Cổng Trại Bảo An binh, dấu tích lịch sử
Nằm trên tuyến phố thương mại sầm uất bậc nhất Hà Thành, ở giữa hai tòa nhà hiện đại là Nhà hát Hồ Gươm và tòa nhà thuộc Bộ Công an, có một chiếc cổng cổ kính. Mỗi khi đi ngang qua đây, nhiều du khách tò mò và tự đặt ra một câu hỏi: vì sao ở giữa những tòa nhà mang xu hướng thiết kế hiện đại lại có một kiến trúc cổ kính như thế?
Kiến trúc cổ kính ấy có tên gọi là Cổng trại Bảo An binh. Và vì sao chiếc cổng cổ kính nhỏ bé ấy lại được lưu giữ đến tận bây giờ ? Bởi đó là một chứng nhân lịch sử hơn trăm năm tuổi, từng chứng kiến những bước ngoặt lịch sử của thủ đô, mốc son chói lọi trong cuộc chiến Giải phóng dân tộc. Trong đó có khúc khải hoàn vang lên ngày 10/10/1954 khi cách mạng tiếp quản thủ đô.
Ngược dòng lịch sử, trại Bảo An binh có tiền thân là trại lính khố xanh, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Đó là trại binh của một sắc lính thuộc địa, ban đầu có tên là Garde civile Indigène (dịch là Lực lượng phòng vệ bản xứ) mà dân gian gọi là “lính khố xanh”. Sở dĩ có tên gọi này là để phân biệt với một sắc lính khác có phần trang phục này màu đỏ (lính khố đỏ). “Lính khố xanh” hay “lính khố đỏ” là một phần của lính tập thuộc các đơn vị quân đội bản xứ do người Pháp tổ chức thành lập nhằm phụ trợ cho quân chính quy Pháp trong việc đánh dẹp, bảo vệ an ninh thời Pháp thuộc sau khi chiếm được Nam Kỳ, rồi Bắc Kỳ, nằm trong Quân đoàn bộ binh Bắc Kỳ.
Cạnh trại lính này về phía hồ là một trường nữ sinh đầu tiên mang tên viên Toàn quyền Đông Dương dân sự đầu tiên (Paul Bert), sau đó đổi tên thành Đồng Khánh - tên vị vua đã nhượng đất Hà Nội cho Pháp xây thành phố (1888), nay là Trường Trưng Vương.
Ngoài ra, cổng trại này còn chứng kiến sự thay đổi của khu phố bậc nhất Hà Thành - phố Hàng Bài. Nguồn gốc tên gọi nơi đây là từ trước thời Pháp thuộc, đoạn đầu phố tập trung những nhà sản xuất và kinh doanh các cỗ bài lá như tổ tôm, tam cúc…
Đến thời thuộc địa, người Pháp gọi phố này là rue des Cartes (phố bán thẻ bài). Năm 1945 phố đổi tên thành phố Triệu Quang Phục, từ năm 1949 lấy lại tên đại lộ Đồng Khánh. Sau năm 1954, phố trở lại với tên là phố Hàng Bài.
Do nằm trong khu vực mở rộng đô thị trung tâm Hà Nội của chính quyền thực dân, diện mạo phố Hàng Bài đã thay đổi nhiều vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Vào thời này, chỗ đầu phố trông sang hồ Gươm còn có chợ gọi là chợ Mới hoặc chợ Hàng Bài. Sau đó, nghề làm bài lá rời khỏi phố, nhường chỗ cho các công sở và hãng buôn lớn của Pháp. Ở đầu phố, chợ Hàng Bài nhường chỗ cho hãng buôn tạp hóa lớn nhất Hà Nội là “Liên hợp thương mại Đông Dương” (L’Union commercial indochinoise) mà dân chúng gọi là “hiệu Gô-đa”, nay là tòa nhà Tràng Tiền Plaza.
Đối diện trại Bảo An binh là rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám, 45 Hàng Bài) là một trong những rạp phim sang trọng nhất Hà Nội thời thuộc địa. Vào những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến 1946, phố Hàng Bài là một chiến trường khốc liệt, và rạp Majestic là nơi diễn ra trận tử chiến giữa Vệ quốc đoàn với một đơn vị lính Lê Dương đóng giữ nơi đây. Ngoài ra, đây cũng là nơi đại diện Việt Minh đã đến gặp viên chỉ huy Nhật để điều đình.
