COP27 thúc đẩy ứng phó với khủng hoảng khí hậu

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập là hội nghị thường niên lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến khí hậu trên hành tinh.

Với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” – COP27 nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể.

COP27 THÚC ĐẨY ỨNG PHÓ VỚI KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU

Diễn ra tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6 đến 18/11, Hội nghị cấp cao lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ dựa trên kết quả của COP26 để đưa ra hành động đối với một loạt vấn đề quan trọng để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Với tư cách Chủ tịch COP27, Ai Cập đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính, bao gồm Tài chính khí hậu, Thích ứng với biến đổi khí hậu, Tổn thất và thiệt hại, và Nâng cao tham vọng hành động khí hậu.

Hội nghị thu hút hơn 2000 diễn giả, hơn 35000 người tham gia bao gồm hơn 100 nguyên thủ quốc gia.

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG BÁO ĐỘNG

COP27 diễn ra trong bối cảnh năm 2022 đã chứng kiến những hiện tượng biến đổi khí hậu dị thường trên khắp thế giới - từ lũ lụt khiến 1/3 diện tích Pakistan ngập trong biển nước, mùa hè nóng nhất châu Âu trong 500 năm cho đến các trận cuồng phong và bão có sức tàn phá khủng khiếp đổ bộ vào Philippines, Cuba và bang Florida, Mỹ. Ít nhất 27,7 triệu trẻ em chịu ảnh hưởng của lũ lụt và các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu xảy ra trong năm 2022 tại 27 nước, ước tính 15.000 người tử vong trên toàn cầu do nắng nóng vào năm 2022.

Theo báo cáo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đưa ra năm 2022, các nhà khoa học ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây là những dấu hiệu cầu cứu từ Trái đất.

Lần đầu tiên, vấn đề "bồi thường khí hậu" được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị COP27. "Bồi thường khí hậu" chỉ việc các quốc gia giàu có, phát thải nhiều có trách nhiệm bồi thường cho các quốc gia đang phát triển, phát thải ít, nhưng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu do vị trí địa lý. Cho đến nay, cam kết của các nước giàu về hỗ trợ tài chính cho vấn đề khí hậu vẫn chưa được đáp ứng và đây vẫn là một vấn đề nan giải.

CÁC NƯỚC NGHÈO ĐÒI BỒI THƯỜNG KHÍ HẬU

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nêu rõ Trái Đất đang ấm lên nhanh hơn khả năng lực hồi phục của các nước đang phát triển. Tài chính quá thiếu thốn đến mức không thể đáp ứng được nhu cầu phục hồi thực tế của những nước đang "đứng mũi chịu sào."

Vào năm 2021, các nước giàu cam kết cung cấp 40 tỷ USD/năm đến năm 2025 để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính con số này chưa đến 1/5 nhu cầu thực tế của các nước đang phát triển.

VẪN CHỈ LÀ NHỮNG CAM KẾT

Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia giàu có, gây ô nhiễm đã phớt lờ lời kêu gọi bù đắp cho những thiệt hại này. Về mặt pháp lý và thực tế, rất khó xác định “tổn thất và thiệt hại” là gì, xác định những gì có thể phải trả và ai sẽ phải trả bao nhiêu.

Đã 12 năm kể từ khi các bên tham gia COP15 cam kết đến năm 2020 cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo hơn. Đến nay, cam kết này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và vẫn thiếu 17 tỷ USD/năm.

Tổng thống Sri Lanka, Ranil Wickremesinghe, cho biết chính phủ các nước phương Tây đã nhanh chóng chi hàng tỷ đô la cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng lại chậm chi tiêu cho biến đổi khí hậu.

Là nhà lãnh đạo duy nhất của một trong những nước phát thải lớn nhất tham dự COP27, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tránh nói về vấn đề đóng góp tài chính, thay vào đó là cam kết nước Mỹ sẽ thực hiện lộ trình giảm khí thải carbon, và cũng đề cập đến gói chi tiêu 369 tỷ USD trong khuôn khổ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đã được Quốc hội Mỹ thông qua và ông ký ban hành để "xanh hóa" nền kinh tế Mỹ.

Trước và sau bài phát biểu của ông Biden, các nhà hoạt động cho biết Mỹ đã không tuân thủ các nghĩa vụ tài chính của mình để giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Một số nhà lãnh đạo EU cũng lên tiếng về trách nhiệm của Mỹ, trong khi châu Âu đã và đang giúp đỡ các nước nghèo hơn.

Chủ tịch COP27 Sameh Shukri cho biết những cuộc thảo luận về tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong chương trình nghị sự của COP27 sẽ không bao gồm "khoản nợ hay bồi thường có ràng buộc" nhưng được kỳ vọng sẽ mở đường cho một quyết định cuối cùng trước cuối năm 2024. Để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả các nước và tiến độ có thể rất chậm chạp.

Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-antonio-quterres