Thầy giáo ở Lạng Sơn vượt khó bám bản dạy trò nghèo

Dành cả cuộc đời gắn bó với điểm trường vùng cao, thầy Hoàng Văn Kiếm luôn cố gắng để các học trò được học tập trong môi trường tốt nhất.

Thầy Hoàng Văn Kiếm luôn nỗ lực vì học trò vùng cao.

Thầy Hoàng Văn Kiếm luôn nỗ lực vì học trò vùng cao.

Vượt qua nhiều gian khó

Thầy Hoàng Văn Kiếm (sinh năm 1971) hiện là giáo viên dạy học tại điểm trường Khuổi Chặng, trường PTDTBT Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp chuyên ngành Sư phạm tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, thầy Kiếm được phân công dạy học tại trường PTDTBT Tiểu học Yên Lỗ. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, thầy đã tình nguyện xung phong công tác tại địa bàn vùng khó. Đây là điểm trường với 100% học sinh là người dân tộc Nùng với rất nhiều khó khăn.

Thầy Kiếm chia sẻ: Năm đầu tiên khi bước vào giảng dạy, tôi được phân công dạy lớp 1, thời điểm đó, điểm trường chỉ có 35 học sinh với 2 lớp là lớp 1 và lớp 2 trên mỏm đồi.

Lớp học rất đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, bàn ghế học sinh chỉ một tấm ván ngồi tạm, lớp học lợp bằng máng từ cây tre và cây mai bổ đôi, xung quanh quây bằng vách nứa, mỗi khi trời mưa to không thể học được, ngoài ra điểm trường còn chưa có sân chơi, xung quanh lớp học là rừng núi hoang vu.

 Điểm trường PTDTBT Tiểu học Yên Lỗ có 100% học sinh là người dân tộc Nùng.

Điểm trường PTDTBT Tiểu học Yên Lỗ có 100% học sinh là người dân tộc Nùng.

Tuy nhiên, để duy trì điểm trường là nơi để con em đồng bào đi học, thầy Kiếm đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường, cán bộ ủy ban xã và phối hợp với cán bộ của 2 thôn Khuổi Chặng và thôn Khuổi Cọ lên kế hoạch, mở rộng thêm 1 lớp để các em lớp 1 và lớp 2 học tiếp lên lớp 3. Đến năm 1994, điểm trường tiếp tục mở rộng quy mô, mở lớp 4 và đến năm 1995 mở thêm lớp 5. Từ đó điểm trường có đủ lớp học với tổng số học sinh mỗi năm một tăng.

Mặc dù đã giải quyết được bài toán về quy mô lớp học, tuy nhiên khó khăn vẫn đó khi các em học sinh và giáo viên để đến được điểm trường thì cần phải di chuyển bằng bè mảng để qua sông.

Thầy Kiếm chia sẻ: Quãng đường di chuyển đến điểm trường của các em học sinh khoảng 4 – 5km, đặc biệt trong những ngày mưa lũ, nước sông dâng cao, nhiều em không thể về nhà vì rất nguy hiểm.

Những ngày như vậy, thầy cô cũng bố trí, sắp xếp lớp học để các em nghỉ lại điểm trường, ngủ nhờ nhà dân ngoài ra tôi cùng các thầy cô còn phải nấu mì cho các em ăn. Chính điều đó đã khiến phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con đến trường.

Không chỉ quan tâm, chăm lo cho các em học sinh, các thầy cô tại điểm trường còn làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp. Thầy Kiếm bộc bạch: Do hoàn cảnh gia đình của các em ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, đường đi lại xa, vất vả nhiều học sinh phải bỏ học. Chính vì vậy, tôi đã cùng các thầy cô dành nhiều thời gian, công sức đến từng nhà để vận động phụ huynh học sinh đến trường học.

Tất cả vì học trò thân yêu

“Với chúng tôi, vận động học sinh ra lớp là công việc, trách nhiệm của người giáo viên. Không có học sinh đến lớp thì chúng tôi không thể đứng lớp được. Vì thế, bằng mọi cách, chúng tôi phải vận động học sinh ra lớp học duy trì tỷ lệ chuyên cần. Với các em thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, chúng tôi vận động phụ huynh; hỗ trợ học sinh về đồ dùng học tập và cả những bữa ăn sáng, trưa. Vẫn biết sự nghiệp “trồng người” còn dài và gian nan vất vả nhưng vì học sinh thân yêu, tình yêu với nghề, chúng tôi sẽ vượt qua” - Thầy Kiếm chia sẻ thêm.

Chính nhờ sự quan tâm, động viên cùng với tinh thần nhiệt huyết, cố gắng vì mục tiêu chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng khó của thầy Kiếm và các thầy cô, những năm học qua học sinh trong 2 thôn không có em nào bỏ học.

 Thầy Kiếm không chỉ quan tâm dạy học mà còn chăm lo cho học sinh.

Thầy Kiếm không chỉ quan tâm dạy học mà còn chăm lo cho học sinh.

Năm 2022 được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thiện nguyện, điểm trường đã được xây dựng khang trang hơn với đầy đủ lớp học, bàn ghế và nhà ăn bán trú cho học sinh.

Thầy Kiếm cho biết: Mong mỏi của các thầy cô đang công tác tại điểm trường đó là tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất để học sinh miền núi được tiếp cận công nghệ thông tin, từ đó việc học tập đạt hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, thầy cô và các em học sinh còn mong muốn được đầu tư, xây dựng một cây cầu qua sông để học sinh 2 thôn đi học thuận lợi hơn.

Với sự nỗ lực cống hiến bền bỉ, thầy Kiếm đã được Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn tặng giấy khen và Bộ Giáo dục & Đào tạo Tặng bằng khen.

Thầy Lâm Văn Vản - Phó Hiệu trưởng trường PT DTBT Tiểu học Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn nhận định: Kết quả công tác vận động học sinh ra lớp của thầy Kiếm và các thầy cô ở điểm trường đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ về lĩnh vực giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ở điểm trường nói riêng và trường PTDTBTTH Yên Lỗ nói chung. Đồng thời, sự quan tâm, chăm lo cho học sinh của thầy đã giúp phụ huynh và các em học sinh có thêm động lực để tiếp tục con đường đến trường, chinh phục ước mơ.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-giao-o-lang-son-vuot-kho-bam-ban-day-tro-ngheo-post728017.html