Còn nhiều điểm nghẽn trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học

Tại nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, hoạt động nghiên cứu vẫn đang gặp không ít 'điểm nghẽn' về cơ chế, tài chính, nhân lực và hạ tầng.

Nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo và uy tín học thuật của các trường đại học, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thông qua quá trình nghiên cứu, nhà trường không chỉ truyền tải tri thức mà còn tạo ra giá trị mới, góp phần phát triển tư duy phản biện và khả năng sáng tạo cho cả giảng viên lẫn sinh viên.

Tuy vậy, hoạt động này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn như nguồn lực tài chính hạn chế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, cùng với đó là sự thiếu hụt về chính sách hỗ trợ và cơ chế khuyến khích phù hợp để thúc đẩy sự tham gia của đội ngũ nghiên cứu.

Khung pháp lý đã có nhưng hiệu quả thực thi còn hạn chế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Quản Thành Thơ - Trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, nguồn tài chính dành cho nghiên cứu khoa học vẫn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển. Nhiều đề tài vẫn phụ thuộc vào nguồn tài trợ bên ngoài, trong khi cơ chế xây dựng và vận hành quỹ nghiên cứu nội bộ còn chưa hoàn thiện.

Chưa kể, thủ tục hành chính còn rất phức tạp, kéo dài từ khâu đề xuất đến nghiệm thu, thanh quyết toán đã làm chậm tiến độ triển khai các ý tưởng mới và gây khó khăn cho các hoạt động hợp tác quốc tế.

Nhìn chung, nguồn nhân lực nghiên cứu vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đồng đều về chất lượng. Việc giữ chân giảng viên trẻ có năng lực nghiên cứu và thu hút chuyên gia quốc tế vẫn còn hạn chế do cơ chế đãi ngộ, lương thưởng và môi trường làm việc chưa thực sự cạnh tranh.

Ngoài ra, mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, trong khi đây là yếu tố then chốt để chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và tạo nguồn lực tài chính cho hoạt động học thuật...

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quản Thành Thơ - Trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quản Thành Thơ - Trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Theo quan điểm của thầy Thơ, hiện nay, chính sách và thể chế giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Các văn bản như Nghị định 109/2022/NĐ-CP và Nghị quyết 57-NQ/TW đã mở ra hành lang pháp lý thuận lợi để tăng cường tự chủ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, có định hướng quốc tế.

Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ chế nội bộ linh hoạt, chính sách nhân lực phù hợp và sự đồng hành từ doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài. “Chỉ khi ba yếu tố này kết nối chặt chẽ, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu – đổi mới sáng tạo bền vững, bắt nhịp toàn cầu và phục vụ phát triển quốc gia”, thầy Thơ nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Giang – Trưởng khoa Khoa Hóa học, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh cũng cho rằng, dù Nhà nước đã có những nỗ lực trong đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học nhưng cơ sở giáo dục đại học vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất là hạn chế về kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu thì việc huy động nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, quỹ phát triển khoa học công nghệ hoặc các dự án quốc tế cũng gặp nhiều trở ngại do vướng mắc về cơ chế, thủ tục và hạn chế trong năng lực tiếp cận.

Thứ hai là hệ thống quản lý tài chính và thanh quyết toán cho các đề tài nghiên cứu còn phức tạp, thiếu tính linh hoạt, gây khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí. Chính sách khuyến khích như hỗ trợ công bố quốc tế, đăng ký sở hữu trí tuệ hay chuyển giao công nghệ vẫn chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo được động lực đủ mạnh cho đội ngũ nghiên cứu.

Về nhân lực, nhiều cơ sở còn thiếu các nhà khoa học đầu ngành có uy tín quốc tế, có khả năng dẫn dắt nhóm nghiên cứu mạnh. Nhiều giảng viên đang phải gánh vác khối lượng giảng dạy lớn, làm hạn chế thời gian và năng lực dành cho nghiên cứu khoa học. Năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu giữa các giảng viên, cán bộ khoa học cũng chưa đồng đều.

