Còn quá sớm để ăn mừng việc phá băng thương mại Mỹ - Trung

Các nhà đầu tư toàn cầu dõi theo cuộc gặp thương mại Mỹ - Trung với tâm thế hy vọng nhưng thận trọng. Các chỉ số chứng khoán bật tăng sau tín hiệu hạ nhiệt từ hai quốc gia, song chuyên gia cho rằng chưa thể kỳ vọng đột phá lớn ngay lúc này.

Thị trường toàn cầu phản ứng cuộc gặp Mỹ - Trung

Sau hai buổi gặp từ ngày 10-11/5 giữa Trung Quốc và Mỹ tại Thụy Sĩ, nhà đầu tư lạc quan trước giọng điệu hòa giải của quan chức hai nước.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm cách hạ nhiệt cuộc chiến thương mại kéo dài, đồng thời xua tan phần nào bất ổn bao trùm thị trường tài chính toàn cầu. Dù vậy, phần lớn giới phân tích cho rằng khó có một bước đột phá lớn ngay lúc này.

Quan chức Mỹ - Trung từ chối tiết lộ chi tiết cuộc đàm phán, cho biết công bố thông tin cụ thể hơn vào thứ Hai (giờ Mỹ). Trong bài phát biểu ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer cho biết Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận sơ bộ nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer phát biểu sau các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer phát biểu sau các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong - người trực tiếp gặp gỡ các quan chức Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ - mô tả cuộc gặp là "thẳng thắn", "bước đầu quan trọng".

Thị trường tài chính phản ứng tích cực khi dấu hiệu về điều xấu nhất có thể xảy ra trong cuộc chiến thương mại hạ nhiệt. Hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ tăng mạnh vào tối Chủ nhật, với S&P 500 E-minis tăng 1,3%, hợp đồng tương lai Nasdaq tăng 1,6%.

Ông Eric Kuby - Giám đốc đầu tư tại North Star Investment Management Corp (Chicago) - nhận định: “Đây là bước đi đúng hướng, cho thấy cả hai bên đều quan tâm đến việc đi đến kết luận mang tính xây dựng và phát triển mối quan hệ thương mại tốt đẹp. Dù mọi thứ khá mơ hồ, tôi nghĩ hướng đi của họ mang tính hợp tác nhiều hơn là đấu tranh. Thị trường nên xem đây là tín hiệu tích cực”.

Cuộc đàm phán Mỹ - Trung tại Thụy Sĩ được xem là một trong những diễn biến lớn nhất từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng thuế quan toàn diện hôm 2/4, khiến thương mại toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn và thị trường tài chính biến động mạnh.

Giới đầu tư thời gian qua bắt đầu lạc quan hơn, cho rằng kịch bản tồi tệ nhất của cuộc chiến thương mại có thể không xảy ra. Đó là lý do cổ phiếu phục hồi trở lại trong những phiên gần đây.

Còn bất ổn giữa tín hiệu lạc quan

Dù dấu hiệu hạ nhiệt đón nhận tích cực, giới chuyên gia cảnh báo thị trường "đang đi trên băng mỏng" khi thông tin cụ thể cuộc đàm phán Mỹ - Trung chưa được công bố.

Ông Gennadiy Goldberg - Trưởng bộ phận chiến lược lãi suất tại TD Securities New York, Mỹ - nhận định: “Thị trường có thể được thúc đẩy bởi một số thỏa thuận. Điều đó phụ thuộc vào việc thông tin chi tiết hơn được công bố”.

Ông Gennadiy Goldberg cảnh báo diễn biến giá gần đây cho thấy dấu hiệu lạc quan quanh thỏa thuận thương mại. Nhưng nếu thỏa thuận không đáng kể như kỳ vọng, thị trường có thể sẽ thất vọng và biến động.

Bất chấp phát ngôn hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đàm phán, cùng thỏa thuận thương mại riêng vừa đạt được giữa Mỹ - Anh ngày 8/5, phần lớn nhà đầu tư không dám kỳ vọng có đột phá lớn.

Ông Jack Ablin - nhà sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư tại Cresset Capital Chicago, Mỹ - cho rằng: “Tôi không chắc nhấn nút 'mua' sau loạt thông tin chúng ta có hôm nay. Nếu Mỹ đạt được tiến triển đáng kể với Trung Quốc, thị trường rất thích điều đó”.

Theo bà Liqian Ren - Giám đốc Modern Alpha tại WisdomTree Asset Management - Mỹ và Trung Quốc đều có thể muốn, thậm chí cần đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại, rất ít động lực để các bên hành động nhanh chóng.

“Mỗi bên vẫn muốn xem đối phương phản ứng thế nào trước bất lợi. Thị trường hiện tại hơi lạc quan quá mức về những gì hai nước có thể đạt được và tốc độ diễn tiến của các sự kiện”, bà Liqian Ren nhận định.

Căng thẳng thương mại leo thang từ đầu tháng 4 khi Mỹ tăng thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% với hàng hóa Mỹ.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump ám chỉ khả năng giảm thuế đối với Trung Quốc từ 145% xuống 80%. Điều này tạo ra một số kỳ vọng Washington đang cân nhắc những giải pháp mềm mỏng hơn.

Chỉ số chứng khoán chuẩn S&P 500 xóa bỏ phần lớn khoản lỗ từ ngày 2/4, dù vẫn còn giảm khoảng 8% so với mốc cao nhất mọi thời đạt được hồi tháng 2 và thấp hơn 4% so với đầu năm.

Giới đầu tư trông chờ sự khởi sắc sau cuộc gặp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Thụy Sĩ.

Giới đầu tư trông chờ sự khởi sắc sau cuộc gặp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Thụy Sĩ.

Trong bối cảnh hỗn loạn về thuế quan, các khảo sát cho thấy tâm lý người tiêu dùng yếu đi. Một số dữ liệu mềm khác cho thấy thị trường dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ, dù phần lớn dữ liệu chính vẫn cho thấy nền kinh tế tương đối ổn định.

Chỉ số biến động Cboe (VIX) - thước đo mức độ lo ngại của nhà đầu tư - đứng ở mức 22 vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước. Dù thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 52,33 hồi đầu tháng 4, con số này vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn là 17,6 điểm.

Theo bà Liqian Ren, yếu tố khiến biến động không quá mạnh là chi phí thiết lập các vị thế bán khống đang quá cao, đặc biệt trong bối cảnh một bài đăng trên mạng xã hội của tổng thống Mỹ cũng có thể khiến thị trường biến động đến 10%.

Giữa biến động, giá cổ phiếu có xu hướng tăng sau khi ông Trump quyết định tạm dừng áp dụng nhiều mức thuế cao với các quốc gia trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, ông Matt Gertken - Giám đốc chiến lược địa chính trị tại BCA Research - cảnh báo thị trường đang trong giai đoạn biến động cao và chưa ổn định.

Ông Andrew Mattock - Giám đốc danh mục đầu tư tại Matthews Asia - nhận định bất kỳ tiến triển nào từ cuộc đối thoại ban đầu đều đáng hoan nghênh. Sự tiến triển giúp Trung Quốc có thêm nguồn lực để tập trung vào các vấn đề kinh tế trong nước.

“Nếu nhìn vào các kịch bản khác, kết cục rất có thể sẽ là thua - thua với cả Mỹ và Trung Quốc”, ông Mattock cảnh báo.

Trạch Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/con-qua-som-de-an-mung-viec-pha-bang-thuong-mai-my-trung-post1741369.tpo