'Công ty ma' và lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp - Bài cuối: Cần 'tấm lưới chắn' đủ mạnh
Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi là yếu tố then chốt để duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) chân chính phát triển. Dù pháp luật đã trao cơ hội để người dân khởi nghiệp, nhưng việc thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ là điều cần thiết. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, rất cần sự mạnh tay, áp dụng các chế tài mạnh mẽ để răn đe, bảo vệ môi trường kinh doanh và tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.
Hệ lụy của "công ty ma”
Với tổng số 1.848 DN bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2018-2023 là con số thống kê không hề nhỏ của ngành thuế. Trong đó, các năm 2018-2022 chỉ dao động 236-291 DN bị đề nghị thu hồi; nhiều nhất là năm 2023, với 441 DN.
Cũng trong khoảng thời gian này (từ năm 2018-2023), qua thống kê của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, tổng số DN đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh khoảng 1.700 DN. Với số liệu này cho thấy, số DN bị đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm khá nhiều so với tổng số DN thành lập qua các năm.
Theo Cục Thuế tỉnh, đa số DN bị đề nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh là những DN làm ăn thua lỗ, ngưng hoạt động. Trong đó, có nhiều DN vi phạm, gian lận, trốn thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh. Ðiều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Bà T.M.H, giám đốc của một công ty hoạt động lĩnh vực thiết kế, xây dựng tại phường 8, TP Cà Mau, chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy không bình đẳng khi những "công ty ma" có thể trốn tránh nghĩa vụ pháp lý, trong khi chúng tôi luôn tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt. Cần tạo động lực kinh doanh cho các DN chân chính”.
Không chỉ dừng lại ở việc trốn thuế, các "công ty ma” còn thực hiện nhiều chiêu trò lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các đối tác kinh doanh. Ông Trần Thế Trân, một DN chuyên đầu tư tài chính tại Cà Mau, cho biết: “Các "công ty ma" thường sử dụng các hợp đồng giả, thông tin tài chính không minh bạch để lừa đảo các đối tác kinh doanh, sự tồn tại và hoạt động của các "công ty ma" cũng tạo ra sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế và tài chính công cộng. Chúng tạo ra hệ thống giao dịch không minh bạch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế”.
Cần giải pháp mang tính hệ thống
Một trong những biện pháp chính là tăng cường thanh tra, kiểm tra và áp dụng biện pháp chế tài mạnh mẽ đối với các DN với cơ chế “tiền đăng và hậu kiểm”. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như: thuế, công an, quản lý thị trường...
Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, phân tích: “Mặc dù DN tự khai báo khi đăng ký kinh doanh, nhưng không có nghĩa là DN có thể tự do hoạt động theo ý muốn. Nhà nước đã thiết lập các cơ chế quản lý rất chặt chẽ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch. Sự thông thoáng được đề cập ở đây liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và tăng cường quyền tự chủ của DN. Ðồng thời, đặt ra cơ chế tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Do đó, cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm cần xác định cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện, nội dung là gì, cách làm ra sao, để giám sát và đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của DN”.
Nêu ra giải pháp, ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, kiến nghị: “Cần tăng cường nguồn lực cho công tác “hậu kiểm” tương ứng với nguồn lực “tiền đăng” để thực hiện nhiệm vụ hậu kiểm tương xứng. Ðồng thời, Trung ương cần ban hành quy định chế tài đối với các tổ chức, cá nhân thành lập DN đang có hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký DN, thuế, ngành nghề hoạt động kinh doanh... không được thành lập hoặc tham gia thành lập DN mới khi chưa khắc phục hậu quả vi phạm của DN có hành vi vi phạm pháp luật”.
Ðể đối phó với "công ty ma", dưới góc độ ngành thuế, ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng Phòng Thanh tra - Kiểm tra 2, Cục Thuế tỉnh, cho rằng: “Ngành thuế sẽ tổ chức giám sát hồ sơ khai thuế, giám sát sử dụng hóa đơn theo đúng quy trình quản lý thuế, quản lý rủi ro về thuế, về hóa đơn, để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. Ðồng thời, tiến hành thanh tra các DN có quy mô lớn và có dấu hiệu thành lập nhằm mục đích xuất hóa đơn trái phép, trốn thuế; phối hợp với cơ quan công an điều tra làm rõ hành vi vi phạm, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Ðồng thời, tạo lập cơ sở dữ liệu liên thông giữa các ngành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giám sát và phát hiện sớm các trường hợp "công ty ma"".
Ông Phạm Quốc Sử chỉ rõ, để làm tốt biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn "công ty ma" tồn tại, cần nhận diện dấu hiệu bất thường, đó là: "công ty ma" chỉ tồn tại trên giấy tờ, thực tế không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Thông qua trụ sở giao dịch của các công ty cũng là cách giúp chúng ta nhận biết công ty đó có đang hoạt động hay chỉ “núp bóng” để thực hiện các hành vi trục lợi trái pháp luật.
Theo đó, các "công ty ma" thường đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo... nhằm dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan thẩm quyền và bỏ trốn ngay khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, chúng có thể thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn và đặt tại những con hẻm sâu... Thời gian hoạt động của một DN thường khá ngắn, bởi sau khi lừa được một số nạn nhân nhất định thì chúng sẽ bỏ trốn và giải thể công ty. Ngay sau đó, chúng sẽ đến nơi mới và tiếp tục thành lập một DN khác với tên mới, người đại diện pháp luật mới.
Thông thường, các "công ty ma" đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại, hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay các chứng chỉ nghề nghiệp (bất động sản, du lịch). Qua đây, các đối tượng lừa đảo có thể thuận lợi vượt qua sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, có thể thấy mỗi ngành, mỗi góc độ giải pháp khác nhau, song, thiết nghĩ việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan là những giải pháp quan trọng để giải quyết triệt để vấn đề nan giải hiện nay. Chỉ khi tất cả các bên cùng tiếng nói, cùng hành động, cùng thống nhất mới tạo ra “tấm lưới chắn” đủ chắc, để có thể chặn đứng mọi thủ đoạn lừa đảo tinh vi của một bộ phận DN hoạt động phi pháp, góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế nói chung, Cà Mau nói riêng.