Công trình công nghiệp xanh Việt Nam đang tăng mạnh
Số lượng công trình đạt chứng nhận xanh của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng đột phá trong năm qua, gấp đôi so với năm 2023. Bên cạnh chung cư xanh, điểm đáng chú ý là các công trình công nghiệp xanh được ghi nhận tăng trưởng rõ rệt và mạnh mẽ trong 2 năm qua...
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51440515/5418d3cae7840eda5795.jpg)
Ảnh minh họa
Theo báo cáo tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam năm 2024 do hệ thống chứng nhận Edge và Tổ chức tài chính quốc tế IFC, thành viên của Ngân hàng thế giới (World Bank) vừa phát hành, đến nay Việt Nam có 559 công trình được chứng nhận xanh. Con số này vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó (80 công trình xanh năm 2025 và 150 vào năm 2030) tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Việt Nam có 13,579,588 m2 sàn xây dựng đã đạt chứng chỉ Công trình Xanh theo các chứng chỉ phổ biến như EDGE, LEED, và Green Mark. Việt Nam cũng có 31.384 căn hộ và 3.234 nhà ở riêng lẻ đạt chứng nhận Xanh.
SỐ LƯỢNG CÔNG TRÌNH ĐẠT CHỨNG NHẬN XANH TĂNG GẤP ĐÔI
Trong số đó, Chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies), chiếm tỷ lệ lớn nhất (41,80%) tổng số lượng công trình xanh, có 258 dự án, chiếm với 5.687.647 m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận.
Tiếp đó là Chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) có 208 dự án, chiếm 39,48% tổng số lượng công trình xanh, với 5.354.195 m2 sàn xây dựng đạt chứng nhận. Chứng nhận Green Mark chiếm 14,18% tổng số công trình xanh.
Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của công trình xanh tại Việt Nam, với 163 công trình, gấp hơn 2 lần so với năm 2023, và gấp 3 lần so với năm 2022 (có 54 công trình).
Qua thống kê cho thấy, số lượng công trình đạt chứng nhận xanh ở Việt Nam trong 14 năm qua liên tục tăng. Nếu như những năm 2010, 2011, mỗi năm chỉ có 1 công trình được chứng nhận thì đến năm 2012, con số này đã tăng lên 20 công trình. Số lượng công trình đạt chứng nhận xanh tiếp tục tăng mạnh từ năm 2017 (có 26 công trình), thêm 58 công trình vào năm 2020 và tăng thêm 76 công trình vào năm 2023.
![Số lượng công trình đạt chứng nhận xanh ở Việt Nam trong 14 năm qua liên tục tăng mạnh. (Ảnh minh họa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51440515/4754c686f2c81b9642d9.jpg)
Số lượng công trình đạt chứng nhận xanh ở Việt Nam trong 14 năm qua liên tục tăng mạnh. (Ảnh minh họa).
Cũng theo báo cáo này, 10 địa phương có nhiều diện tích sàn đạt chứng nhận xanh nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Đồng Nai, Hà Nam, Long An và Bình Định.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích sàn đạt chứng nhận xanh cao nhất, với 3,406,387 m2, tiếp đó là Hà Nội với 2,161,328 m2, và Bình Dương với 1,589,517 m2 sàn xây dựng. Bắc Ninh và Hải Phòng xếp thứ 4 và 5 với diện tích sàn đạt chứng nhận xanh là 848.249 m2 và 844.632 m2.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51440515/a0ff222d1663ff3da672.jpg)
Từ thực tế tăng trưởng của loại hình nhà ở xanh cho thấy, đa phần đều thuộc nhóm chung cư xanh (chiếm hơn 80% tổng diện tích sàn nhà ở xanh đạt chứng nhận), loại hình nhà ở thấp tầng xanh chiếm 20% tổng diện tích sàn nhà ở xanh đạt chứng nhận.
