Công trình đại thủy nông và nỗi lo mùa lũ - Bài 2: Băn khoăn trước 'lá chắn' cao tốc

Cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có chiều dài 30,5 km. Tuyến đường huyết mạch này chạy song song hồ Kẻ Gỗ như một bờ đê bao 'chắn ngang' dòng nước từ thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ chảy về hạ du, khiến các hộ dân trong vùng lo lắng ngập lụt khi mùa mưa bão đang cận kề.

Hàng vạn hộ dân “lọt thỏm” giữa 2 đại công trình cao tốc Bắc - Nam và hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Hàng vạn hộ dân “lọt thỏm” giữa 2 đại công trình cao tốc Bắc - Nam và hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Con đê “khủng” phía dưới hồ Kẻ Gỗ

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên có chiều dài 30,5 km. Trong đó, tuyến chính cao tốc có chiều dài 27,03 km (đi qua địa bàn 8 xã: Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc, Cẩm Minh).

Toàn huyện có 1.942 hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải phóng mặt bằng do cao tốc Bắc - Nam đi qua. Ngoài ra, có 4 tổ chức bị ảnh hưởng đất, tài sản trên đất; 3 nhà thờ họ, 1 nhà từ đường và 315 ngôi mộ phải giải phóng mặt bằng. Trên địa bàn phải di dời 6 cột điện và 1.227 m đường dây 220 KV; 169 cột và 10.773 m đường dây 110 KV, 35 KV và hạ thế; 107 cột viễn thông và 23.000m đường dây. Tổng diện tích phải thu hồi giải phóng mặt bằng dự án là 230,8 ha. Để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, huyện Cẩm Xuyên đã bố trí 10 khu quy hoạch tái định cư với 167 lô đất, tổng diện tích đất ở là 5,1 ha.

Không chỉ phải nhường đất cho dự án mà người dân huyện Cẩm Xuyên còn lo lắng, bất an khi lọt thỏm giữa 2 đại công trình. Dự án cao tốc Bắc - Nam cắt ngang địa bàn 8 xã ở huyện Cẩm Xuyên, chạy song song hồ Kẻ Gỗ, điều đó đồng nghĩa với hàng chục nghìn hộ dân ở phía Nam tuyến cao tốc này đang ngày đêm lo lắng sẽ bị nhấn chìm nếu như mưa lũ như trước đây.

Xã Cẩm Duệ là một trong những xã thấp trũng nhất huyện Cẩm Xuyên, trận lũ năm 2020, xã này bị lũ nhấn chìm sâu nhất, thiệt hại nhiều nhất. Ông Lê Công Khiêm - trưởng thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cho biết: Trận lũ năm 2020 nhà của tôi đã ngập hơn 1m, giờ có cao tốc Bắc - Nam đi qua, chắn ngang như thế, nếu mưa lớn, cộng với hồ Kẻ Gỗ xả lũ như năm 2020 thì nhà tôi chắc chắn ngập cao hơn nhiều. Cũng vì cao tốc đi qua mà thời gian này, 200 hộ dân trong thôn hết sức lo lắng nếu như lũ lụt xảy ra.

Theo ông Khiêm, cao tốc qua thôn Trần Phú còn có cầu chui và cống tiêu thoát lũ ở đồng ruộng nhưng những thôn khác như Phú Thượng không hề có điểm tiêu thoát lũ nào nên nguy cơ ngập lụt ở đó sẽ nguy hiểm hơn Trần Phú.

Ông Lê Đình Thuyết - trưởng thôn Phú Thượng, xã Cẩm Duệ chia sẻ: Thôn không có cống chui, không có điểm thoát nước ở cao tốc nên người dân trong thôn thấp thỏm lo âu, nếu mưa lũ như những trận lũ lịch sử trước đây thì việc thoát nước lũ gặp rất nhiều khó khăn. Lũ lụt cao hơn là điều khó tránh khỏi. Rất cần cơ quan chức năng quan tâm, có giải pháp để người dân vơi bớt lo âu.

