Côn Đảo bảo tồn rùa biển, phát triển du lịch sinh thái

Công tác bảo tồn tại Vườn quốc gia Côn Đảo đã trở thành một hình mẫu, góp phần cứu sống hàng triệu cá thể rùa con và đưa Côn Đảo trở thành thành viên của mạng lưới bảo tồn rùa biển.

Bãi Cát Lớn-Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo nơi mỗi năm hàng trăm rùa mẹ lên làm tổ, đẻ trứng. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Bãi Cát Lớn-Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo nơi mỗi năm hàng trăm rùa mẹ lên làm tổ, đẻ trứng. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Vườn quốc gia Côn Đảo nằm trên địa bàn Đặc khu Côn Đảo, Thành phố Hồ Chí Minh, từ lâu đã được biết đến là một trong những địa điểm sinh sản quan trọng bậc nhất của rùa biển tại Việt Nam, chiếm tới 90% số lượng rùa về đẻ trứng trên cả nước.

Công tác bảo tồn tại đây đã trở thành một hình mẫu, góp phần cứu sống hàng triệu cá thể rùa con và đưa Côn Đảo trở thành thành viên của mạng lưới bảo tồn rùa biển Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

"Ngôi nhà" an toàn của rùa biển

Tầm quan trọng của Côn Đảo trong công tác bảo tồn rùa biển được thể hiện rõ qua số lượng lớn rùa mẹ tìm về đây mỗi năm.

Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, trong 6 tháng đầu năm 2025, đã cứu hộ và di dời thành công 553 tổ rùa đẻ trứng với tổng số 54.212 trứng; trong đó, lần đầu tiên phát hiện cá thể Đồi mồi dứa lên bãi đẻ trứng tại bãi Đất Dốc, tổ thu được 98 trứng.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ 2 cá thể rùa biển bị mắc lưới trôi dạt vào các bãi biển.

Trước đó, Dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của biến đổi khí hậu đã đạt được triển khai từ năm 2019 và duy trì đến nay đã có nhiều kết quả tích cực.

 Rùa lên bãi đẻ tại Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Rùa lên bãi đẻ tại Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Cụ thể, dự án đã cứu hộ thành công hơn 13.600 tổ trứng rùa biển, ấp nở và thả về biển có kiểm soát 948.820 cá thể rùa con, đeo thẻ cho 2.007 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ đẻ trứng.

Song song đó, dự án đã cứu hộ 9 cá thể rùa biển bị mắc lưới trôi dạt vào các bãi biển; kiểm tra và xử lý chôn lấp 65 động vật nguy cấp, quý hiếm bị chết trôi dạt vào các bãi biển gồm 4 cá thể Dugong và 61 cá thể rùa biển, xử lý làm tiêu bản 2 mẫu Dugong và 2 mẫu rùa biển.

Trong khuôn khổ dự án, Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Côn Đảo Resort triển khai Phương án phục hồi và bảo tồn bãi rùa đẻ tại Đất Dốc. Qua đó, từ năm 20219 đến nay, tại bãi Đất Dốc ghi nhận 13 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ thành công với 1.443 trứng.

Đơn vị cũng đã di dời 464 tổ rùa từ các bãi đẻ xa trạm về hồ ấp tại bãi biển Đất Dốc, kết quả đã ấp nở và thả về biển hơn 29.000 cá thể rùa con.

Ông Nguyễn Văn Trà, Phó Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế - Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh cảnh bãi đẻ và ấp nở rùa con để thả về môi trường tự nhiên, Vườn quốc gia Côn Đảo đã xác định ba trụ cột chính là bảo vệ tại chỗ, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển.