Đồng thời, cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu dù đã được đầu tư vẫn chưa đồng bộ và hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu của các nghiên cứu công nghệ cao hoặc liên ngành. Việc bảo trì, duy tu và nâng cấp thiết bị lại gặp nhiều khó khăn về cả kỹ thuật lẫn tài chính.

Cuối cùng là sự liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp trong đặt hàng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết nghiên cứu với các trường đại học và viện nghiên cứu nước ngoài vẫn chưa được mở rộng tương xứng với tiềm năng.

 Cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu dù đã được đầu tư vẫn chưa đồng bộ và hiện đại. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu dù đã được đầu tư vẫn chưa đồng bộ và hiện đại. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Làm sao để tạo một môi trường nghiên cứu bền vững trong trường đại học?

Thực tế có thể thấy rằng, Việt Nam ngày càng đánh giá cao vai trò then chốt của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, coi đây là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển quốc gia.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quản Thành Thơ, khung pháp lý cho hoạt động nghiên cứu hiện nay đã được củng cố với các chính sách mở rộng quyền tự chủ, thúc đẩy sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhiều rào cản vẫn tồn tại như thủ tục hành chính phức tạp, thiếu quỹ nghiên cứu nội bộ ổn định, nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, cùng môi trường làm việc, đãi ngộ chưa đủ sức cạnh tranh.

Để xây dựng một môi trường nghiên cứu bền vững trong trường đại học, thầy Thơ đề xuất cần có chiến lược nghiên cứu dài hạn, xác định các mũi nhọn phù hợp với định hướng quốc gia như AI, công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu liên ngành. Các thể chế cần linh hoạt hơn, đi kèm cơ chế tài chính hiệu quả. Việc triển khai Nghị định 109/2022/NĐ‑CP cần gắn với xây dựng quỹ nội bộ ổn định, rút gọn thủ tục giải ngân và quyết toán.

Song song, cần chính sách thu hút giảng viên, nghiên cứu viên trẻ và chuyên gia quốc tế, khuyến khích họ tham gia spin-off công nghệ, với chế độ đãi ngộ minh bạch, tạo động lực nghiên cứu lâu dài.

Bên cạnh đó, nhà trường cần phát triển mô hình quỹ R&D chung, phòng thí nghiệm liên ngành, có sự tham gia của doanh nghiệp từ giai đoạn đề xuất, thực hiện đến thương mại hóa kết quả. Tiêu chí đánh giá nghiên cứu nên mở rộng, không chỉ dựa vào số bài báo quốc tế mà cần tính đến giá trị ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tác động xã hội.

Đặc biệt, cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng hiện đại như phòng thí nghiệm, thư viện số, hệ thống dữ liệu mở và không gian sáng tạo để các nhóm nghiên cứu phát triển bền vững.

 Nhóm nghiên cứu URA (Unlimited Research Group of AI) do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quản Thành Thơ hướng dẫn. Ảnh: NTCC

Nhóm nghiên cứu URA (Unlimited Research Group of AI) do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quản Thành Thơ hướng dẫn. Ảnh: NTCC

Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, thầy Thơ cho rằng các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung vào ba định hướng trọng tâm.

Thứ nhất, nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, với sự tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhằm đảm bảo tính ứng dụng và khả năng chuyển giao. Thứ hai, cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường, kết nối chặt chẽ giữa các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp và chuyển đổi số. Thứ ba, phải tháo gỡ các rào cản về thể chế và tài chính, đồng thời trao quyền tự chủ nhiều hơn để các trường chủ động trong quản lý và triển khai nghiên cứu.

Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả nghiên cứu cần chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, lấy tác động thực tiễn và khả năng ứng dụng làm tiêu chí quan trọng.

“Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng theo các mũi nhọn chiến lược, nhằm bắt kịp xu thế công nghệ toàn cầu và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong nước.

Cụ thể, các hướng nghiên cứu chính của đơn vị bao gồm trí tuệ nhân tạo và học máy với ứng dụng trong giáo dục, y tế, nông nghiệp và đô thị thông minh. Gần đây, nhà trường cũng đẩy mạnh nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs).

