Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội
Cơ hội, thách thức với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử đang đan xen, vì thế doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội…
Thách thức “nhìn thấy”
Không thể phủ nhận về những thành tựu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và linh kiện, theo báo cáo Thương mại thế giới (World Trade Report).
Những lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử Việt Nam đó là dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Ngoài ra, ngành cũng đang nhận được sự quan tâm, kiến tạo những cơ chế chính sách phát triển của Nhà nước.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp Việt có thể làm được các sản phẩm linh phụ kiện ở tầm trung và cao nhiều. Vị thế của doanh nghiệp điện tử trong chuỗi cung ứng ngày càng được nâng lên.
Minh chứng cho điều đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 của ngành công nghiệp điện tử đạt 97 tỷ USD, xuất siêu trên 9 tỷ USD. Đây là những con số cho thấy sự đóng góp rất lớn vào giá trị xuất khẩu của cả nước. Bởi công nghiệp điện tử vẫn đang dẫn đầu trong công nghiệp chế biến chế tạo có kim ngạch xuất khẩu cao.
"Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử là 109 tỷ USD. Với đà phát triển 9 tháng năm 2024 tỷ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đạt 10%, dự báo năm nay sẽ tăng lên 120 tỷ USD" - bà Đỗ Thị Thúy Hương chỉ ra và nêu 3 vướng mắc cơ bản mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử gặp phải. Thứ nhất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử thiếu vốn để mở rộng sản xuất, vốn để đầu tư cho thiết bị công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thứ hai, vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản trị, vận hành sản xuất đang còn yếu. Có một số người Việt đủ khả năng nhưng đã số vẫn phải thuê người nước ngoài. Đây là một trong những điểm nghẽn mà các doanh nghiệp Việt buộc phải vượt qua.
Thứ ba, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, nhưng cũng mong muốn sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu đào tạo nhân lực tập trung, trọng điểm. Mặt khác, bản thân DN tiếp cận nguồn thông tin về lĩnh vực này.
Con đường nào cho doanh nghiệp Việt?
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng, mở rộng và phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và khai thác tốt hơn lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng theo hướng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Mặc dù có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn cho rằng, trong “cuộc đua” này, doanh nghiệp FDI có nhiều ưu thế hơn. Bởi so với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội hạn chế về nhiều yếu tố như vốn, kinh nghiệm và cả mối quan hệ với những tập đoàn toàn cầu. Trong khi đó, để tham gia được vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn lớn, yêu cầu về thời gian giao hàng, về công nghệ...
Từ thực tế, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) thẳng thắn thừa nhận: Công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử hiện nay đang ở mức khá khiêm tốn. Cứ 3 - 6 tháng có sản phẩm mới được ra đời, ngoài sản phẩm cứng, sản phẩm phần mềm được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đa quốc gia theo xu hướng của người tiêu dùng luôn cập nhập thay đổi.
Ngoài ra, thay đổi về chức năng giao diện về điện tử vòng đời sử dụng chỉ từ 9 tháng đến 1 năm.... Đó cũng là những áp lực đối với các sản phẩm công nghiệp điện tử trong việc xử lý các vi mạch cần nhanh để đáp ứng các nhu cầu. Điện tử áp dụng vào trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất cũng yêu cầu về mặt sản lượng và chất lượng đòi hỏi tự động hóa nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực và thế giới.
Đồng quan điểm, bà Thúy Hương chỉ ra, chính sách hỗ cho ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế để phát triển. Nghị định 111/2015/NĐ-CP đã góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh. Tuy nhiên, cần khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 111nhằm tạo cơ chế tháo gỡ các điểm nghẽn về thị trường, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ....Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo về Luật Công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ được đưa vào là một trong những hạng mục quan trọng, trung tâm của chiến lược phát triển giai đoạn tới.
Để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử nói chũng và công nghiệp hỗ trợ điện tử nói riêng phát triển, Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước.