Công bằng trong đãi ngộ
Vấn đề đãi ngộ đối với nhà giáo phải đi đôi với cống hiến sau những băn khoăn từ cuộc sống đã trở thành một vấn đề có tính 'nghị trường'.

Lương nhà giáo là câu chuyện được đề cập nhiều trong thời gian qua. Việc có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người đứng trên bục giảng đang dần hiện thực khi Bộ Chính trị đã kết luận thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Xã hội hoan nghênh và ủng hộ chủ trương này. Bởi có quan tâm đến chế độ cho nhà giáo mới tạo động lực mạnh mẽ nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng tình về mặt chủ trương, nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn khi triển khai thực thi. Lương giáo viên được ưu tiên, nhưng không có nghĩa là vô điều kiện. Bảng lương thay đổi phải đi đôi với sự đóng góp, cống hiến của người hưởng lương.
Dư luận xã hội hoàn toàn có lý khi mà sự quan sát của họ bắt nguồn từ chính gia đình, nhà trường. Phần đa giáo viên miệt mài với sự nghiệp trồng người, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Nhưng cũng còn những giáo viên chưa say nghề, chưa tận tâm, lên lớp với tâm thế cho đầy công, đủ tiết. Sinh viên vào trường sư phạm với sức hút ưu đãi từ Nhà nước khi được miễn học phí, được hỗ trợ sinh hoạt phí... Thậm chí có nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cố tình giữ lại kiến thức để bằng cách nào đó học sinh phải học thêm... Nếu cào bằng bằng việc ưu tiên lương cho nhà giáo một cách rập khuôn, sẽ khó tránh khỏi bất công.
Tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7, khóa XV vừa diễn ra, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Trong đó, đại biểu Dương Khắc Mai hết sức quan tâm đến chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Đại biểu tán thành với quy định “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và nhiều chính sách về phụ cấp khác” nhằm tháo gỡ khó khăn đối với nhà giáo và tính đặc thù nghề nghiệp của họ. Để chính sách được thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo.
Đại biểu nhấn mạnh, “Đi đôi với việc thực hiện chính sách đặc thù về tiền lương thì trong quá trình thi hành luật cần phải có các quy định để nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức nhà giáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp”. Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật giao cho Chính phủ có lộ trình để rà soát, sắp xếp, tuyển chọn, thu hút để nâng cao chất lượng nhà giáo.
Như vậy, vấn đề đãi ngộ đối với nhà giáo phải đi đôi với cống hiến sau những băn khoăn từ cuộc sống đã trở thành một vấn đề có tính “nghị trường”. Tiếp đó, theo lộ trình sẽ được thảo luận sâu, xây dựng thành những quy định cụ thể và “đi vào luật” rồi trở lại cuộc sống.
Việc triển khai chế độ liên quan đến rất nhiều con người này tin chắc rồi sẽ được cơ quan chức năng tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, chứ không thể chung chung được. Nhất là ngành giáo dục phải xây dựng được một cơ chế tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, giám sát nhà giáo phù hợp, để vừa đảm bảo sự quan tâm đúng mức với nghề dạy học, nhưng đồng thời phải tương xứng với cống hiến. Có như thế chúng ta mới tạo ra sự công bằng trong đãi ngộ, từ đó thúc đẩy giáo dục nước nhà phát triển.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cong-bang-trong-dai-ngo-243739.htm