Công tác khuyến học, khuyến tài luôn được quan tâm

Sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị (1/7/1989), 12 năm sau vào ngày 25/12/2001, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị được thành lập nhằm chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh. Trong suốt hơn 18 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo góp phần thúc đẩy sự phát triển KT- XH của địa phương...

 Hội Khuyến học tỉnh thăm, tặng quà cho cháu học sinh mầm non tại huyện đảo Cồn Cỏ

Hội Khuyến học tỉnh thăm, tặng quà cho cháu học sinh mầm non tại huyện đảo Cồn Cỏ

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết: “Trong những năm qua việc triển khai xây dựng các hoạt động khuyến học, khuyến tài hướng đến xây dựng một xã hội học tập luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của Đảng bộ, chính quyền tỉnh cùng sự chung tay vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ các cấp cơ sở cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn đã làm cho công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển. Hiện nay, Hội Khuyến học tỉnh đã làm tốt việc đưa các văn bản, chính sách của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác khuyến học lan tỏa đến tận nhân dân và đi vào đời sống. Đặc biệt, các hoạt động khuyến học, khuyến tài đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà”.

Khi mới thành lập, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn chồng chất và lúc đó mới có 9/9 huyện, thị xã thành lập hội. Đến cuối nhiệm kì của Đại hội lần thứ I (2008) toàn tỉnh có 119/136 xã, phường, thị trấn thành lập Hội Khuyến học. Hiện nay, sau 18 năm thành lập, toàn tỉnh có 3.582 tổ chức hội khuyến học với 192.337 hội viên, chiếm tỉ lệ 30,97% so với dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 347 chi hội khuyến học ở làng, bản, khu phố và ở 244 trường học, 187 dòng họ có Ban khuyến học với hơn 58.000 hội viên; 10/10 huyện, thị xã, thành phố, 141 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội. Hiện nay công tác khuyến học, khuyến tài đã phủ kín khắp toàn tỉnh và hoạt động đi vào có nền nếp, chiều sâu.

Thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh đã thực hiện tốt Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 448 của Hội Khuyến học Việt Nam và Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài. Tính đến đầu năm 2019, việc đăng kí các mô hình: “Gia đình học tập” đạt tỉ lệ 62,03%; “Dòng họ học tập” đạt tỉ lệ 52,16%; “Cộng đồng học tập cấp cơ sở” đạt tỉ lệ 72,58%; mô hình “Đơn vị học tập cấp cơ sở do chính quyền cấp xã quản lí”, “Đơn vị học tập cấp xã” chiếm tỉ lệ 73,32%. Công tác xóa mù chữ cho người trong độ tuổi 15-60 đạt tỉ lệ 94,93% và số người trong độ tuổi từ 15-35 là 97,5%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt tỉ lệ trên 93%. Nhìn chung, các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập cấp xã” đều vượt mức từ 10 - 30 % so với chỉ tiêu của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đề ra. Các Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập (BCĐ XDXHHT) cấp huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, các chi hội khuyến học, ban khuyến học ở cấp cơ sở đều có sự chuyển biến về chất lượng. Chính điều này đã tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các BCĐ XDXHHT, tổ chức hội cơ sở với BCĐ XDXHHT tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh để chung tay xây dựng xã hội học tập vững mạnh.

Trong quá trình xây dựng xã hội học tập, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã góp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao dân trí cho người dân, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo. Toàn tỉnh có 1.097 TTHTCĐ, thời gian qua, các TTHTCĐ đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, trung tâm dạy nghề trên toàn tỉnh mở hàng nghìn lớp tập huấn, dạy nghề cho hàng triệu lượt người. Trước khi mở các lớp tập huấn, các TTHTCĐ thường khảo sát trước nhu cầu học tập của người dân để chủ động tổ chức các lớp học. Các nội dung được đưa vào tập huấn luôn đa dạng nhưng chủ yếu là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, làm chổi đót, tin học, may mặc công nghiệp, tìm hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các lớp tập huấn tại TTHTCĐ đã thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó có rất nhiều người dân lớn tuổi và lứa tuổi thanh niên. Các lớp tập huấn tại TTHTCĐ đã góp phần giúp nhân dân trong việc đào tạo nghề, nâng cao dân trí, nắm vững các tiến bộ khoa học kĩ thuật để áp dụng vào sản xuất. Sau các lớp tập huấn, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình trang trại, gia trại, xưởng nghề, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Từ khi tỉnh Quảng Trị bắt tay xây dựng nông thôn mới, Hội Khuyến học tỉnh đã chủ động triển khai lồng ghép các mô hình khuyến học, khuyến tài gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng khó. Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội khuyến học cơ sở đã bám sát 4 nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện và đem lại hiệu quả cao như: Vận động xây dựng điểm trường mới (tiêu chí trường học), xây nhà ở cho người nghèo, hội viên khó khăn về nhà ở (tiêu chí nhà ở dân cư); giúp mọi người dân nâng cao dân trí thông qua việc học tập suốt đời; các trung tâm học tập cộng đồng giúp người dân ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề để xóa đói giảm nghèo; hoạt động khuyến học, khuyến tài thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực. Những hoạt động này đều góp phần hoàn thiện tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, văn hóa và tiếp cận pháp luật.

Quảng Trị là tỉnh phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thường xuyên chịu sự tác động của thiên tai, nhất là bão lụt nên đời sống nhân dân ở một số vùng chưa ổn định, tỉ lệ hộ nghèo còn cao vì thế việc học tập của con em trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, Hội Khuyến học tỉnh đã chủ động liên kết, phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng quỹ khuyến học nhằm khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên trong học tập.

Thực hiện phương châm “Đa dạng hóa trong huy động; tối ưu hóa trong sử dụng, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả nguồn quỹ khuyến học”, trong 18 năm qua, Quỹ Khuyến học toàn tỉnh huy động được gần 350 tỉ đồng, trong đó Hội Khuyến học tỉnh huy động được trên 60 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp Hội Khuyến học cơ sở đã tổ chức trao học bổng, nhận đỡ đầu cho học sinh nghèo, xây mái ấm khuyến học, khen thưởng, tặng quà, cho 470.920 đối tượng, trong đó Hội khuyến học tỉnh trao cho 28.634 đối tượng. Những món quà này đã kịp thời giúp những học sinh, sinh viên nghèo tiếp tục vươn lên trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều em trong số đó đã quay về góp một phần sức lực của mình để xây dựng quê hương Quảng Trị ngày một giàu đẹp, văn minh...

Vân Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140411