Cồng chiêng là máu thịt của người dân Tây Nguyên

Có dịp đi tham quan, dao du khắp mọi miền đất nước, ở nơi đâu trên quê hương đất Việt mình cũng có những phong tục, những nét văn hóa tiêu biểu, đậm đà bản sắc riêng của mình…

Cồng chiêng trong cộng đồng văn hóa các dân tộc

Cồng chiêng trong cộng đồng văn hóa các dân tộc

Song đến Tây Nguyên dù mới chỉ một lần nhưng ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh xao động, lôi cuốn lòng người của được rung ngân và phát ra từ những bộ cồng chiêng, dưới bàn tay sử dụng khéo léo đến điêu luyện của các nghệ nhân bản địa. Có thể nói, cồng chiêng là máu thịt và mỗi người dân Tây nguyên là một nghệ sỹ, nhạc sỹ thực thụ có thể vừa hát vừa múa, sử dụng từng nhạc cụ hay tham gia vào dàn nhạc cồng chiêng một cách thành thạo. Ai đã đến một lần thì nhớ mãi không quên.

Từ Tây Nguyên vang ra thế giới

Với những giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, ngày 25/11/2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Cồng chiêng đã đi vào đời sống hằng ngày của người Bahnar, Jrai, Giẻ Triêng, Brâu, Ê Đê… thể hiện tâm tư, tình cảm của con người và trở thành một nhạc khí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đây vừa là một linh khí để giao tiếp với thần linh trong các nghi lễ truyền thống vừa là một tài sản có giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói riêng, bà con các dân thiểu số ở Tây Nguyên nói chung.

Theo dòng lịch sử văn hóa nhân loại thì cồng chiêng trong khu vực Đông Nam Á xuất hiện khá sớm và trở thành một nét văn hóa riêng, văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Cồng chiêng Tây Nguyên bắt nguồn từ đời sống cộng đồng các dân tộc, mà điểm xuất phát là từ lao động sản xuất, tập quán cư trú sinh sống của bà con các dân tộc thiểu số. Cồng chiêng Tây Nguyên mang giá trị nổi bật của tài năng sáng tạo, bắt rễ từ văn hóa và lịch sử của các cộng đồng dân tộc, trở thành biểu tượng khẳng định bản sắc văn hóa cộng đồng; sự sáng tạo ở trình độ cao của âm nhạc, nghệ thuật có những nét văn hóa rất độc đáo về truyền thống lâu đời và có sự kế tiếp, sự kế thừa trong quá trình giao lưu văn hóa.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã góp một tiếng nói chung vào dòng văn hóa Việt Nam và khu vực. Nhìn toàn cục đó là “tiếng nói của Việt Nam” nhưng xét về góc độ riêng thì đó là một dòng chảy văn hóa có sắc thái riêng biệt mà không phải bất kỳ cồng chiêng ở nơi nào cũng có được.

Hầu hết các dân tộc Tây Nguyên đều sử dụng cồng chiêng, cái có núm gọi là cồng (kuồng), loại không có núm được gọi là chiêng (ching hay cing). Cồng chiêng có hình tròn, đường kính cái lớn nhất khoảng 65cm, cái nhỏ không đến 20cm. Đây là nhạc khí tự thân vang có cao độ ổn định, mỗi chiếc có mỗi cao độ khác nhau. Mỗi bộ chiêng thường có 6 chiếc, từ lớn đến nhỏ có tên gọi là vàng, Rđơm, Dờn, Thoòng, Thơ và Thê. Cồng chiêng cũng như các nhạc cụ khác ở Tây Nguyên thường không có lời ca kèm theo khi diễn tấu mà chỉ dùng âm thanh, tiết tấu và giai điệu của chính nhạc cụ ấy nói chung và cồng chiêng nói riêng để biểu đạt tình cảm, tư tưởng và miêu tả cảnh vật thiên nhiên…

Trong các lễ hội, tùy thuộc vào vị trí của từng lễ hội mà các nghệ nhân dùng từng bài khác nhau cho phù hợp. Không được dùng bài bản của lễ hội này vào lễ hội khác, ví dụ, bài “đón khách” thì không được dùng trong lễ ăn trâu khi trâu đã xẻ thịt, trong tiệc vui mừng nhà rông, mừng lúa mới, mừng đám cưới… thì không được dùng bài “trao vòng” hay “bỏ mã”…

Niềm vui của bà con dân tộc Jrai vùng biên giới Gia Lai biểu diễn cồng chiêng

Niềm vui của bà con dân tộc Jrai vùng biên giới Gia Lai biểu diễn cồng chiêng

Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau, mỗi nhạc công chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu. Có thể nói, mỗi người dân Tây Nguyên là một nghệ sỹ, nhạc sỹ thực thụ có thể vừa hát vừa múa, sử dụng từng nhạc cụ hay tham gia vào dàn nhạc cồng chiêng một cách thành thạo. Khả năng âm nhạc của người Tây Nguyên được phát triển tự nhiên và phổ biến trong cộng đồng.

Ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, người ta đã đem cồng đến đánh bên tai nó, gọi là lễ thổi tai. Chiêng cồng luôn có mặt trong các lễ cúng khi con người còn là thai nhi trong bụng mẹ cho tới khi về với cỏi nguồn. Trong các lễ hội thì cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần) giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. “Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành mà ngã xuống đất / Đánh cho ma quỉ mải nghe đến quên làm hại người…” (Trường ca Đam San).

Ngày trước, nam nữ trưởng thành mà không biết sử dụng cồng chiêng thì khó mà bắt được chồng, được vợ.

Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng

Quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, những năm qua, nhất là từ khi “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận”, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng luôn được 5 tỉnh Tây Nguyên quan tâm, chú trọng. Trong quá trình bảo tồn, vai trò của các nghệ nhân hết sức quan trọng, bằng tình yêu của mình, họ đã và đang giữ gìn, bảo tồn và tiếp lửa đam mê văn hóa của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Nét đẹp văn hóa cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Nét đẹp văn hóa cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Cồng chiêng có rất nhiều giai điệu, phụ thuộc vào dân tộc, vào người chơi. Với mỗi sự kiện khác nhau, các vở diễn sẽ được thực hiện để phù hợp với tính chất sự kiện. Mỗi giai điệu này đều gắn với đời sống hàng ngày của người dân, nói lên tiếng lòng, tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thanh âm của cồng chiêng cũng được coi là sợi dây kết nối với thần linh, để gửi gắm những cầu nguyện, những mong mỏi của con người đến với thế giới tâm linh.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Siu Bưng (dân tộc Gia Rai), ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết: Cồng chiêng mang ý nghĩa đặc biệt, vì nó thể hiện nét văn hóa riêng của dân tộc Gia Rai mình và bà con các dân tộc khác trên địa bàn. Mỗi bài chiêng khi đánh lên đều mang một thông điệp riêng như: Bài chiêng đánh trong lễ hội mừng lúa mới, cưới hỏi sẽ có nhịp điệu nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui, sự hào hứng của người đồng bào. Bài chiêng trong Lễ bỏ mả, ma chay… sẽ với nhịp điệu trầm buồn. Để những giá trị của văn hóa cồng chiêng không bị mai một, trong các ngày nghỉ học, ngày lễ, Tết, tôi lại tập trung bọn nhỏ trong thôn lại, hướng dẫn tập luyện cách đánh, chỉ cách đánh cồng chiêng sao cho đúng nhịp, âm vang và cả múa xoang. Qua đó tiếp thêm niềm đam mê và ý thức trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Tiếng cồng chiêng hòa cùng vòng xoang nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Tiếng cồng chiêng hòa cùng vòng xoang nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Theo số liệu thống kê thì đến nay ở Đăk Lăk còn 2.089 bộ chiêng, trong đó có 1.645 bộ chiêng Êđê, 319 bộ chiêng M'nông, 118 bộ chiêng Jrai, 5 bộ chiêng Xơ đăng, 4 bộ chiêng Mường, 3 bộ chiêng Vân Kiều, 3 bộ chiêng Thái và 1 bộ chiêng Ba Na.

Tại Gia Lai hiện có trên 4.500 bộ cồng chiêng (nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên) và có 23 nghệ nhân được công nhận là nNghệ nhân ưu tú, hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, có khoảng 900 nghệ nhân giỏi. Toàn tỉnh hiện có 32 nghệ nhân Bahnar, Jrai được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Số nghệ nhân này chính là linh hồn truyền cảm và cũng là những người “thổi hồn” cho cồng chiêng rung ngân những bản nhạc trầm bổng, có lúc bồng bềnh theo mây, nô giởn cùng gió và ắnh nắng tự nhiên; lại có lúc như hòa cuộn với ánh trăng và bóng lữa bập bùng réo rắt, rung động bao lòng người hòa cuộc với những vòng xoan ngày hội.

Nghệ nhân Siu Bưng (người bên trái) đang hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho con trẻ trong làng

Nghệ nhân Siu Bưng (người bên trái) đang hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho con trẻ trong làng

Trong số những loại cồng chiêng hiện có ở Tây Nnguyên thì chiêng yoăn (chiêng do người kinh đúc, đồng bào mua về gò chỉnh lại thay âm theo yêu cầu...), chiêng Lào (có nguồn gốc từ nước bạn Lào), chiêng Kur (nguồn gốc từ Campuchia)... là các loại chiêng được các nghệ nhân dùng rộng rãi nhất, nó phù hợp với đặc trưng âm điệu của các ngày hội lớn (mang tính xã hội). Còn các lễ tang, lễ bỏ mã ở các vùng sâu vùng xa trên các địa bàn thì hầu hết họ sử dụng những bài chiêng cổ.

Các dân tộc Tây Nguyên đều đặt tên chiêng trong một bộ theo vai vế như trong một gia đình và phân biệt chiêng thiêng (có Yàng trú ngụ) với chiêng thường để dùng trong các dịp lễ trọng đại hoặc sinh hoạt thường ngày. Có bộ chiêng chỉ được đánh khi có vật hiến sinh từ bò trở lên!

Cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm... nét văn hóa tiêu biểu của bà con các dân tộc Tây Nguyên

Cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm... nét văn hóa tiêu biểu của bà con các dân tộc Tây Nguyên

Đến với Tây Nguyên, vui bước chân vào dòng lễ hội công chiêng truyền thống của người Jrai, Ba nar, Êđê… chúng ta không khỏi ngỡ ngàng đắm say bởi âm thanh của những bài chiêng, bộ chiêng, loại chiêng và tài năng của những người sử dụng cùng với những bước chân nhịp nhàng của vòng xoang kéo tròn không bao giờ cạn của các cô gái, chàng trai mến khách, dễ thương.

Đặc biệt hơn là du khách đã đến nơi đây thì dù biết hay không cũng không thể không một lần bắt tay hòa nhịp hết mình với gia điệu cồng chiêng và ngất ngây hương rượu cần dịu ngọt, bông lửa bat réo rắt, hừng hực trong đêm. Để đến lúc chia xa Mang Yang, Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ, Phố núi Pleiku… (Gia Lai) hay Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn (Đăk Lăk); Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô… (Kon Tum) mà nhớ, mà dùng dằng, luyến lưu như chính là “chùm khế ngọt” của mình đã sinh ra.

Lê Quang Hồi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cong-chieng-la-mau-thit-cua-nguoi-dan-o-tay-nguyen-a25837.html