Công an Hà Nội khởi tố 3 cán bộ liên quan dự án Vành đai 4

Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, xảy ra ở dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. 3 bị can bị khởi tố là cán bộ Phòng TN&MT và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai.

Chiều 26/6, tại họp báo thông tin tình hình kinh tế xã hội của TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP đã thông tin về việc phát hiện, xử lý các sai phạm trong quá trình thi công dự án Vành đai 4 vùng thủ đô.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, Vành đai 4 là công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng, được Quốc hội giao TP Hà Nội chủ trì.

Sau khi Thành ủy và UBND TP, Bộ Công an giao nhiệm vụ, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với sở ngành, địa phương có kế hoạch để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các vi phạm liên quan dự án mà vẫn tạo điều kiện tuyệt đối để đảm bảo tiến độ.

Qua công tác nắm tình hình, Công an TP Hà Nội phát hiện khu vực huyện Thanh Oai có dấu hiệu vi phạm liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đất ở.

Một đoạn thi công Vành đai 4 tại khu vực Đan Phượng. Ảnh: Thạch Thảo

Một đoạn thi công Vành đai 4 tại khu vực Đan Phượng. Ảnh: Thạch Thảo

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra ở dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô trên địa bàn thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai.

Công an TP quyết định khởi tố bị can gồm: Lê Quang Điệp và Lê Xuân Nghĩa đều là cán bộ Trung tâm quỹ đất huyện Thanh Oai; Phạm Thái Sơn - cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường, huyện Thanh Oai.

Cơ quan công an đang khai thác, mở rộng để điều tra tiếp hành vi vi phạm theo điều 230 Bộ Luật Hình sự.

Cùng với đó, Công an TP cũng tham mưu UBND TP, các đơn vị liên quan và địa phương có Vành đai 4 đi qua tự phối hợp, phát hiện rà soát các phương án, tránh trường hợp xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật khi dự án Vành đai 4 hoàn thành.

Sau khi báo cáo Thành ủy và UBND TP Hà Nội, các địa phương và công an, đơn vị thanh tra cùng Sở TN&TM phối hợp chặt chẽ, tránh trường hợp khi hậu quả xảy ra thì phải xử lý, vừa mất cán bộ vừa tốn tiền của nhà nước.

Công an TP cũng chịu trách nhiệm để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh các vi phạm trong giải phóng mặt bằng, liên quan nhóm chủ đầu tư và đơn vị thi công, đơn vị giám sát, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu…

Bản đồ Vành đai 4 nối Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh. Ảnh: VNN

Bản đồ Vành đai 4 nối Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh. Ảnh: VNN

Tháng 6/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Vành đai 4 vùng thủ đô. Dự án đầu tư đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội chiều dài hơn 112km đi qua Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công – tư (PPP). Dự án khởi động năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó, Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.

Việc hoàn thiện vành đai 4 vùng thủ đô sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-an-ha-noi-khoi-to-3-can-bo-lien-quan-du-an-vanh-dai-4-2295609.html