Công ty bầu Đức tiếp tục chìm trong thua lỗ

Cùng với chi phí vận chuyển, chi phí lãi vay cao là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ trong quý II và nửa đầu năm 2020.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II đạt 647 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, giá vốn tăng cao hơn doanh thu khiến biên lãi gộp trong quý sụt giảm, chỉ thu về 125 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm tương ứng 18%.

Số lợi nhuận gộp này cùng với hơn 267 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính không đủ bù đắp các chi phí phát sinh (lãi vay, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp) khiến công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) lỗ thuần 94 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Lỗ thêm 132 tỷ đồng sau nửa năm

Sau khi hợp nhất cùng một số hoạt động kinh doanh khác, HAGL ghi nhận khoản lỗ 62 tỷ đồng trước thuế trong quý II. Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng âm gần 65 tỷ đồng.

Khoản lỗ trong quý gần nhất cũng nối dài chuỗi thua lỗ của HAGL lên quý thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, so với số lỗ trước và sau thuế cùng kỳ năm 2019, khoản lỗ quý II năm nay chỉ tương đương 1/11.

Tính chung 6 tháng đầu năm, HAGL đạt tổng cộng 1.483 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đó, 82% số thu đến từ mảng trái cây, còn lại là các mảng bán mủ cao su, bán sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ khác.

Dù tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay (-19%), chi phí quản lý doanh nghiệp (-53%), chi phí bán hàng của công ty vẫn tăng 53%. Kết quả, đại gia nông nghiệp phố núi vẫn lỗ trước thuế 130 tỷ đồng sau nửa năm, số này đã giảm 81% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập là âm 132 tỷ, lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ là 48 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2019 trước đó, HAGL phát sinh khoản lỗ lớn chủ yếu do phát sinh chi phí đánh giá lại các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh đầu tư vườn cây cao su, cọ dầu do chuyển đổi mục đích trồng cây ăn trái. Nửa đầu năm nay do không phát sinh chi phí này nên hoạt động kinh doanh của công ty có phần tích cực hơn trên báo cáo tài chính.

Ai là chủ nợ lớn nhất của HAGL?

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản cân đối nguồn vốn của HAGL đạt khoảng 40.300 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả chiếm trên 60%, tương đương 24.340 tỷ.

Cũng trong nửa năm qua, vay và nợ thuê tài chính của doanh nghiệp này đã tăng gần 3.200 tỷ, lên mức 17.900 tỷ đồng. Chính khoản nợ vay hàng chục nghìn tỷ này khiến mỗi năm HAGL đều phải chi ra hàng nghìn tỷ chỉ để trả tiền lãi.

Nửa năm vừa qua, tập đoàn này cũng phải chi gần 556 tỷ đồng chỉ để trả lãi vay, tương đương mức bình quân gần 3,1 tỷ mỗi ngày.

Theo đại diện doanh nghiệp, cũng chính chi phí lãi vay và chi phí vận chuyển cao trong kỳ khiến công ty ghi nhận khoản lỗ trong quý II và nửa đầu năm 2020.

Cơ cấu nợ vay của HAGL chủ yếu bao gồm 3 nhóm vay ngân hàng, vay qua trái phiếu và vay tổ chức, cá nhân khác.

Trong đó, vay ngân hàng hiện chiếm khoảng 5.271 tỷ đồng, chủ nợ lớn nhất là BIDV với dư nợ cho vay hơn 1.700 tỷ tại thời điểm cuối tháng 6. Xếp sau là các nhà băng HDBank cho vay 1.092 tỷ; Ngân hàng Lào Việt cho vay 1.052 tỷ; Sacombank cho vay 752 tỷ; TPBank cho vay 675 tỷ…

Các khoản vay qua trái phiếu hiện ở mức 7.365 tỷ đồng. Trái chủ lớn nhất là BIDV và Công ty CP Chứng khoán BIDV với tổng số trái phiếu đã thu xếp phát hành là 5.876 tỷ.

Riêng với các khoản vay tổ chức, cá nhân khác, tổng giá trị nợ vay của HAGL đến cuối quý II là 5.238 tỷ đồng, Công ty CP Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi, công ty con của Thaco là chủ nợ lớn nhất với khoản vay 2.750 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) cũng đang cho HAGL vay gần 1.770 tỷ đồng dài hạn sau khi đã tất toán khoản vay 900 tỷ ngắn hạn nửa đầu năm nay.

Một số tổ chức, cá nhân khác cũng đang cho HAGL vay hàng trăm tỷ đồng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-bau-duc-tiep-tuc-chim-trong-thua-lo-post1113749.html