Công bố quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030

Các tỉnh Tây Nguyên sẽ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Phó Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên cho lãnh đạo 5 tỉnh

Phó Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên cho lãnh đạo 5 tỉnh

Chiều 23/6, tại TP.Đà Lạt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên, bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Mục tiêu của Quy hoạch nói trên là đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến.

Đồng thời, xây dựng vùng đất này ở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo Quy hoạch vùng Tây Nguyên, điều kiện tiên quyết để phát triển là kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đây là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó phải cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số.

Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa cần được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Mặt khác, hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Quy hoạch còn đưa ra các đột phá phát triển về nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, xây dựng và thực thi chính sách phát triển vùng, đột phá về phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng vùng.

Trong quá trình cụ thể hóa quy hoạch vùng Tây Nguyên, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu công nghiệp gắn với các trung tâm kinh tế của vùng.

Các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển vùng.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày nội dung Quy hoạch vùng Tây Nguyên

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày nội dung Quy hoạch vùng Tây Nguyên

Song song đó, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các địa phương trong vùng, kết nối với các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng, các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển ở vùng Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.

Phấn đấu đến năm 2030, vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7 đến 7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD...

Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Quế Như

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-bo-quy-hoach-vung-tay-nguyen-thoi-ky-2021-2030-post1648768.tpo