Công nghệ đang tái định hình chiến tranh hiện đại
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản cách thức tiến hành chiến tranh trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang tăng tốc phát triển công nghệ tự động hóa nhằm thích ứng với cục diện an ninh mới.
Thay đổi cục diện chiến trường
Những chuyển đổi trong công nghệ đang từng bước tái định hình cách thức vận hành của chiến tranh hiện đại, trong đó nổi bật là sự kết hợp giữa máy bay không người lái (drone) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Máy bay không người lái đang làm thay đổi cục diện chiến tranh hiện đại nhờ chi phí thấp, giảm thiểu rủi ro cho con người và khả năng tác chiến chính xác, linh hoạt.
Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, việc ứng dụng máy bay không người lái trong tác chiến đã gia tăng đáng kể. Từ nhiệm vụ trinh sát, giám sát cho tới các đợt tấn công có độ chính xác cao, drone đang dần trở thành phương tiện tác chiến phổ biến của nhiều lực lượng quốc phòng trên thế giới. Thực tế cho thấy, việc đưa drone vào huấn luyện và thực tế chiến trường không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ trong môi trường chiến đấu thực tế.
Đáng chú ý, một số mẫu drone hiện nay có thể mang theo khối lượng nhỏ chất nổ, thực hiện các nhiệm vụ tấn công cảm tử, hoặc vận hành theo mô hình bầy đàn với khả năng tự động phối hợp. Khác với các thế hệ trước, drone hiện nay được tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo, giúp tự động hóa nhiều công đoạn trong quá trình vận hành. AI hỗ trợ từ việc nhận diện đối tượng, định vị mục tiêu, cho đến hỗ trợ ra quyết định tác chiến, cho phép thiết bị phản ứng nhanh hơn trong môi trường phức tạp, đặc biệt là trong những tình huống đòi hỏi xử lý trong thời gian rất ngắn.
Một số hệ thống đang được thử nghiệm thậm chí cho phép drone hoạt động theo nhóm, tự động chia sẻ dữ liệu và phân chia nhiệm vụ mà không cần sự điều khiển trực tiếp từ người vận hành. Trong các cuộc diễn tập quân sự gần đây, nhiều lực lượng quốc phòng lớn trên thế giới đã tích cực tích hợp drone và trí tuệ nhân tạo vào quy trình huấn luyện nhằm đánh giá hiệu quả thực tế trên chiến trường mô phỏng. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc hiện đang đẩy nhanh các chương trình thử nghiệm công nghệ mới, trong đó có việc ứng dụng AI để hỗ trợ chỉ huy, điều phối tác chiến và nâng cao năng lực ra quyết định trong các tình huống phức tạp.
Không chỉ dừng lại ở các nhiệm vụ tấn công, drone và công nghệ tự động hóa còn được triển khai cho nhiều chức năng khác như thu thập thông tin tình báo, giám sát biên giới, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn hay bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng kéo theo nhiều thách thức. Giới chuyên gia an ninh quốc phòng cảnh báo, việc các thiết bị bay không người lái có giá thành thấp, dễ sản xuất và có thể được triển khai trên diện rộng đang tạo ra sức ép lớn đối với hệ thống phòng thủ truyền thống. Chi phí để phát hiện, đánh chặn và vô hiệu hóa một thiết bị drone nhỏ gọn thường cao hơn nhiều lần so với chi phí chế tạo ra nó. Điều này đặt ra bài toán cân bằng nguồn lực mới trong chiến lược phòng thủ quốc gia.
Cuộc đua công nghệ quốc phòng
Tại Liên hợp quốc, các cuộc thảo luận liên quan đến quản lý vũ khí tự hành đã được khởi động từ năm 2014, nhưng đến nay các bên vẫn chưa đạt được đồng thuận về giới hạn áp dụng đối với công nghệ này. Một số quốc gia kêu gọi xây dựng các quy định nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu rủi ro ngoài ý muốn và ngăn chặn nguy cơ vũ khí tự động hóa vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngược lại, một số nước khác cho rằng cần duy trì không gian linh hoạt để tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ mục tiêu quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng.
Một trong những lo ngại lớn hiện nay là khả năng công nghệ lan rộng ra ngoài giới hạn quản lý chính thức. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ các hệ thống tự động rơi vào tay các nhóm phi nhà nước, hoặc bị sử dụng ngoài khuôn khổ quân đội chính quy. Thực tế cho thấy, nhiều thiết bị dân dụng có thể dễ dàng được chuyển đổi thành công cụ tấn công, gây khó khăn cho công tác kiểm soát và phòng ngừa nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng cũng được đặt lên hàng đầu khi tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống vũ khí. Nếu một thiết bị tự động hóa bị tin tặc chiếm quyền điều khiển, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh tác chiến thực tế hoặc trong các kịch bản khủng hoảng an ninh.
Hiện nay, các quốc gia có nền công nghệ quốc phòng tiên tiến như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Israel đang đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ trọng yếu: phát triển các công nghệ tác chiến thế hệ mới và xây dựng những nguyên tắc vận hành có trách nhiệm trong lĩnh vực tự động hóa quân sự. Một số trung tâm nghiên cứu quốc phòng quốc tế đã ban hành các hướng dẫn tạm thời về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự, nhấn mạnh tiêu chí giữ yếu tố con người trong vòng kiểm soát đối với những quyết định liên quan đến tính mạng con người hoặc an ninh quốc gia.
Giới chuyên gia nhận định, trong thập kỷ tới, cuộc đua công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo, đồng thời kéo theo những thách thức an ninh mới mà các quốc gia cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc duy trì sự cân bằng giữa phát triển công nghệ vì mục đích an ninh với trách nhiệm kiểm soát, minh bạch và quản trị rủi ro công nghệ là yêu cầu cấp thiết.
Khi thế giới bước sâu hơn vào kỷ nguyên số hóa quốc phòng, việc thúc đẩy cơ chế hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các khung pháp lý phù hợp giữ vai trò then chốt. Đây không chỉ là chìa khóa để hạn chế nguy cơ xung đột ngoài ý muốn, mà còn là nền tảng giúp duy trì ổn định an ninh toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh hiện đại đang dần định hình theo những cách thức chưa từng có tiền lệ.