẫn đang tìm kiếm nạn nhân sống sót dưới đống đổ nát.

Quá trình tái thiết bị cản trở bởi nhiều thứ. Việc này diễn ra không đồng đều ở các khu vực, thậm chí có phần chậm chạp. Gần nửa triệu người Nhật Bản đã phải di dời. Hàng chục nghìn người chưa được trở về nhà.

Vấn đề này còn liên quan tới chính trị, đặc biệt cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn liên quan tới cách xử lý hậu quả sự cố rò rỉ tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi. Nhiều năm sau, nỗi sợ phóng xạ bao trùm, một số khu vực phía bắc Nhật Bản đã đặt máy đếm phóng xạ trong công viên và khu vực công cộng.

 Người phụ nữ đau lòng khi thấy nhà không còn gì sót lại hôm 14/3/2011 tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: AP.

Người phụ nữ đau lòng khi thấy nhà không còn gì sót lại hôm 14/3/2011 tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: AP.

 Người phụ nữ ngồi giữa đống đổ nát ở ngoại ô thành phố Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/2. Ảnh: AP.

Người phụ nữ ngồi giữa đống đổ nát ở ngoại ô thành phố Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/2. Ảnh: AP.

Một số người bắt đầu chỉ trích về việc giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực thi các quy tắc xây dựng hiện đại trong nhiều năm, thậm chí giới chức cho phép lĩnh vực bất động sản bùng nổ ở những khu vực dễ xảy ra động đất.

Không chỉ vậy, còn có một điều chưa thể thực hiện được suốt những năm sau đó: Quan chức Nhật Bản nhận ra họ không có khả năng giúp đỡ những người bị tổn thương bởi những gì họ trải qua.

Khoảng 2.500 người mất tích trên khắp Tohoku và nhiều người vẫn đang tìm kiếm hài cốt người thân. Một người đàn ông có bằng lặn và lặn hàng tuần trong nhiều năm để tìm những gì còn sót lại về vợ mình.

Thỉnh thoảng, có người tìm thấy album ảnh, quần áo và đồ đạc của nạn nhân.

Tuy nhiên, có lẽ mối liên hệ quan trọng nhất là sự đồng cảm sâu sắc giữa những người sống sót sau thảm họa và lòng biết ơn khi được những người lạ xoa dịu nỗi đau.

Khoảng 30 nhân viên cứu hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt tại thị trấn Shichigahama trong khoảng 6 tháng vào năm 2011 để thực hiện hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.

Người dân Shichigahama không bao giờ quên. Hiện tại, họ bắt đầu chiến dịch quyên góp cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần này, một người đàn ông cho biết ông đã khóc khi xem những cảnh tượng từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhớ lại những gì thị trấn ông đã trải qua 12 năm trước.

“Họ đã dũng cảm đi qua đống đổ nát giúp tìm kiếm các nạn nhân và đưa thi thể họ về với gia đình”, Thị trưởng Kaoru Terasawa đề cập tới các nhân viên cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nhật Bản. “Chúng tôi vẫn rất biết ơn họ. Chúng tôi muốn làm điều gì đó đáp lại công ơn, cũng như thể hiện lòng biết ơn của mình”.

Vết nứt lớn từ góc nhìn trên cao sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Sau trận động đất 7,8 độ rạng sáng 6/2, một vết nứt lớn đã xuất hiện tại tỉnh Kahramanmaraş, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu do động đất.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-ac-mong-fukushima-troi-day-trong-dong-dat-tho-nhi-ky-syria-post1400879.html