Cộng hòa Czech miễn thuế lợi nhuận từ tiền mã hóa bằng luật mới
Cộng hòa Czech đang gây chú ý trong giới tài sản kỹ thuật số khi mới đây ban hành một khung thuế mới dành cho tiền mã hóa. Theo đó, các nhà đầu tư tiền mã hóa tại quốc gia này được miễn thuế lợi nhuận vốn nếu giữ tài sản của họ ít nhất 3 năm.
Những thay đổi nổi bật
Cuộc cải cách quan trọng này, được Hạ viện thông qua, không chỉ phù hợp với khuôn khổ Thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA) của Liên minh châu Âu mà còn thể hiện quyết tâm của Cộng hòa Czech trong việc thúc đẩy đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ tài chính hiện đại.
Luật mới khuyến khích đầu tư dài hạn, giảm gánh nặng thuế cho nhà đầu tư. Ngoài ra, các giao dịch có tổng giá trị dưới 100.000 koruna (khoảng 4.200 USD) mỗi năm sẽ không phải khai báo thuế. Điều đó có nghĩa là việc sử dụng tiền mã hóa trong đời sống hàng ngày, như mua cà phê bằng Bitcoin, sẽ không còn được coi là giao dịch chịu thuế nữa. Thủ tướng Petr Fiala nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn giúp cuộc sống của người dân trở nên dễ dàng hơn và hỗ trợ các công nghệ hiện đại”.
Cộng đồng các nhà đầu tư tiền mã hóa tại Cộng hòa Czech đã hoan nghênh cải cách này, coi đây là bước tiến quan trọng để thúc đẩy sự chấp nhận và hợp pháp hóa tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, luật vẫn còn đối mặt với một số ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, dù luật đã nâng ngưỡng chịu thuế cho các giao dịch nhỏ, chính sách mới lại khuyến khích người dùng nắm giữ tài sản trong thời gian dài, thay vì sử dụng tiền mã hóa trong các giao dịch hàng ngày. Thậm chí, một số chuyên gia còn chỉ ra các lỗ hổng trong luật như việc thiếu định nghĩa rõ ràng về tài sản kỹ thuật số, cũng như hướng dẫn cụ thể để xác minh thời gian nắm giữ tài sản.
Xu hướng toàn cầu
Cộng hòa Séc gia nhập nhóm các quốc gia đang cải cách luật thuế để phù hợp với tài sản kỹ thuật số. Chẳng hạn ở Nga, Tổng thống Putin mới đây đã ký ban hành luật coi tiền mã hóa là tài sản, miễn giá trị gia tăng (VAT) cho lợi nhuận và chuyển thành thuế thu nhập, với mức giới hạn là 13% đối với thu nhập dưới 22.400 USD và 15% đối với bất kỳ số tiền nào trên mức này. Hàn Quốc cũng đang đi theo con đường tương tự, khi các nhà lập pháp đề xuất tăng ngưỡng đánh thuế từ 1.800 USD lên 36.000 USD, phù hợp với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hàn Quốc gần đây đã hoãn việc thực hiện đến năm 2027.
Nhìn sang các quốc gia khác, Ủy ban Chứng khoán Quốc gia Argentina (CNV) đã thông báo mở rộng cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư trong nước vào các sản phẩm đầu tư toàn cầu, bao gồm cả quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tài sản số phát hành tại các quốc gia khác. Theo đó, CNV cho phép các tổ chức tài chính trong nước phát hành CEDEARs (Certificados de Depósito Argentinos là các chứng chỉ tài chính đại diện cho cổ phiếu của các công ty nước ngoài, được giao dịch trên sàn chứng khoán chính của Argentina) cho các quỹ ETF theo dõi hiệu suất của các tài sản có thu nhập biến động như chỉ số chứng khoán, tài sản số và kim loại quý như vàng. Trong khi đó, Quỹ ETF tài sản số đã được giới thiệu tại Mỹ vào đầu năm nay, với Bitcoin ra mắt vào tháng 1 và Ether vào tháng 7, thu hút hàng tỷ USD đầu tư.
Nói chung, theo các nhà phân tích, cải cách thuế táo bạo của Cộng hòa Czech đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc tích hợp tiền mã hóa vào hệ thống tài chính quốc gia. Việc giảm gánh nặng cho các nhà đầu tư và đơn giản hóa các giao dịch nhỏ lẻ đã tạo nên môi trường thân thiện hơn cho tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, như mọi sự thay đổi về luật pháp, thành công lâu dài của chính sách sẽ phụ thuộc vào cách thực thi thực tế và giải quyết các mơ hồ trong quy định.