Công bằng và văn minh

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT; tạo điều kiện cho TMĐT phát triển bền vững, có trật tự, làm động lực cho sự phát triển của nền kinh tế số. Trước sự phát triển nhanh như vũ bão của TMĐT cùng những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật liên quan thì đây được coi là giải pháp vô cùng cấp thiết, đòi hỏi cấp có thẩm quyền và ngành chức năng phải gấp rút vào cuộc để luật sớm đi vào cuộc sống.

TMĐT đã và đang khẳng định vị thế, vai trò tiên phong của ngành trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn nhưng TMĐT Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, được ghi nhận là quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Bộ Công Thương, TMĐT Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022). Quy mô thị trường bán lẻ TMĐT tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ USD năm 2014 lên 20,5 tỷ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023. Hiện thị trường TMĐT ở Việt Nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với các loại sản phẩm cả trong nước và quốc tế. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng hiệu quả lợi thế các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.

Thực tế nêu trên cho thấy, những giá trị mà TMĐT mang lại là vô cùng lớn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua TMĐT dẫn đến tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Trong khi, TMĐT hiện liên quan đến nhiều lĩnh vực, như thương mại, giao dịch điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thuế, bảo mật dữ liệu, chống gian lận thương mại... Do đó, quan hệ pháp luật trong lĩnh vực TMĐT cũng phải điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau, như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, gây rất nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Ngoài ra, các nghị định hiện hành (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25-9-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52) chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quản lý thuế, Luật Sở hữu trí tuệ… Thậm chí, một số quy định hiện hành hay một số luật liên quan đến lĩnh vực TMĐT mới được ban hành trong thời gian gần đây cũng không đủ chi tiết, cụ thể để xử lý các vấn đề đặc thù, phức tạp của TMĐT.

Những vướng mắc và bất cập trong việc quản lý TMĐT nêu trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật, cần được nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và bắt kịp xu thế phát triển TMĐT của thế giới. Đặc biệt, việc ban hành luật TMĐT chuyên biệt không chỉ giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế mà còn bảo đảm công bằng và văn minh trong lĩnh vực TMĐT; đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp cũng như tránh được sự chồng chéo và mâu thuẫn về pháp lý giữa các quy định.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/168358/cong-bang-va-van-minh