Vào thập niên 1990, đầu 2000, con phố này từng được coi là trung tâm băng đĩa của Hà Nội với sự hiện diện của rất nhiều cửa hàng băng đĩa. Hiện giờ vẫn có thể thấy các quầy bán băng đĩa trên hè phố.
Trại Bảo An được một kiến trúc sư người Pháp tên là Henri Vidieu thiết kế vào cuối thế kỉ 19. Kiến trúc sư này từng thiết kế các kiến trúc nổi tiếng như Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Tòa thượng thẩm, Hỏa Lò… cho đến nay vẫn còn hiện hữu ở Hà Nội. Kiến trúc của cổng trại là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Nhìn từ xa, chiếc cổng nhỏ bé trông như tam quan chùa bản địa, với các đường nét đậm chất Á Đông. Khi lại gần, dòng tên tiếng Tây "Garde Indigenne" lại khiến cổng trại càng thêm phần nổi bật.
Theo các tài liệu còn lưu lại, trại lính nằm trên diện tích rộng, từng là đồn trú của hơn 1.000 lính, nhưng đến nay chỉ còn dấu tích của cánh cổng nhỏ.
Kiến trúc của công trình này nhỏ, nhưng rất đẹp. Có lẽ, đó cũng là quan điểm của tác giả thiết kế dành cho người bản xứ, trong khi các công trình như đã kể trên được kiến trúc sư Henri Vidieu thiết kế đều rất hoành tráng và đậm tính kinh điển của kiến trúc châu Âu. Những tấm ảnh còn lưu lại cho thấy chiếc cổng mang phong cách Á Đông gắn với một công trình kiến trúc thuộc địa đầu thế kỷ XX nhưng lại rất hài hòa.
Theo thời gian, cổng Trại An Binh xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi tham vấn giới chuyên gia, Bộ Công an và Hà Nội đã quyết định tu bổ, tôn tạo lại di tích lịch sử này sao cho giống nhất với hiện trạng cổng năm 1945.
Công trình được tôn tạo tỉ mỉ với sự tham gia của các thợ thủ công lành nghề. Các kỹ thuật và vật liệu được sử dụng trong kiến trúc đều là vật liệu truyền thống. Từng đường nét, hoa văn được đắp họa chi tiết, tinh xảo. Toàn bộ phần cổng được sơn lại nhưng vẫn giữ màu sắc xưa cũ, không làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa vốn có.
Có thể thấy, việc trùng tu cổng trại Bảo An Binh đã thành công. Đứng từ xa, người dân có thể chiêm ngưỡng các hoa văn, hình khối một cách rõ nét. Phần sơn đỏ tại cổng trại được lựa chọn phù hợp với tính chất một địa điểm di tích. Ngoài ra, các thợ thủ công đã vẽ tay đường vân màu trắng khiến vòm trại giống như những khối gạch đỏ xếp chồng lên nhau. Ở phía bên trái cổng trại có bậc thang dẫn lên tầng tháp thứ hai. Tầng tháp này chính là nơi binh lính trực gác, quan sát.
Việc trùng tu cổng Trại Bảo An Binh đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm bảo tồn các giá trị lịch sử của thành phố Hà Nội. Thể hiện sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngay tại cổng trại là tấm bia với dòng chữ đầy xúc động: "Nơi đây (Năm 1945 là Trại Bảo An Binh), ngày 19/8/1945 lực lượng cách mạng đã tước vũ khí của địch và chiếm lĩnh vị trí này". Và đến bây giờ, cổng Trại Bảo An Binh đã trở thành một địa điểm du lịch khiến du khách dừng chân ghé thăm.
Có thể nói, ngoài vai trò là một công sở quân sự được chính quyền thuộc địa xây dựng gần như cùng lúc với thời điểm thành lập thành phố Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, trại Bảo An Binh cũng là chứng nhân quan trọng, gắn với lịch sử Việt Nam hiện đại, cũng như lịch sử Hà Nội trong cuộc cách mạng tháng Tám của dân tộc và ngày giải phóng thủ đô. Việc bảo tồn những dấu tích kiến trúc cũ khi xây dựng những công trình hiện đại để tạo sự kết nối với lịch sử đô thị không phải là điều ít gặp trên thế giới. Nhưng với trường hợp của Cổng trại Bảo An Binh, câu chuyện còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế, khi một di tích lịch sử cách mạng được bảo tồn cạnh một nhà hát hiện đại vừa xây dựng, tạo nên sự kết nối đặc biệt và bình đẳng trong một quần thể không gian văn hóa…
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cong-trai-bao-an-binh-dau-tich-lich-su-196965.htm