Công bằng trong chấm thi tự luận
Sở GD&ĐT các tỉnh bắt đầu triển khai chấm thi ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc. Ngữ văn là môn duy nhất được thi bằng hình thức tự luận, nên Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý công tác chấm thi tại địa phương đối với môn thi này.
Theo Sở GD&ĐT Bắc Kạn, hiện công tác tổ chức chấm thi đã có kế hoạch chi tiết, phương án cụ thể. Sở GD&ĐT và Công an tỉnh đã kiểm tra cơ sở vật chất và địa điểm tổ chức chấm thi. Từ hôm qua, Sở GD&ĐT Bắc Kạn triển khai các công việc liên quan công tác chấm thi, với quan điểm là thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tuyệt đối an toàn về con người, đề thi, bài thi; chấm thi nghiêm túc, khách quan, trung thực, không để xảy ra sai sót. Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, huy động 200 người tham gia chấm thi tự luận và 40 người chấm thi trắc nghiệm. Thời gian chấm của Hòa Bình dự kiến từ 2 đến 13/7.
TPHCM huy động gần 2.000 người tham gia công tác chấm thi tốt nghiệp THPT bắt đầu từ hôm nay và gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT theo đúng kế hoạch (ngày 15/7).
Theo số liệu thống kê được Bộ GD&ĐT công bố, cả nước có trên 943.000 thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, chiếm 92,9%. Tiến độ chấm thi sẽ phải đảm bảo để thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT của các địa phương bắt đầu làm việc. Chậm nhất là 17h ngày 15/7 các địa phương phải hoàn tất chấm thi tự luận và trắc nghiệm. “Điểm mới năm nay là Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi vào 8h thay vì 24h như mọi năm. Lịch công bố điểm vào ngày 18/7. Các sở GD&ĐT tiến hành xét công nhận tốt nghiệp, chậm nhất là 20/7 phải hoàn thành”, ông Chương nói.
Theo nhận định của các trường đại học, sau 2 năm COVID-19, đề thi các môn năm nay đã có sự phân hóa tốt hơn. Cùng với đó là điểm ưu tiên khu vực giảm tuyến tính đối với những thí sinh đạt từ 22,5 điểm/tổ hợp. Không những thế, ghi nhận tình hình xét tuyển sớm tại các cơ sở giáo dục ĐH có thể thấy, số lượng thí sinh tham gia xét tuyển ở nhiều trường khu vực phía Nam có xu hướng giảm, nên chỉ tiêu còn lại được chuyển sang phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp. Từ những phân tích trên, các chuyên gia dự báo điểm chuẩn năm nay của các cơ sở giáo dục đại học giảm so với những năm trước, đặc biệt là những ngành có điểm chuẩn từ 26 điểm trở lên. Điểm chuẩn những ngành từ 22 điểm trở xuống giữ ổn định vì phổ điểm phần lớn tập trung ở ngưỡng 6-7 điểm/môn.
Đảm bảo chấm thi công bằng, nghiêm túc
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023. Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
Củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi. Xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cùng với đó, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc kỳ thi như cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Bộ GD&ĐT yêu cầu hội đồng chấm thi tỉnh/thành phố thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Để thực hiện tốt công tác chấm thi trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý địa phương cần rà soát kiểm tra phần mềm kỹ thuật và phần cứng phục vụ chấm thi, đặc biệt lưu ý chấm thi tự luận cần thống nhất tạo công bằng, khách quan cho thí sinh. “Điểm thi không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn là căn cứ phân tích và đánh giá chất lượng giáo dục tại địa phương. Nếu có dấu hiệu bất thường trong đối sánh phổ điểm thì Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra xử lý. Phải làm sao để kỳ thi tốt nghiệp THPT là đáng tin cậy và công bằng cho thí sinh”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-bang-trong-cham-thi-tu-luan-post1547628.tpo