Công lý đã được thực thi với cán bộ đi B Nguyễn Ngọc Lợi
Sau hơn 32 năm 'lầm lũi' đi tìm công lý cho chính mình, ông Nguyễn Ngọc Lợi đã chính thức được Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) chốt biên bản đền bù, đồng thời thực hiện các chế độ bảo hiểm đối với ông theo quy định Nhà nước.
"Tắc trách" qua nhiều đời hiệu trưởng!
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, năm 1976 ông Nguyễn Ngọc Lợi (sinh năm 1953) được Ủy ban Thống nhất (UBTN) của Chính phủ gửi đi học và ôn thi tại trường Hùng Vương (Phú Thọ). Sau khi đỗ đại học, năm 1977 ông được UBTN cử đi học tại Trường Đại học Y Bắc Thái theo tinh thần tại Công văn 400/TC của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực ký và QĐ 54/QĐ-UBTN của Chính phủ do đồng chí Đặng Thí – Chủ nhiệm UBTN của Chính phủ ký ngày 12/10/1977.
Sau 6 năm đèn sách, năm 1983 ông Lợi thi xong chung kết và các môn thi tốt nghiệp (chỉ còn môn lý thuyết Nội - Nhi) thì bị Trường Đại học Y Bắc Thái đình chỉ thi và tiến hành kỷ luật đuổi về địa phương vì cho rằng hồ sơ vào trường của ông không trung thực.
Cũng từ đây, quá trình thưa kiện đi tìm công lý của ông Lợi bắt đầu. Sau 5 năm kêu cứu lên các cơ quan của Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức 3 cuộc thanh tra nhằm làm rõ vụ việc. Qua đó, đi đến kết luận khẳng định Quyết định 54/UBTN và giấy thôi trả lương do Ủy ban Thống nhất của Chính phủ cấp cho ông Lợi là đúng và hợp pháp. Vì vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu Trường Đại học Y Bắc Thái sửa sai bằng cách hủy các quyết định kỷ luật và bảo lưu kết quả tốt nghiệp năm 1983 của ông Lợi và bồi thường 5 năm tiền lương (1983- 1988) cho ông.
Ông Nguyễn Ngọc Lợi tại tòa soạn Báo Nhà báo & Công luận.
Tưởng chừng mọi việc đã “ngã ngũ” khi Trường Đại học Y Bắc Thái công nhận tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa cho ông (năm 1988). Tuy nhiên, theo ông Lợi, cũng từ đây “sóng gió” cuộc đời càng lớn hơn, ông liên tục bị các cơ quan chức năng làm khó, đưa đẩy vụ việc và đến tận bây giờ khi đã tuổi xế chiều, vẫn chưa được giải quyết các chế độ chính sách theo nguyện vọng và quy định pháp luật.
Ông Lợi cho biết: “Sau khi tốt nghiệp, tôi đã báo cáo với Văn phòng Chính phủ và được sự đồng ý cho tôi chọn nơi công tác. Tôi đã xin được 2 nơi cùng tiếp nhận là Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia và Bệnh viện Bưu điện nhưng Trường Đại học Y Bắc Thái lại chuyển hồ sơ và điều động tôi về công tác tại Sở Y tế Vĩnh Phú (năm 1990). Cũng chính vì điều động sai nguyên tắc tổ chức và trái luật nên tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã trả hồ sơ của tôi về trường (năm 1991)”.
“Sau đó, năm nào tôi cũng lên Trường Đại học Y Bắc Thái để đòi hồ sơ gốc nhưng qua 7 lần công văn của 5 đời Hiệu trưởng nhà trường họ vẫn trả lời là đã trả hồ sơ của tôi về tỉnh Phú Thọ, trong khi đó Phú Thọ lại khẳng định là đã chuyển hồ sơ về trường. Sự việc bị đùn đẩy khiến tôi không thể xin được việc làm, kể cả làm hộ khẩu ở Hà Nội, cũng phải chờ đến năm 2014 khi có ý kiến của cố Thủ tướng Phan Văn Khải mới được giải quyết” – ông Lợi trình bày.
Được giải oan sau hơn 32 năm
Liên quan đến kiến nghị, khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi về việc thất lạc hồ sơ và bồi thường giải quyết hồ sơ, chính sách do mất việc làm, ngày 23/2/2021, Thanh tra Chính phủ có Thông báo về kết quả kiểm tra, rà soát lại vụ việc khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi, khẳng định: nội dung khiếu nại, kiến nghị của cán bộ đi B Nguyễn Ngọc Lợi là có cơ sở giải quyết. Đồng thời khẳng định, việc để xảy ra khiếu nại và việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan.
Qua đó, Thanh tra Chính phủ đã Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chỉ đạo Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên khôi phục và bàn giao cho ông Lợi các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ có liên quan để ông Lợi thực hiện các thủ tục hưởng chế độ chính sách theo quy định pháp luật;
Đóng chế độ BHXH, BHYT và đền bù thiệt hại cho ông Lợi do bị mất thu nhập chính đáng từ năm được công nhận tốt nghiệp đến thời điểm nghỉ hưởng chế độ BHXH theo diễn biến mức lương ngạch bậc công chức, viên chức được quy định tại các Nghị định của Chính phủ theo từng giai đoạn và các thu nhập khác theo quy định pháp luật.
Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan xem xét hồ sơ để thực hiện và hướng dẫn ông Lợi thực hiện các thủ tục để được hưởng các chế độ chính sách theo quy định pháp luật: BHXH, BHYT, chế độ người có công với cách mạng.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Phú Thọ kiểm điểm và chỉ đạo Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Sở Y tế Phú Thọ, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Được biết, mới đây Hiệu trưởng Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Lợi vừa lập biên bản ghi nhớ, thống nhất việc chi trả đền bù theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, sau hội nghị cán bộ chủ chốt do Trường Đại học Y - Dược tổ chức, đã thống nhất phương án bồi thường, đền bù cho ông Nguyễn Ngọc Lợi với số tiền gần 3,2 tỷ đồng. Trong đó, Trường Đại học Y - Dược sẽ đại diện cho ông Nguyễn Ngọc Lợi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lãi bảo hiểm xã hội với số tiền trên 607 triệu đồng để ông Lợi được hưởng lương hưu. Ông Lợi phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 94 triệu đồng. Tức ông Nguyễn Ngọc Lợi được thực lĩnh số tiền trên 2,495 tỷ đồng.
Thời gian Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên thực hiện việc chi trả đền bù cho ông Nguyễn Ngọc Lợi là 30 ngày, tính từ ngày 9/11/2021. Đồng thời, trường này sẽ bàn giao lại 17 loại tài liệu có liên quan đến ông Lợi theo danh mục đã được thống nhất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Lợi cho biết: “Tổng số tiền tôi yêu cầu bồi thường lên tới trên 9 tỷ đồng. Vì vậy ngoài số tiền trên được trích từ ngân sách của Trường Đại học Y - Dược, tại hội nghị, các bên đã thống nhất sẽ làm văn bản báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt khoản tiền bồi thường hơn 6 tỷ còn lại liên quan đến việc gây tổn hại cho tôi gồm: Tiền bồi thường danh dự, mất sức khỏe, mất việc làm, tiền chi phí do phải tự chữa bệnh, tiền bảo hiểm của người nhà quân nhân, tiền đào tạo sau đại học, tiền đi lại khiếu kiện từ năm 1983 đến nay, tiền bồi thường do mất nhà không được mua theo Nghị định 61/CP”.