Công nghệ nền tảng tạo đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở thành một công cụ quan trọng phục vụ cho đời sống, từ lĩnh vực hành chính công đến thương mại, y tế, nông nghiệp, tài chính, giải trí… Công nghệ này sẽ là nền tảng tạo bước đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số.
Gia Lai đang nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Ảnh: Hà Duy
AI đang được thúc đẩy mạnh mẽ từ cấp quốc gia, với mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cách mạng công nghệ 4.0. Đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; đến năm 2030, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Ông Lê Xuân Sơn-Phó Tổng Giám đốc VNPT AI cho biết: “Nhiều năm qua, VNPT đã đồng hành cùng với tỉnh, từ vấn đề hạ tầng viễn thông đến bắt đầu chuyển mình làm chuyển đổi số. Hiện nay, VNPT đã có những giải pháp về AI phục vụ cho thủ tục hành chính công, kết nối quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, giúp cho cán bộ khi tương tác với người dân, doanh nghiệp sẽ có những công cụ hỗ trợ thuận lợi và nhanh chóng, giúp cho ngôn ngữ tư vấn được nhanh chóng, đúng, đủ và kịp thời”.
Việc ứng dụng triển khai trợ lý GenAI cho thủ tục hành chính công sẽ mang lại nhiều lợi ích như lắng nghe mạng xã hội, nắm bắt xu hướng thông tin trên không gian mạng, hỗ trợ cơ quan quản lý thấu hiểu người dân, phân tách hội thoại; nhận diện hình ảnh giải quyết các vấn đề bức xúc của đô thị như tắc nghẽn giao thông, quản lý an ninh trật tự; xử lý văn bản số hóa và bóc tách thông tin văn bản, tài liệu…
Ngành y tế đang thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Rõ nét nhất hiện nay là ứng dụng AI trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ phân tích xu hướng, phát triển chiến lược marketing. Trong lĩnh vực y tế để giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị bệnh, dự đoán sự bùng phát của dịch bệnh. Trong nông nghiệp để quản lý cây trồng, dự đoán năng suất; cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để phát triển hoạt động kinh doanh… Bà Đoàn Thị Thúy-chủ cơ sở nuôi ong Phước Hỷ (huyện Chư Păh) cho hay: “Khi ứng dụng AI vào hoạt động, tôi thấy AI mang lại hiệu quả rất bất ngờ. AI có thể hỗ trợ viết content hoặc xây dựng kịch bản quảng bá sản phẩm, hỗ trợ thiết kế và triển khai các chương trình marketing, bán hàng online hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, AI có thể phân tích các dữ liệu khách hàng để tìm ra những xu hướng, thông tin quan trọng về đối tượng khách hàng, đưa ra dự đoán về các xu hướng tiêu dùng mới, giúp người bán có chiến lược marketing phù hợp. Đồng thời, với việc tự động trả lời tin nhắn với ngôn ngữ chỉnh chu sẽ tạo ấn tượng tốt với khách hàng, giúp nâng cao sự hài lòng của khách hàng và tăng khả năng giữ chân khách hàng”.
MISA đã ứng dụng AI vào bộ quản trị MISA AMIS để quản lý tất cả các hoạt động cho doanh nghiệp. Ảnh: V.T
Theo bà Nguyễn Ngọc Lệ-Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa, Công ty cổ phần MISA, vấn đề các doanh nghiệp nhỏ đang gặp phải hiện nay là các giải pháp thường sử dụng khá rời rạc, không được kế thừa dữ liệu, kết nối liên thông với nhau, dẫn đến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí về nhân sự. MISA đã ứng dụng AI vào bộ quản trị MISA AMIS để quản lý tất cả các hoạt động cho doanh nghiệp.
“Trước đây, công tác kế toán tài chính của doanh nghiệp thường tiêu tốn khoảng 80% thời gian cho các công việc thủ công lặp đi lặp lại. Một doanh nghiệp vừa và nhỏ thường cần khoảng 5-6 nhân viên kế toán để xử lý tuần tự từng bước cho hàng ngàn hóa đơn chứng từ phát sinh mỗi tháng. Còn giờ đây bằng việc ứng dụng AI vào các phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử thì toàn bộ các công việc kiểm tra hóa đơn chứng từ, nhập dữ liệu, làm báo cáo… sẽ được xử lý hoàn toàn tự động chỉ mất vài phút với độ chính xác tuyệt đối. Cùng với đó, MISA cung cấp các giải pháp liên quan đến công tác quản trị, bán hàng, nhân sự… Với những giải pháp này sẽ kết nối liên thông, phục vụ cho quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp theo từng giai đoạn”-bà Lệ thông tin thêm.
Với chiến lược phát triển ứng dụng AI, tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc triển khai ứng dụng AI, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1896/KH-UBND triển khai chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược AI ứng dụng) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo đó, các nhiệm vụ chung đến năm 2030 sẽ tập trung quán triệt và đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về AI; mô hình AI ứng dụng tại các sở, ban, ngành, địa phương trên các phương tiện báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở và nền tảng số khác; thực hiện việc lồng ghép các giải pháp phát triển AI ứng dụng, xác định rõ mục tiêu, nội dung phát triển AI ứng dụng trong kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Sử dụng các sản phẩm AI đã được thẩm định, đánh giá theo hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI. Phối hợp tổ chức thực hiện các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về AI ứng dụng cho cán bộ, công chức nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 1004/QĐ-UBND ngày 9-11-2023 của UBND tỉnh ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, dịch vụ chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở tỉnh để phát triển ứng dụng AI phục vụ cho phát triển kinh tế số, xã hội số; trong đó coi trọng việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu mở; kết nối, tích hợp, cung cấp dữ liệu về hệ thống dữ liệu của tỉnh theo quy định.
Trong năm 2024, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các đô thị có triển khai ứng dụng thông minh triển khai thực hiện danh mục các nhiệm vụ. Phấn đấu chỉ tiêu 30% dịch vụ công toàn trình có ứng dụng AI hỗ trợ trực tuyến cho người dân; 20% đô thị có ứng dụng AI giải quyết ít nhất 1 vấn đề bức thiết của xã hội tại đô thị; 20% cơ quan nhà nước cấp tỉnh đã mở dữ liệu và có dữ liệu mở theo đúng quy định trên Cổng dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển AI ứng dụng cho kinh tế số, xã hội số.