Địa phương lên tiếng

Ông Phạm Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, việc người dân, địa phương lo ngại lũ lụt phức tạp hơn sau khi có cao tốc đi qua là có cơ sở bởi khi chưa có cao tốc, huyện Cẩm Xuyên đã bị ngập lụt nghiêm trọng, nhất là những năm 2010 và 2020. Từ năm 2022 đến nay, hầu hết 8 xã có cao tốc đi qua đều có ý kiến đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công điều chỉnh thiết kế dự án, giúp việc tiêu thoát lũ tốt hơn. Từ kiến nghị của người dân và 8 xã trên địa bàn, huyện đã tổng hợp, soát xét và nhiều lần gửi văn bản cho Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Thăng Long, UBND tỉnh…

Cụ thể, tại Văn bản số 1643 ngày 17/6/2022, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Giao thông vận tải tỉnh, Ban Quản lý dự án Thăng Long về việc “tính toán cụ thể các cầu cạn thoát lũ thuộc vùng hạ du Kẻ Gỗ (đoạn từ Km520+732 đến Km528+285) để tránh trường hợp ngập úng vùng hạ du phía Nam đường cao tốc khi đường xây dựng xong; tính toán cụ thể và có phương án xử lý việc ảnh hưởng các khu vực hạ lưu có cầu cạn, cống chui khi có nước lũ lớn, xả lũ hồ Kẻ Gỗ”.

Tại Văn bản số 1716 ngày 25/5/2023, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh đề nghị: Địa bàn xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ và Cẩm Quan là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt vì nằm ở vị trí xả lũ của hạ lưu hồ Kẻ Gỗ. Để đảm bảo an toàn cho người dân về mùa mưa lũ, đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế xem xét điều chỉnh bổ sung thêm cầu, cống thoát lũ, đồng thời tăng khẩu độ cầu, cống thoát lũ trong khu vực các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ và Cẩm Quan để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực về mùa mưa lũ.

Cũng tại văn bản này, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục đề xuất: Tuyến đường cứu hộ cứu nạn đập chứa nước Thượng Tuy (xã Cẩm Thịnh) được UBND huyện phê duyệt quy hoạch có quy mô Bn=9m và Bm=7m và đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn của huyện Cẩm Xuyên giai đoạn 2021 – 2025. UBND huyện Cẩm Xuyên đã đề nghị điều chỉnh khẩu độ cống chui dân sinh tại Km537+559 từ BxH = 5x3,5 lên thành BxH = 9x4,5 tại Văn bản số 1643/UBND-KT&HT ngày 17/6/2022.

Tuy nhiên, nội dung này chưa được chủ đầu tư cập nhật vào hồ sơ thiết kế. Đây là tuyến đường rất quan trọng, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho đập chứa nước Thượng Tuy. Vì vậy, để phù hợp với quy mô và tính chất quan trọng của tuyến đường, đề nghị chủ đầu tư xem xét điều chỉnh quy mô cống chui dân sinh và tuyến đường gom nối cống chui với tuyến đường nêu trên theo đề nghị của địa phương.

“Đề nghị bố trí cống thoát nước bằng bê tông cốt thép kích thước BxH= 3x3m hoặc cống đôi 2xBxH = 2x2x2m tại Km 546+440. Đây là vị trí thấp trũng nhất, là vị trí để thoát nước của vùng ruộng và dân cư thôn 2 và thôn 3 xã Cẩm Minh. Tuy nhiên dự án chỉ bố trí cống tròn qua đường chưa đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực về mùa mưa lũ. Đề nghị bổ sung tuyến mương tiêu thoát nước từ hạ lưu cống thoát nước tại lý trình Km547+629.29 và Km547+552.66 về tuyến mương hiện trạng thoát nước tại lý trình Km547+520” - Văn bản số 1716/UBND-KT&HT nêu rõ.

Ngoài ra, trước lo lắng của người dân, đề xuất của 8 xã có cao tốc đi qua, huyện Cẩm Xuyên còn đề xuất nhiều cống chui dân sinh, tăng khẩu độ cầu, cống… để vừa thuận tiện việc đi lại cho người dân, vừa đảm bảo tiêu thoát lũ phù hợp với đỉnh lũ năm 2020.

Các đơn vị liên quan đã tiếp nhận kiến nghị của UBND huyện Cẩm Xuyên và tiến hành họp bàn, thảo luận, tìm phương án tháo gỡ bất cập và lo ngại của người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ.

(Còn nữa)

HẠNH NGUYÊN - CẨM KỲ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cong-trinh-dai-thuy-nong-va-noi-lo-mua-lu-bai-2-ban-khoan-truoc-la-chan-cao-toc-10291578.html