COP27: Chuyển đổi năng lượng bền vững quan trọng cho tăng trưởng kinh tế
Tại Hội nghị COP27, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc Mahmoud Mohieldin cho biết việc chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng xanh và bền vững là cần thiết.
Nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Mahmoud Mohieldin, ngày 15/11 cho biết việc chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng xanh và bền vững là cần thiết không chỉ để đạt được tăng trưởng kinh tế mà còn để nâng cao các khía cạnh quan trọng như y tế và giáo dục trong cuộc sống của người dân.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Sharm El-Sheikh, phát biểu của ông Mohieldin được đưa ra tại phiên họp mang tên "Những người thay đổi cuộc chơi thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu" tại COP27. Ông nói rằng thực tế là lĩnh vực chuyển đổi năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài chính khí hậu. Nếu không tính Trung Quốc, các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD hàng năm để tài trợ cho quá trình chuyển đổi ngành năng lượng và cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng cho 600 triệu người châu Phi. Khoản chi này lớn gấp 10 lần số tiền cam kết tại Copenhagen nhằm tài trợ cho hành động khí hậu tại các nước đang phát triển, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 7 trong số 23 quốc gia phát triển đã hoàn thành cam kết của mình.
Ông lưu ý rằng 80% đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong năm ngoái là dành cho năng lượng tái tạo, tuy nhiên, đóng góp của lĩnh vực này vào sản xuất năng lượng toàn cầu không vượt quá 5%, đồng thời cho biết thêm rằng quá trình chuyển đổi ngành năng lượng ở châu Phi đòi hỏi phải có quan hệ đối tác, đầu tư mạnh mẽ nhằm đảm bảo công bằng và huy động đủ tài chính.
Mohieldin tiết lộ rằng "châu Phi có các dự án năng lượng đầy hứa hẹn, vì Ai Cập sở hữu nhà máy năng lượng mặt trời lớn thứ tư trên thế giới, trong khi 6 quốc gia châu Phi đã thành lập một liên minh cho các dự án hydro xanh", và nói thêm rằng Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (GFANZ) sẽ tài trợ cho các dự án khí hậu, trong đó ưu tiên các dự án năng lượng, ở châu Phi và châu Á với số tiền 89 tỷ USD.
Trong một phiên thảo luận về vai trò của xã hội dân sự trong việc đối mặt với biến đổi khí hậu, ông Mohieldin nhấn mạnh rằng việc giải quyết các vấn đề khí hậu đòi hỏi phải xác định vai trò của tất cả các bên liên quan và mọi bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm.
Theo ông, phụ nữ, thanh niên và trẻ em đều góp tiếng nói tại Hội nghị COP27 là bằng chứng của sự tin tưởng và sự cần thiết phải thúc đẩy tất cả các thành phần xã hội tham gia vào hành động khí hậu, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về các vấn đề khí hậu và khả năng đổi mới các giải pháp.
Ông đánh giá cao vai trò quan trọng của xã hội dân sự trong năm sáng kiến bàn tròn khu vực và sáng kiến quốc gia về các dự án xanh thông minh do Ai Cập khởi xướng trong vai trò Chủ tịch COP27, nói rằng điều này thể hiện năng lực của xã hội dân sự trong việc tìm kiếm và thực hiện một hệ thống các dự án đầu tư khí hậu và phát triển có tính khả thi cao.