Con đường muối ở Tây Nguyên

Ngày xưa, ở miền núi, vùng cao như địa bàn Tây Nguyên thì muối ăn rất khan hiếm. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phải vượt núi băng rừng về tận miền xuôi hoặc vùng trung chuyển, giáp ranh để bán lâm-thổ sản, đổi vải vóc, nồi đồng, cồng chiêng, ché, đồ kim loại... Trong quá khứ đã từng hình thành, tồn tại 'con đường muối' từ đồng bằng lên tận vùng cao nguyên và ngược lại.

Ngày xưa, người Ê Đê, Jrai đã từng có câu nói: “Nao trun yuăn mlih hra” (dịch nghĩa là “Đi xuống vùng người Kinh đổi muối”). Họ dùng voi, ngựa, đi bộ xuyên rừng đến những nơi xa xôi hơn để tìm kế mưu sinh và phát triển cộng đồng, buôn làng. Những chuyến đi buôn bán, trao đổi của họ thường dài ngày, ngày đi, đêm ngủ nhờ ở làng buôn xa lạ hoặc có khi ngủ ngoài rừng. Nếu như người Ê Đê, M’Nông ở phía Nam Tây Nguyên thường đi về hướng Đông xuống Khánh Hòa, Phú Yên thì đồng bào Jrai, Bahnar ở vùng Bắc Tây Nguyên lại đi theo hướng Đông xuống An Khê hoặc ngược lên phía Bắc mua bán, trao đổi với các tộc người.

Thời đó, muối ăn là mặt hàng quý hiếm. Hạt muối kiếm được bà con để dành ăn dần, sử dụng một cách dè xẻn. Muối còn dùng để trao đổi lương thực, thực phẩm, vật nuôi, đồ dùng và nhu yếu phẩm trong nội bộ buôn làng và các làng lân cận. Đồng bào có nhiều cách bảo quản, chế biến muối. Khi mua về, họ lấy chiếc gùi nhỏ bên trong lót lớp lá rồi đổ muối vào gùi cất giữ. Họ chế thêm nước cơm cho muối tan chảy ra và kết dính vào nhau. Sau đó gùi muối được treo lên giàn bếp cho khô ráo. Để lâu ngày muối khô đóng thành một cục to. Muốn lấy ăn phải cào vào cục muối bằng vật cứng và hốt ra từng nắm để ăn. Cách bảo quản này tiết kiệm, giữ muối ăn được lâu ngày. Mỗi gùi muối gia đình ăn được vài năm, khi nào hết mới mua lại.

Chợ An Khê năm 1930, nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào Bahnar (ảnh tư liệu).

Chợ An Khê năm 1930, nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào Bahnar (ảnh tư liệu).

Thời kỳ chúa Nguyễn Đàng Trong đã chú trọng việc giao lưu kinh tế-văn hóa giữa người Kinh với các bộ tộc ở Tây Nguyên nhằm khai thác các nguồn lợi, mở rộng giao thương với bên ngoài, đúng như Nguyễn Hoàng đã nói: “Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối”. Từ thời đó đã hình thành một hành lang nối liền xứ Quảng với khu vực Bắc Tây Nguyên, kết nối vùng đồng bằng với khu vực phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi giáp Kon Tum. Trên tuyến hành lang đó việc buôn bán, trao đổi Kinh-Thượng diễn ra khá sôi nổi. Con đường quan trọng thứ hai từ đồng bằng lên miền Thượng là qua ngả An Khê. Con đường dân sinh, lối mòn ngày xưa như được “phóng tuyến” trước để người đời sau dựa theo mở quốc lộ 19 từ Bình Định lên Gia Lai, xuyên qua 2 đèo: An Khê và Mang Yang.

Đặc biệt, bình nguyên An Khê là trung tâm kinh tế lớn trong nhiều thế kỷ. Nơi đây, người Bahnar, Jrai “xuống chợ”, mang các thứ lâm-thổ sản trao đổi lấy hàng hóa của người Kinh. Nguyễn Nhạc, còn gọi là Hai Trầu, trước khi khởi binh phong trào Tây Sơn từng ngược xuôi buôn bán ở An Khê và được “bạn hàng” là người các dân tộc nơi đây quý mến, tin tưởng. Họ còn theo nghĩa quân, lập nên căn cứ địa Tây Sơn Thượng đạo. Hồi ký của vị giáo sĩ P. Dourisboure cũng cho biết có việc trao đổi, mua bán muối giữa người Kinh vùng đồng bằng với các bộ lạc người Bahnar ở phía Đông Gia Lai. Có mắm, muối rồi họ đem về sử dụng và vận chuyển về các buôn làng vùng sâu, vùng xa mà người Kinh lúc đó không thể tiếp cận được để trao đổi với người Xê Đăng, Rơngao lấy vật phẩm, hàng hóa cần thiết khác.

“Con đường muối” chẳng những ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào Jrai, Bahnar, Ê Đê, M’Nông mà còn thấy chủ nhân của con đường qua tư liệu, hình ảnh. Người Pháp sớm có mặt ở Tây Nguyên và họ đã ghi lại những hoạt động, đời sống của người Thượng một cách chân thực, sinh động. Từ trang phục, nhà ở, đi lại đến phương thức mưu sinh như săn bắt, buôn bán, trao đổi hiện vật (ngang giá) của các tộc người. Trong bức ảnh chụp người Thượng đi xuống đồng bằng buôn bán năm 1920, 1930, thấy rõ hành trang, vật dụng họ mang theo gồm: nón rộng vành, chăn, nồi cơm, vó đồ xôi, bầu nước… Như bức ảnh tư liệu chụp ở chợ An Khê năm 1930, chỉ trong khuôn hình nhỏ mà đã thấy nhiều người Bahnar trong phiên chợ đông đúc thời bấy giờ.

Có muối là có nguồn sống, có sự sung túc, ấm no. Xuống Kinh đổi muối, mua đồ kim loại như bạc, đồng về làm đồ trang sức. “Con đường muối” cũng là con đường mở ra việc giao lưu, hỗ trợ và gắn kết giữa người Kinh và người Thượng, cùng nhau làm ăn, khai khẩn, lập nghiệp trên vùng đất Tây Nguyên.

TRẦN KHẢI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202203/con-duong-muoi-o-tay-nguyen-5768197/