 Tổ trứng rùa được nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên Hòn Bảy Cạnh nhặt, kiểm đếm và di chuyển vào hồ ấp nhân tạo. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Tổ trứng rùa được nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên Hòn Bảy Cạnh nhặt, kiểm đếm và di chuyển vào hồ ấp nhân tạo. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Ngoài ra, lực lượng của các Trạm quản lý, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên tiếp tục là nòng cốt trong công tác bảo vệ sinh cảnh đẻ trứng của rùa biển, đồng thời phối hợp với các lực lượng tình nguyện viên thực hiện tuần tra 24/7 trong mùa rùa sinh sản cao điểm (từ tháng 4-10 hàng năm) tại 18 bãi đẻ, nhằm đảm bảo 100% tổ trứng được phát hiện và di dời về các hồ ấp an toàn, tránh khỏi các tác động tiêu cực từ thủy triều và các loài thiên địch.

Theo ông Nguyễn Văn Trà, trong thời gian tới, Vườn quốc gia Côn Đảo tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức bảo tồn uy tín trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ thuật bảo tồn tiên tiến, từ đó triển khai tốt công tác bảo tồn và duy trì sinh cảnh tốt, đảm bảo sự sinh trưởng của rùa biển, đồng thời phối hợp với Tổ chức IUCN Việt Nam thực hiện chương trình tình nguyện viên rùa biển năm 2025.

Phát triển du lịch trải nghiệm ngắm rùa đẻ trứng

Cùng với công tác bảo tồn, bảo vệ rùa biển, những năm qua, Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với các cơ quan chức năng, công ty du lịch lữ hành tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm, xem rùa đẻ trứng với quy trình chặt chẽ, an toàn.

Theo Phòng Du lịch sinh thái và Bảo vệ môi trường - Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượng khách tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo đạt trên 22.000 lượt khách, trong đó có gần 3.000 lượt khách sử dụng dịch vụ du lịch sinh thái.

 Cá thể rùa mẹ nặng gần 150kg về đẻ trứng tại Bãi Cát Lớn-Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Cá thể rùa mẹ nặng gần 150kg về đẻ trứng tại Bãi Cát Lớn-Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Du lịch sinh thái xem rùa đẻ trứng là một sản phẩm độc đáo. Số lượng du khách tham gia mỗi tour sẽ được giới hạn, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giữ im lặng, không sử dụng đèn flash và giữ khoảng cách an toàn nhằm đảm bảo cho rùa mẹ lên bãi đẻ trứng và không bỏ bãi đẻ để di chuyển đi nơi khác.

Theo các chuyên gia sinh thái, Vườn quốc gia Côn Đảo là vườn quốc gia đầu tiên và là một trong hai khu bảo tồn biển được công nhận sớm nhất ở Việt Nam ở quy mô toàn cầu.

Sự kết hợp giữa bảo tồn, du lịch sinh thái và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ giúp Vườn quốc gia Côn Đảo nói riêng và Đặc khu Côn Đảo nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn, vừa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc vừa đem lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Để phát huy tốt được công tác bảo tồn gắn với khai thác du lịch, ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng Phòng Du lịch sinh thái và Bảo vệ môi trường - Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết du lịch sinh thái xem rùa đẻ trứng là một sản phẩm độc đáo, nhưng phải được quản lý chặt chẽ.

Hiện nay, Phòng Du lịch đang triển khai thực hiện kế hoạch phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái; triển khai chương trình trải nghiệm bảo tồn thiên nhiên tại Vườn quốc gia Côn Đảo gắn với các chương trình giáo dục môi trường được đẩy mạnh trong các trường học tại Đặc khu Côn Đảo.

Trung tâm giáo dục môi trường của Vườn sẽ được nâng cấp, trở thành điểm đến hấp dẫn, cung cấp thông tin trực quan và sinh động về giá trị của rùa biển và đa dạng sinh học Côn Đảo.

Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Ngà, chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển sẽ tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của thanh niên và những người yêu thiên nhiên trên cả nước. Qua đó, chương trình xác định công tác bảo tồn rùa biển không chỉ là trách nhiệm của riêng Vườn quốc gia Côn Đảo mà là sứ mệnh chung của cả cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/con-dao-bao-ton-rua-bien-phat-trien-du-lich-sinh-thai-post1048930.vnp