Điểm rõ nhất là sự góp mặt của nhóm nhà ở thấp tầng xanh trong khoảng 3 năm gần đây (từ 2022- 2024), trong khi loại hình chung cư xanh vẫn đóng góp vào tăng trưởng hàng năm của thị trường nhưng đang có dấu hiệu giảm trong khoảng 4 năm trở lại đây do các tác động tiêu cực và ảnh hưởng chung lên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, tình trạng này đang trên đà phục hồi khi năm 2024 ghi nhận lượng diện tích sàn chung cư xanh xấp xỉ mức đỉnh của năm 2019 và 2020.
CÔNG TRÌNH CÔNG NGHIỆP XANH TĂNG MẠNH TRONG 2 NĂM QUA
Điểm đáng chú ý là các công trình công nghiệp xanh được ghi nhận tăng trưởng rõ rệt và mạnh mẽ trong 2 năm qua (2023, 2024) khi đặc biệt có sự tham gia của loại hình nhà kho xanh (warehouse), song song với sự phát triển đều của mảng nhà máy (Industrial Factory).
Trong năm nay, mảng công nghiệp xanh (bao gồm nhà máy, nhà kho, và nhà xưởng) chiếm đến 56.45%, theo sau là mảng văn phòng xanh (chiếm 15.61%) và mảng chung cư xanh (chiếm 14.15%).
Theo phân tích của chuyên gia nghiên cứu, việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, mở rộng sản xuất và kho vận tại Việt Nam là lý do chính cho việc các công trình công nghiệp xanh tăng trưởng mạnh.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51440515/06518583b1cd589301dc.jpg)
Với loại hình văn phòng xanh, năm 2024 với quy mô dự án văn phòng đạt chứng nhận xanh nhiều nhất từ trước đến nay. Loại hình bán lẻ đặc biệt gây được sự chú ý khi bắt đầu có đóng góp tương đối trong khoảng năm 2022-2024, khi các chuỗi bán lẻ đang tìm cách xanh hóa các dự án của mình. Điều này tương tự như loại hình công trình giáo dục, khi bắt đầu có sự gia tăng của các dự án trường học xanh, đại học xanh tại Việt Nam tiếp cận các chứng nhận công trình xanh.
Loại hình công trình lưu trú, nghỉ dưỡng xanh vẫn giữ mức tăng ổn định và đều trong 4 năm qua, sau năm 2020 đã lập đỉnh.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ rõ trong năm 2024 đó là việc triển khai Chỉ số Chống chịu thiên tai cho công trình (BRI) tại Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, thu hút sự chú ý từ các bên liên quan trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Sáng kiến này đã thành công trong việc thẩm định tổng cộng 343.911 m2 của năm dự án, bao gồm khi nghỉ dưỡng, nhà máy, cơ sở giáo dục và cảng biển.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_3_51440515/7245fe97cad923877ac8.jpg)
Một thành tựu quan trọng đó là mức tổn thất tối đa có thể (PML) được tính toán 222 triệu USD khẳng định tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chống chịu thiên tai. Sự thành công của BRI qua việc có 8 nhà phát triển đã, đang và sắp áp dụng các biện pháp chống chịu vào dự án của mình.
Theo các chuyên gia, khi Việt Nam tiếp tục đô thị hóa, chỉ số BRI sẽ thúc đẩy các thực hành xây dựng bền vững, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai. Điều này sẽ định vị Việt Nam là thị trường tích cực trong việc lập kế hoạch chống chịu, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính hỗ trợ các dự án bền vững, liên quan đến khí hậu.
Theo Nghị định 15 năm 2021, công trình xanh được quy định từ thiết kế, xây dựng đến vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo chất lượng môi trường sống và bảo vệ môi trường.
Các dự án xanh sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm 74,3 triệu tấn CO2 đến năm 2030 theo cam kết trong Đóng góp tự quyết định (NDC) của Việt Nam với ngành xây dựng, tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để được công nhận là công trình xanh, ngoài các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng.
Theo tính toán, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ. Nhờ vậy, công trình xanh của chung cư còn giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác...
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-trinh-cong-nghiep-xanh-viet-nam-dang-tang-manh.htm