Công nghiệp sáng tạo có thể đưa đất nước bứt phá
Theo kiến trúc sư ĐOÀN KỲ THANH, để phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức sự kiện kỳ cuộc, mà cần hướng tới xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, thúc đẩy gặp gỡ, giao thoa, trao đổi, cộng hưởng giá trị và hoàn toàn có thể thu lợi ích về mặt kinh tế.
Đánh thức sự quan tâm
- Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức quy mô lớn, lên tới hơn 60 hoạt động văn hóa, mỗi ngày thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Có vẻ như nhu cầu về các hoạt động văn hóa, sáng tạo của cả chính quyền, những người làm trong lĩnh vực này và công chúng đang rất cao?
- Cách đây 6 năm chúng tôi đã tìm kiếm cơ hội để xây dựng một quận nghệ thuật. 3 năm trước thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội và đề án "Quận nghệ thuật sông Hồng" của tôi và cộng sự giành giải Nhất. Ban giám khảo trao giải cho đề án vì nhìn thấy nhu cầu phát triển của thành phố và cơ hội có thể làm được một nơi chốn như vậy ở bên khu bờ vở của sông Hồng.
Nhân dịp trao giải thưởng Cuộc thi, chúng tôi thấy rằng, thay vì có một ngày để trao giải, tại sao không làm thành tuần lễ sáng tạo. Bởi các sáng kiến đóng góp cho Hà Nội không chỉ Ban giám khảo mà người dân cũng cần biết đến và có cơ hội thấy sáng kiến này được thực hiện. Ngược lại, nếu tổ chức tuần lễ sáng tạo, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều mong muốn, gợi ý, tham gia của nhân dân, của cộng đồng cho Hà Nội.
Với ý muốn như vậy, lần đầu được tổ chức sau dịch Covid-19, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thực sự đã đánh thức được sự quan tâm, chú ý của cả phía chính quyền và người dân thủ đô. Năm nay, quy mô của Lễ hội đã lên một bước cao hơn. Tham gia Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội cũng đã cam kết thực hiện những hoạt động, chính sách để hiện thực hóa tầm nhìn Thành phố Sáng tạo và Lễ hội là một trong những hoạt động như vậy.
- Năm nay, ngoài một số hoạt động tổ chức tại khu vực phố cổ Hà Nội, trung tâm của Lễ hội ở bên kia sông Hồng - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Việc mở rộng, dịch chuyển không gian này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Đầu tiên phải nói ở Long Biên có một khoảng đất rất lớn, phù hợp nếu chúng ta muốn nhiều người đến tham dự. Bên cạnh đó, lãnh đạo quận Long Biên rất quyết tâm vào cuộc, quyết tâm đầu tư. Hơn nữa, khu vực Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sau này sẽ là một trung tâm mới, một không gian sáng tạo mới của Long Biên, hoặc là “quận sáng tạo”. Thực tế, những nhà sáng tạo, nghệ sĩ đến đây đều phải thốt lên: đây đúng là thánh đường cho nghệ thuật và sáng tạo!
Dành quỹ đất cho không gian sáng tạo
- Lễ hội năm nay, nhiều di sản, đặc biệt là di sản công nghiệp, được biến thành không gian sáng tạo. Là người từng tiên phong biến nhà máy cũ trở thành không gian sáng tạo như Zone 9 và Hanoi Creative City, ông đánh giá như thế nào về câu chuyện này?
- Tôi tin rằng là một thành phố, quốc gia, đất nước cần thoát nghèo và “thoát hèn”. Để thoát nghèo, chúng ta sẽ có những chính sách về kinh tế, để phát triển đất nước và chia lợi ích ấy cho đồng đều. Còn “thoát hèn”, theo tôi không có gì bằng đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, sáng tạo.
Về mặt hoạch định, quy hoạch, vùng lõi của trung tâm rất nên hạn chế xây nhà ở, đặc biệt là nhà cao tầng. Việc xây nhiều nhà ở trung tâm có thể có lợi cho một số người, nhưng cần tính đến lợi ích của hàng triệu người, không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà cả lợi ích tinh thần. Những không gian trống, không gian công cộng còn lại, chúng ta phải trân quý và giữ gìn cho thế hệ sau, cho các nghệ sĩ, nhà làm sáng tạo có cơ hội gặp gỡ, làm việc. Bởi tôi tin rằng ngành công nghiệp sáng tạo là cơ hội làm cho đất nước có thể bứt phá.
- Gần đây Hà Nội rất quan tâm tới không gian sáng tạo và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Theo ông, điều đó đã hiện thực được phần nào định hướng Thành phố Sáng tạo chưa?
- Đi nhiều nước, có những thành phố như Belfast, Bắc Ireland, chỉ vài trăm nghìn dân, nhưng có rất nhiều không gian sáng tạo. Trong khi đó, Hà Nội đang gần 10 triệu dân và các không gian như vậy còn quá ít. Trong quá trình làm việc, tôi thấy lãnh đạo thành phố, các nhà quản lý văn hóa Hà Nội thực sự rất hiểu và quan tâm đến việc này. Tuy nhiên, từ quan tâm, hiểu, đến có một quyết tâm đủ lớn để thực hiện câu chuyện này thì không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân, mà cả hệ thống phải vào cuộc.
Thông qua những sự kiện như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, đã có sự vào cuộc của những người làm văn hóa, cộng đồng nghệ thuật sáng tạo. Nhưng tôi nghĩ cần sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ hơn. Bởi vì, để xây dựng được công nghiệp sáng tạo, không chỉ tổ chức sự kiện kỳ cuộc mà phải xây dựng được một đời sống sáng tạo, đời sống nghệ thuật, và phải có được hệ sinh thái sáng tạo.
- Vậy để Hà Nội thực sự trở thành Thành phố Sáng tạo với những điều như ông vừa nói, cần có cơ chế, chính sách, cụ thể ra sao?
- Rất cụ thể trước mắt là phải có quỹ đất cho sáng tạo, giống như các ngành công nghiệp chế tạo đều có những khu công nghiệp xung quanh Hà Nội, các làng nghề cũng có khu quy hoạch đất. Công nghiệp sáng tạo được đánh giá, nhận thức quan trọng như vậy, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có một quy hoạch nào về đất đai. Phải quy hoạch, dành diện tích đất, có chính sách đầu tư cho lĩnh vực này.
Ngoài các di sản công nghiệp, có thể dành những không gian như khu bờ vở sông Hồng đất bỏ hoang còn rất nhiều, hay các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, thậm chí điếm canh đê cũng có thể trở thành nơi dành cho sáng tạo…
Nếu được phép sử dụng, khai thác, những không gian ấy sẽ góp phần tạo nên một hệ sinh thái sáng tạo. Hệ sinh thái này hoàn toàn là cơ hội để sinh ra lợi nhuận, thặng dư rất cao. Kinh nghiệm các nước cho thấy, khu nào khó phát triển, đưa nghệ sĩ đến để có thể thay đổi.
Khi Hà Nội chuyển từ sản xuất công nghiệp sang thương mại, du lịch và dịch vụ, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, nếu có những không gian sáng tạo như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thì hoàn toàn có điều kiện để phát triển. Tôi tin rằng khu vực này có cơ hội trở thành một điểm đến tầm cỡ khu vực và thế giới, không phải chỉ ở quận Long Biên hay Hà Nội.
- Xin cảm ơn ông!