Công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng khả quan
Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bến Tre cho rằng, bước sang quý I/2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu đã từng bước ổn định trở lại, bắt đầu có những tín hiệu phục hồi và càng tăng trưởng rõ nét trong tháng 4/2022. Kết quả sơ bộ quý I/2022 của Tỉnh đã khẳng định, các lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu đang dần phục hồi và tăng trưởng rất khả quan. Đây là cơ sở, động lực cho tỉnh thực hiện mục tiêu tăng tốc phát triển kinh tế trong quý II và những tháng cuối năm 2022.
Công nghiệp tăng 7,32%
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước phục hồi tốt mặc dù còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá trị sản xuất thực hiện quý I/2022 đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 7,32% so với cùng kỳ và đạt 22,98% kế hoạch năm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, kết quả tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu trong tháng 4/2022 có dấu hiệu tốt hơn. Cụ thể, ước thực hiện tháng 4 đạt 3.160 tỷ đồng, tăng 2,27% so với tháng trước và tăng 9,34% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đạt 12.050 tỷ đồng, tăng 7,88% so với cùng kỳ và đạt 31,46% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 149,14 triệu USD, tăng 3,16% so với tháng trước và tăng 30,25% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đạt 523,68 triệu USD, tăng 20,13% so với cùng kỳ và đạt 34,91% kế hoạch năm.
Về thị trường, các nước châu Á chiếm tỷ trọng 43,86%, tương đương 65,41 triệu USD; các nước khu vực châu Mỹ (Mỹ, Canda) chiếm 37,64%, tương đương 56,35 triệu USD; các nước EU đạt 19,22 triệu USD, chiếm 12,89%.
Theo các DN địa phương, dấu mốc mở cửa DL cả nước trong điều kiện bình thường mới đã góp phần quan trọng, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi, hoạt động sản xuất của DN khởi sắc hơn.
“Liên tiếp thời gian dài, DN thua lỗ do tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng chấp nhận sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động. Bước sang đầu năm 2022, DN đã bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng, lạc quan với hy vọng đã qua rồi giai đoạn khó khăn nhất...”, bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long phấn khởi.
Ông Trần Văn Đức - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Dừa (BEINCO), Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre khẳng định: Trong quý I/2022, mặc dù còn rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn còn sự ảnh hưởng, nhưng nhìn chung các DN đã dần phục hồi sản xuất và có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021, do chuỗi cung ứng nguyên liệu thông suốt, đơn hàng xuất khẩu tăng gấp nhiều lần, nhà máy vận hành đều đặn công suất hơn.
Giải pháp thời gian tới
Về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu trong quý II và đến cuối năm 2022, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, sở sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch xuất khẩu 2021 - 2025. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến DN, người dân và các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết như: EVFTA, CPTPP, VKFTA. Tập trung hỗ trợ DN mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm đối với hàng hóa có thế mạnh của tỉnh.
Đối với các DN phải tích cực, chủ động nhiều hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại, xem đây là một giải pháp quan trọng để DN duy trì và phát triển sản xuất. Ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực về nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, phát triển thương hiệu, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và quy định về hàng hóa nhập khẩu của các nước.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, trong tháng 5/2022, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, tỉnh theo dõi, nắm sát tình hình để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN để gia tăng sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cung cấp nguồn điện, nước ngọt ổn định phục vụ sản xuất, chế biến. Tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận; tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp…