Công tác cán bộ: 'Chọn người xứng đáng, không chọn người quen'
'Trong công tác cán bộ, ai nổi bật hơn về trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất, năng lực thì người đó được chọn, bất kể xuất thân từ đâu. Chọn người xứng đáng, không chọn người quen!'.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) nêu quan điểm khi chia sẻ với Tiền Phong về công tác nhân sự đại hội.
Không để lọt cán bộ “thui chột”
Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Trong lựa chọn nhân sự đại hội, theo ông, cần phải coi trọng những tiêu chí, tiêu chuẩn nào?
Trước tiên, chúng ta cần phải nhắc đến tư duy đổi mới trong quy hoạch và lựa chọn nhân sự các cấp. Quy hoạch cán bộ không phải là “nhất thành bất biến”.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.
"Tôi cho rằng, tầm nhìn nhân sự không chỉ bó hẹp trong một nhiệm kỳ 5 năm, mà phải hướng tầm nhìn đến năm 2045, tức là có tầm nhìn dài hạn cho 20 năm tới", ông Lê Như Tiến.
Vì thế, sau khi được đưa vào quy hoạch, cán bộ cần phải tiếp tục được rà soát, đánh giá lại định kỳ. Nếu sau một năm, hay vài năm, cán bộ đó không còn đủ năng lực, phẩm chất thì phải bị loại ra khỏi quy hoạch.
Điều này đảm bảo sự sàng lọc liên tục, không để lọt những cán bộ “thui chột”, không còn phù hợp.
Ngoài ra, tôi cho rằng, tầm nhìn nhân sự không chỉ bó hẹp trong một nhiệm kỳ 5 năm – đến năm 2030, mà phải hướng đến tầm nhìn dài hạn – đến năm 2045, tức là có tầm nhìn dài hạn cho 20 năm tới.
Như vậy, với đội ngũ cán bộ trẻ, có tuổi đời từ 35 - 40 tuổi, có đầy đủ năng lực, phẩm chất, rất cần được chú trọng, mạnh dạn đưa vào ban chấp hành. Đây là lớp cán bộ trẻ, có thể phục vụ lâu dài cho nhiều năm, trong nhiều nhiệm kỳ.
Vì sao cần coi trọng và dành sự ưu tiên cho lớp cán bộ trẻ kế cận, thưa ông?
Theo tôi, lựa chọn cán bộ trẻ không phải là “ưu ái”, mà là yêu cầu khách quan, tất yếu của lịch sử. Cán bộ trẻ hiện nay được đào tạo bài bản, có nhiều lợi thế như nhanh nhạy với khoa học và công nghệ, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo...
Đặc biệt, phải kể đến tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với cán bộ trẻ.
Về tiêu chí cụ thể, tôi cho rằng, cán bộ trẻ nên có độ tuổi từ 35 đến 40, có trình độ đại học chính quy trở lên, có năng lực nổi bật, phẩm chất tốt – được cụ thể hóa qua 19 điều đảng viên không được làm. Đặc biệt, họ phải được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, chứ không chỉ "trẻ và giỏi" trên giấy.

Xóa bỏ rào cản, tư duy cục bộ khi sáp nhập đơn vị hành chính (Ảnh minh họa)
Lựa chọn cán bộ trẻ là xu thế tất yếu
Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, công tác nhân sự thường gặp phải những khó khăn gì và làm gì để hóa giải những bất cập có thể xảy ra, thưa ông?
Sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã là một thách thức lớn về tổ chức bộ máy, trong đó công tác nhân sự là khâu rất nhạy cảm. Thực tế cho thấy, khi bầu chọn lãnh đạo, ở đâu đó vẫn còn tâm lý “xã mình – xã người”, “tỉnh mình – tỉnh bạn”, dễ dẫn đến tư duy cục bộ, chia ghế, chia quyền.
Để khắc phục điều này, cần có bộ tiêu chí rõ ràng: Ai nổi bật hơn về trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất, năng lực thì người đó được chọn, bất kể xuất thân từ đâu. Ví dụ, nếu có ba ứng viên cho vị trí chủ tịch UBND, phải lựa chọn người có ưu điểm vượt trội nhất. Chọn người xứng đáng, không chọn người quen !
Muốn làm được điều này, trong công tác lựa chọn cán bộ, cần xóa cho được tâm lý “tỉnh anh, tỉnh tôi”, tư duy cục bộ địa phương. Có như vậy mới đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích vùng miền, mới thực sự vì dân, vì nước.
Theo ông, làm thế nào để lớp cán bộ trẻ có thể thực sự phát huy phẩm chất, vai trò trong giai đoạn tới?
Đầu tiên là phải tạo điều kiện, môi trường cho họ được thể hiện, được giao việc lớn. Đừng vì họ trẻ mà e dè, giữ họ ở vòng ngoài.
Thứ hai, phải tiếp tục chuẩn hóa, đào tạo bài bản từ cấp cơ sở. Cấp xã bây giờ cũng phải yêu cầu đại học chính quy, không có chuyện cán bộ xã thì không cần bằng cấp, không coi trọng trình độ.
Quan trọng hơn cả, chúng ta cần thay đổi nhận thức, bởi việc lựa chọn lớp trẻ kế cận không phải là chủ quan mà là xu thế tất yếu. Lựa chọn cán bộ với tầm nhìn dài hạn, chúng ta phải chọn cho được người có thể gánh vác trong cả chặng đường dài phía trước.
Cảm ơn ông !