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhà trường cũng đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành nhằm phát triển những giải pháp đổi mới sáng tạo có tính ứng dụng cao và tác động dài hạn. Nhờ vậy, đơn vị đang là một trong những đơn vị dẫn đầu trong nghiên cứu hai lĩnh vực trọng điểm là Trí tuệ nhân tạo và Công nghiệp bán dẫn”, thầy Thơ chia sẻ.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Giang, để xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học bền vững trong trường đại học, cần ưu tiên phát triển ba yếu tố cốt lõi.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế tự chủ và phân cấp, phân quyền rõ ràng cho các đơn vị trực thuộc, nhằm phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo và khả năng huy động nguồn lực theo đặc thù của từng đơn vị.

Thứ hai, đổi mới cơ chế tài chính cho nghiên cứu, trong đó chú trọng đa dạng hóa nguồn thu, phân bổ kinh phí theo hiệu quả đầu ra và cho phép nhà khoa học có quyền linh hoạt điều chỉnh chi phí giữa các hạng mục khi thực hiện đề tài, dưới sự giám sát phù hợp. Đồng thời, cần có chính sách khen thưởng minh bạch, hấp dẫn cho các công bố quốc tế chất lượng, sáng chế được bảo hộ và sản phẩm nghiên cứu có giá trị ứng dụng.

Thứ ba, xây dựng và triển khai chính sách sở hữu trí tuệ hiệu quả, bao gồm hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích và thiết lập cơ chế phân chia lợi ích công bằng giữa nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp trong quá trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Giang – Trưởng khoa Khoa Hóa học, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Giang – Trưởng khoa Khoa Hóa học, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC

Để các sản phẩm nghiên cứu trong trường đại học không chỉ mang giá trị học thuật mà còn đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cần triển khai một chiến lược toàn diện và đồng bộ.

Theo thầy Giang, cơ sở giáo dục đại học cần đổi mới tư duy và định hướng nghiên cứu theo nhu cầu thực tiễn của thị trường và xã hội. Nhà trường nên thường xuyên tổ chức khảo sát, phân tích nhu cầu từ doanh nghiệp, cộng đồng, cơ quan quản lý để xác định các vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Các hội thảo, diễn đàn kết nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng cần được đẩy mạnh nhằm hình thành các ý tưởng nghiên cứu ứng dụng.

Nhà trường cần ưu tiên định hướng nghiên cứu vào các lĩnh vực gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt là những ngành liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), blockchain, điện toán đám mây, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, vật liệu mới... với các ứng dụng thiết thực trong giáo dục, y tế, nông nghiệp thông minh và quản lý đô thị. Song song đó, cần phát triển các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn của nhà trường. Các đề tài nghiên cứu cũng cần lồng ghép yếu tố đổi mới sáng tạo, hướng tới tạo ra sản phẩm, quy trình hoặc mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời cần phát triển đội ngũ nhà khoa học có năng lực ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Giảng viên và nghiên cứu viên cần được đào tạo về sở hữu trí tuệ, mô hình kinh doanh khoa học – công nghệ, kỹ năng gọi vốn và thương mại hóa sản phẩm.

Cuối cùng, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng thực nghiệm và ứng dụng, đồng thời thành lập Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu, doanh nghiệp và thị trường.

“Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Vinh đang được triển khai theo một số định hướng trọng tâm nhằm gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo và phục vụ phát triển vùng.

Cụ thể, nhà trường tập trung đẩy mạnh nghiên cứu theo định hướng phát triển trở thành đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực. Chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng công bố quốc tế, đặc biệt trên các tạp chí thuộc danh mục WoS và Scopus, tăng cường nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được định hướng hỗ trợ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế. Trường khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu, tổ chức các cuộc thi và giải thưởng nhằm rèn luyện tư duy phản biện, năng lực tự học và định hướng nghề nghiệp, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Đặc biệt nhà trường cũng chú trọng phát triển tiềm lực khoa học công nghệ thông qua thu hút, bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học có năng lực và nhiều công bố quốc tế. Ban hành các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, cũng như đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và lĩnh vực mũi nhọn”, thầy Giang thông tin.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/con-nhieu-diem-nghen-trong-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-o-truong-dai-hoc-post252470.gd