Công nhân trong thời bão giá – Bài 2: Bất ngờ mất việc
Rất nhiều doanh nghiệp liên tục bị sụt đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm. Trầm trọng hơn, có doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy. Tình trạng trên khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh mất việc, thất nghiệp. Chông chênh, hụt hẫng, lo lắng,... là những gì họ đang phải đối diện.
Đi rửa bát hay về quê?
Bà Trần Thị Giúp (sinh năm 1976, quê ở Đồng Tháp), công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng, ngồi buồn trong một ngôi nhà trọ tại quận Bình Tân, TPHCM. Khu nhà trọ ấy có rất nhiều căn phòng nhỏ, lụp xụp với những thứ đồ dùng cũ kỹ, bức tường cáu bẩn. Bà Giúp đang chầm chậm nhặt vài cọng rau muống.
Lau vội giọt mồ hôi trên má, bà Giúp buồn rầu bảo, “tôi mất việc rồi cô ạ, gần 50 tuổi giờ chả biết xin làm việc gì, làm ở đâu, chắc xem quán ăn nào nhận người giúp việc thì đi làm thuê cho họ thôi, còn không về quê bám vào mảnh ruộng cằn, rau cháo qua ngày vậy”.
Đôi mắt thâm quầng khiến bà như già hơn. Bà kể, mấy ngày nay, đêm nào cũng mất ngủ vì trằn trọc nghĩ về viễn cảnh trước mắt chưa biết mưu sinh cách nào. “Còn hơn tháng nữa là Tết, nhưng tôi cũng chẳng dám nghĩ đến. Không có Tết cũng chẳng sao, quan trọng là những ngày tới đây sẽ sống như thế nào. 17 năm gắn bó với Công ty Tỷ Hùng, nghĩ còn tiếp tục gắn bó chục năm nữa. Không ngờ, đùng một cái, công ty tuyên bố giải thể. Tôi hụt hẫng, buồn lo quá trời” - bà Giúp nói.
Đồng cảnh mất việc tại Công ty Tỷ Hùng, chị Ngô Thị Hồng Oanh (sinh năm 1984, quê ở Sóc Trăng) tay xách, nách mang một đống chai lọ, cho biết hai năm nay, công nhân không được tăng ca nên lương chỉ ở mức hơn 6 đồng triệu/tháng, nếu tăng ca thu nhập sẽ là hơn 8 triệu đồng. Mức lương này không cao nhưng khéo xoay xở, tiết kiệm cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, lo nhất là lúc ốm đau, bệnh tật. Giờ hàng ngày chị Oanh phải kiếm thêm tiền bằng cách nhặt vỏ chai. “Chịu khó ngày cũng được hơn chục nghìn thêm đồng rau tí mắm” - chị Oanh bảo vậy.
Thông tin một số doanh nghiệp (DN) khó khăn đóng cửa, công nhân mất việc khiến chị Bùi Thị Dinh (32 tuổi, quê ở Bắc Ninh) cùng chồng làm việc ở Công ty TNHH Hungway - chuyên sản xuất bao tay (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cảm thấy hoang mang. Được biết, thu nhập của 2 vợ chồng hơn chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gần đây đơn hàng của công ty sụt giảm nên không tăng ca, thậm chí một tuần nghỉ 3 - 4 ngày.
Lo lắng mất việc, chồng chị Dinh chuyển sang chạy xe công nghệ. Chị Dinh cho hay, thu nhập của hai vợ chồng đủ chi phí hàng tháng cho gia đình nhưng không dành dụm được đồng nào phòng khi ốm đau. “Vợ chồng tôi chuẩn bị đón đứa con thứ hai mà thu nhập bấp bênh như hiện nay cũng ái ngại lắm. Sắp tới mọi khoản chi sẽ tăng lên khi thêm thành viên mới” - chị Dinh buồn rầu nói.
Nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng
Hầu hết người lao động bị nghỉ việc cho biết, doanh nghiệp cắt giảm lao động vì đơn hàng sụt giảm mạnh. Trường hợp Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, TPHCM thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với 1.185/1.822 lao động đang làm việc từ đầu tháng 12 tới khiến rất nhiều công nhân hoang mang, lo lắng. Với họ, con đường phía trước dường như rất mù mịt, ở thành phố nếu không có việc làm thì xoay xở ra sao, mà về quê bám vào ruộng vườn giờ cũng khó khăn trăm bề.
Đồng cảnh ngộ, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng. Trong đó, số lao động bị cắt giảm sẽ là những công nhân có thời hạn 1 năm và sẽ hết hợp đồng cuối năm nay. Tương tự, từ nay đến cuối năm, Công ty TNHH An Giang Samho sẽ cắt giảm 5.300 lao động. Tình trạng DN cắt giảm lao động còn diễn ra ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai,...
Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 25 địa phương, đơn vị, ngành đã báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Trong đó, có 562.4000 người lao động bị giảm giờ làm; 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng; 31.012 lao động nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động,...
Tại TPHCM, Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp thành phố thông tin, hiện trong tổng số 17 khu chế xuất và công nghiệp thành phố có 51 DN báo cáo giảm đơn hàng với gần 6.000 lao động bị ảnh hưởng. Nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung vào các ngành hàng như: nữ trang, quần áo, da giày, gỗ...
Nhận định về con số trên, ông Nguyễn Thái Thành - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho rằng, thực tế con số 51 DN bị ảnh hưởng như trên là chưa phản ảnh đúng thực trạng và có thể nhiều hơn nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM nhìn nhận, bên cạnh các DN có nhu cầu tuyển dụng để hoàn thành tiến độ theo hợp đồng sản xuất, có một số DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, buộc phải cắt giảm lao động, như Công ty TNHH Samho, Công ty Tỷ Hùng...
Trước đó, đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM cho biết, khảo sát nhanh 234 DN có quy mô từ 200 lao động trở lên ghi nhận, 109 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, 125 DN không có nhu cầu, 8 DN phải cắt giảm lao động, 83 DN thiếu đơn hàng.
(Còn nữa)
25 địa phương, đơn vị, ngành đã báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Trong đó, có 562.4000 người lao động bị giảm giờ làm; 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng; 31.012 lao động nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.