Con đường máu của tù nhân Do Thái

Kiệt sức, đầm đìa mồ hôi, máu me be bét, những người mới đến được lùa đi qua cánh cổng. Lúc này còn lại 1.010 người; hai mươi lăm người xuất phát từ Vienna giờ đã là những xác chết nằm lại dọc trên Con Đường Máu.

Ngọn đồi có tên là Ettersberg, lưng đồi thoải rộng và được bao bọc trong những cánh rừng sồi rậm rạp. Trong nhiều thế kỷ, đó là nơi đi săn của các công tước xứ Saxony-Weimar, và gần đây hơn là địa điểm quen thuộc cho những người đi dã ngoại.

Đây từng là nơi ẩn dật của nhiều nghệ sĩ và trí thức, đặc biệt nổi tiếng do có mối liên hệ với các nhà văn như Schiller và Goethe. Thành phố Weimar cũng chính là nơi tập trung mạnh mẽ nhất di sản văn hóa cổ điển của Đức; thành lập một trại tập trung trên đồi Ettersberg, chế độ Đức Quốc xã đã ghi dấu ấn của mình lên di sản đó.

Cuối cùng, sau tám cây số, tiêu tốn của các tù nhân hơn một tiếng đồng hồ cật lực chạy, Con Đường Máu ngoặt sang hướng bắc và dẫn vào một khoảng không rộng mở đã được phát quang sạch ở trong rừng. Rải rác trên mảnh đất đó là các tòa nhà với mọi hình thù và kích cỡ, một số đã hoàn thành xong, một số đang xây dở, rất nhiều gần như chưa bắt đầu.

 Ảnh: Lối vào cổng chính nhà ngục Auschwitz. Nguồn: Bách Việt Books.

Ảnh: Lối vào cổng chính nhà ngục Auschwitz. Nguồn: Bách Việt Books.

Đây là các doanh trại và các nhà chức năng của SS, cơ sở hạ tầng của một cỗ máy mà trong đó tù nhân vừa là nhiên liệu vừa là thứ bị bỏ vào nghiền. Buchenwald - được đặt tên dựa theo cánh rừng sồi đẹp như tranh vẽ, cánh rừng tạo ra cho ngọn núi một cảm giác vô cùng khoan khoái - không chỉ đơn thuần là một trại tập trung.

Đó là một khu định cư kiểu mẫu của SS mà quy mô của nó sau này dự kiến có thể sánh ngang với cả thành phố Weimar. Những gì xảy ra ở đây, giữa những hàng cây sồi này, một ngày nào đó sẽ phủ bóng đen lên toàn bộ di sản Đức ở Weimar. Rất nhiều người bị giam giữ ở đây không gọi nó là Buchenwald mà là Totenwald - Khu rừng của Người chết.

Ở đằng trước, con đường bị một chòi gác thấp và rộng, cùng hàng rào đồ sộ chặn lại. Đây chính là lối vào của trại tù. Ở cổng vào có hai câu khẩu hiệu. [...]

JEDEM DAS SEINE

Ai có phần nấy. Nhưng nó cũng có nghĩa là Mỗi người nhận phần mà mình xứng đáng.

Kiệt sức, đầm đìa mồ hôi, máu me be bét, những người mới đến được lùa đi qua cánh cổng. Lúc này còn lại 1.010 người; hai mươi lăm người xuất phát từ Vienna giờ đã là những xác chết nằm lại dọc trên Con Đường Máu.

Họ nhận thấy mình đang ở bên trong một hàng rào không thể xuyên thủng: Khu trại khổng lồ được bao quanh bằng hàng rào dây thép gai với hai mươi hai tháp canh cách đều nhau, mỗi chòi đều được bố trí đèn pha và súng máy; hàng rào cao ba mét với dòng điện 380 vôn có thể gây chết người chạy qua. Bên ngoài hàng rào có lính gác đi tuần, và bên trong là một dải cát được gọi là “vùng trung lập”, bất cứ tù nhân nào đặt chân lên dải cát đó sẽ bị bắn chết.

Ngay khi bước qua cánh cổng là một khoảng đất rộng như thao trường - Appelplatz - hay còn gọi là sân điểm danh. Ở phía trước và xếp dọc ở một bên của khoảng sân là các lều trại nối tiếp nhau theo trật tự, những hàng dài tỏa ra dọc theo sườn đồi, với những tòa nhà hai tầng lớn hơn ở phía sau.

Gustav và Fritz cùng với những người mới tới được lệnh xếp vào hàng ở sân điểm danh. Họ đứng trước họng súng, lúng túng và nhếch nhác trong những bộ đồ lấm lem bùn đất, đó có thể là bộ vest hoặc bộ quần áo lao động, là áo len hoặc áo sơ mi, áo mưa, là mũ phớt và giày da hoặc mũ lưỡi trai và giày đinh, người có râu, người trọc đầu, người tóc bóng mượt, người tóc rối bù. Trong lúc họ xếp vào hàng, thi thể của những người bị sát hại dọc đường được mang tới và vứt thành đống cùng với họ.

Một nhóm sĩ quan SS ăn mặc trau chuốt xuất hiện. Một người nổi bật trong nhóm này, là một người đàn ông trung tuổi, mặt xệ, vai thõng. Người này, về sau họ sẽ biết, là chỉ huy của trại, Karl Otto Koch. “Rồi,” hắn ta nói, “lũ lợn Do Thái các người đã tới đây rồi. Đã bước chân vào cái trại này các người sẽ không thể bước ra được nữa. Hãy nhớ cho kỹ điều đó - các người sẽ không thể còn sống mà bước ra.”

Họ được ghi danh vào sổ đăng ký của trại, và mỗi người được cấp cho một số hiệu tù nhân: Fritz Kleinmann - 7290; Gustav Kleinmann - 7291.7 Những mệnh lệnh được đưa ra ào ào khiến rất nhiều trong số những người đến từ Vienna cảm thấy khó hiểu do không quen với thổ ngữ của người Đức.

Họ bị bắt phải cởi sạch quần áo và đi theo hàng tới khu nhà tắm. Tại đây, họ phải tắm dưới một thứ nước nóng tới mức gần như không thể chịu nổi (một số người quá yếu, không thể chịu đựng được mà ngã quỵ). Sau đó, đến phần ngâm mình trong một bể thuốc sát trùng làm da bỏng rát.8 Vẫn trần truồng như vậy, họ ngồi trong một cái sân để chờ cạo tóc, và sau đó dưới một trận mưa báng súng và dùi cui nữa, họ tiếp tục được yêu cầu chạy ngược về sân điểm danh.

Ở đó, họ được phát đồng phục của trại: Quần lót dài, tất, giày, áo sơ mi và chiếc quần cùng áo khoác có sọc xanh lam đặc trưng, tất cả đều lệch cỡ. Nếu có nhu cầu, với mười hai mark, tù nhân có thể mua một chiếc áo len và găng tay,9 nhưng hầu như chẳng có ai có đến một đồng pfennig. Tất cả quần áo và đồ đạc mà họ tự mang theo - bao gồm cái bọc nhỏ của Gustav - đều bị lấy đi.

Jeremy Dronfield/Bách Việt Books & NXB Văn học

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-duong-mau-cua-tu-nhan-do-thai-post1526289.html