'Cơn khát' nước sạch nông thôn Hậu Giang được giải tỏa
Những năm qua, Hậu Giang không ngừng nỗ lực cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân. Trong đó, ưu tiên đưa nước sạch về khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lắp đặt đường ống dẫn nước phục vụ cư dân ven tuyến kênh Ông Tà, xã Vị Trung (Vị Thủy, Hậu Giang). Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN
Người dân phấn khởi
Huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang là vùng trũng, phèn, thường xuyên chịu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn hằng năm. Để chủ động nguồn nước sinh hoạt, thông thường, người dân tích trữ nước mưa trong các bồn chứa rồi dành để dùng dần trong những tháng khô hạn hoặc lấy nước từ giếng khoan để sử dụng. Vào mùa khô, nguy cơ thiếu nước thường được cảnh báo ở khu vực này. Nắm bắt nguyện vọng của người dân, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, đề xuất đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch đến người dân nông thôn nhất là phục vụ cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuyến đường ống dẫn nước sạch ven tuyến Kênh Hội Đồng, thuộc ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ hoàn thành đầu năm 2025. Tuyến đường dài 1km đã góp phần giải quyết được nhu cầu sử dụng nước sạch cho 40 hộ dân nơi đây.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ phấn khởi cho biết: Người dân khao khát có nước sạch từ lâu lắm rồi. Trước kia, bà con phải lấy dưới sông lắng lọc rồi sử dụng, không đảm bảo vệ sinh. Sau này, nhà nào có điều kiện thì khoan giếng lấy nước ngầm, nhưng sử dụng không được bao lâu thì bị nhiễm phèn. Đa phần bà con sử dụng giếng khoan đều gặp tình trạng này. Nhưng năm nay, nước sạch được đưa về từng nhà, ai cũng phấn khởi vì nguyện vọng được đáp ứng.

Lắp đường ống dẫn nước trên địa bàn xã Vị Trung (Vị Thủy, Hậu Giang). Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN
Chung niềm vui có nước sạch, bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ cho biết sau khi hoàn thành việc sửa chữa lại căn nhà sẽ đăng ký sử dụng nước máy để sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Nguồn nước đầu tư từ những giếng khoang trước đó, bà Lan sẽ sử dụng để tưới cây cối trong vườn và dùng để phục vụ chăn nuôi.
Ở huyện Vị Thủy, đầu năm nay, gần 90 hộ dân ven tuyến kênh Xóm Huế thuộc ấp 3 và ấp 4 xã Vị Trung hết sức phấn khởi khi có nước sạch sử dụng. Người dân cho biết, trước khi có nước sạch, bà con phải lấy nước nước từ kênh đem lên lắng lọc rồi mới sử dụng. Gần đây, nguồn nước ô nhiễm, nhất là sau mỗi vụ lúa, nước từ ruộng đổ ra kênh bốc mùi nặng. Trong xóm, những nhà có điều kiện kinh tế khá hơn thì mua bồn chứa rồi trữ nước mưa dùng dần cho qua hết mùa khô.
Bà Nguyễn Thị Nhung, người dân ấp 3, xã Vị Trung bộc bạch: Việc sử dụng nước từ kênh sau khi lắng lọc khiến người dân hết sức lo lại vì không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ, người già. Người dân đã kiến nghị đến chính quyền địa phương, mong được đầu tư nước sạch, 100% bà con đã xung phong đăng ký ngay từ khi đường ống dẫn nước vừa được kéo. Ngoài chi phí lắp đồng hồ nước khoảng 1 triệu đồng, mỗi tháng gia đình chỉ tốn hơn 100 nghìn tiền sử dụng nước. Con số này hoàn toàn xứng đáng bởi có được nguồn nước sạch sinh hoạt, việc nấu ăn, tắm rửa rất thoải mái, đảm bảo vệ sinh.

Người dân Xóm Huế, xã Vị Trung (Vị Thủy, Hậu Giang) sử dụng nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN
Theo chính quyền địa phương, ngoài tuyến kênh Xóm Huế, ở xã Vị Trung huyện Vị Thủy còn có 2 tuyến đang được lắp đặt đường ống dẫn nước sạch là tuyến kênh Ông Tà (1,5km) và tuyến kênh Lầu Tây (2,8km). Hai tuyến này đang trong quá trình thi công, khi hoàn thành sẽ cấp nước sạch cho trên 130 hộ dân. Được biết, đây là những tuyến có tương đối ít dân cư sinh sống; từ lâu người dân rất bức xúc khi nhu cầu sử dụng nước sạch chưa được giải quyết. Vấn đề này được nêu lên tại các cuộc tiếp xúc cử tri và sau nhiều lần cân đối kinh phí, Công ty Cổ phần cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang triển khai thi công lắp đặt để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Cần thêm nhiều nguồn lực đầu tư
Ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, những năm qua từ nguồn vốn lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các công ty cấp nước và xã hội hóa đã giúp nâng tỷ lệ hộ dân trên địa bàn sử dụng nước sạch lên trên 90%. Cụ thể, tổng số hộ có nước sạch sử dụng toàn huyện trên 20.700 hộ (ở thành thị gần 3.000 hộ, chiếm 97,32%; ở nông thôn 96% với trên 17.000 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ dân có nước sạch sử dụng từ hệ thống trạm cấp nước tập trung chiếm gần 50%, còn lại sử dụng các thiết bị chứa nước, giếng khoan...

Nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân nông thôn ở Hậu Giang. Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Mỹ cho biết: Riêng nguồn nước từ các giếng khoan mà bà con sử dụng có nơi chưa đảm bảo chất lượng, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh. Vì vậy, địa phương rất cần nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn xã hội hóa và suất đầu tư của các công ty cấp nước trên địa bàn để mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung về các địa bàn khó khăn.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/con-khat-nuoc-sach-nong-thon-hau-giang-duoc-giai-toa/373692.html