COP27: WHO kêu gọi các nước đẩy nhanh ứng phó với biến đổi khí hậu
Quang cảnh lễ khai mạc COP27 ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN
* Mỹ thừa nhận phải cắt giảm khí thải sâu hơn để đạt mục tiêu khí hậu
Các nước trên thế giới cần ứng phó với biến đổi khí hậu nhanh hơn và rõ ràng hơn bởi những ứng phó hiện nay quá chậm và không nhất quán một cách nguy hiểm.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge ngày 7/11 đã đưa ra lời kêu gọi trên tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.
Phát biểu tại COP27, ông Kluge nêu rõ: "Biến đổi khí hậu và những cuộc khủng hoảng mà nó gây ra từ lâu đã dẫn tới tình trạng khẩn cấp y tế. WHO và các nước đối tác đã lên tiếng báo động (về tình trạng này)".
Ông Kluge kêu gọi những nước tham dự COP27 hành động nhanh chóng hơn và cụ thể hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Kluge, để tránh bị phơi nhiễm và tổn thương trước các đợt nắng nóng, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, các nước cần triển khai gấp các biện pháp thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe của người dân, của xã hội và của hành tinh này.
Ông Kluge nhấn mạnh các vụ cháy rừng thảm khốc ở châu Âu mùa Hè năm ngoái đã thải ra lượng khí thải carbon cao nhất kể từ năm 2007, làm ô nhiễm không khí và cướp đi mạng sống của nhiều người. Ông Kluge cảnh báo nhiệt độ nóng cực đoan đã gây ra tình trạng sốc nhiệt - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở châu Âu.
Dựa trên dữ liệu của từng nước, WHO ước tính số người tử vong trên toàn cầu do nắng nóng lên tới 15.000 người vào năm 2022. Năm ngoái, các hình thái thời tiết cực đoan gây tác động trên quy mô lớn như lũ lụt, bão tố trực tiếp ảnh hưởng tới hơn 500.000 người.
Dẫn báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ông Kluge cho biết châu Âu là khu vực ấm lên tới tốc độ nhanh nhất trên thế giới, với nhiệt độ cực đoan đã cướp đi mạng sống của hơn 148.000 người trong 50 năm qua.
Theo ông Kluge, WHO dự định sử dụng quyền "tập thể của các nước thành viên WTO để đưa vấn đề y tế vào bất kỳ kế hoạch nào ứng phó với biến đổi khí hậu". Ông Kluge nhấn mạnh điều cần làm hiện nay là ngăn không để cuộc khủng hoảng khí hậu tiến triển thành thảm họa khí hậu không thể đảo ngược tại khu vực châu Âu nói riêng và trên cả Trái Đất nói chung.
* Cùng ngày, theo một dự thảo báo cáo của Chính phủ Mỹ được công bố ngày 7/11, nước này cần tăng tốc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức sâu hơn trong ba thập kỷ tới để đạt được các mục tiêu quốc tế nhằm hạn chế những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Dự thảo Đánh giá Khí hậu quốc gia lần thứ 5, được công bố 4 năm một lần theo yêu cầu của Quốc hội, được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo và các chính trị gia trên thế giới đang tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) kéo dài hai tuần tại Ai Cập.
Dự thảo nêu rõ Mỹ là quốc gia có lượng khí phát thải lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nước này đã giảm 12% lượng khí thải trong giai đoạn 2007-2019 nhờ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, Washington vẫn phải giảm lượng khí thải hơn 6% mỗi năm để đạt được mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden đã đề ra trong việc phi carbon hóa nền kinh tế từ nay đến năm 2050.
Dự thảo báo cáo đã chỉ ra những tác hại mà biến đổi khí hậu đã và đang gây ra trên khắp nước Mỹ, từ hạn hán, cháy rừng cho tới nắng nóng gay gắt và nhiều hiện tượng cực đoan khác.
Dự thảo nhấn mạnh biến đổi khí hậu gây ra nguy cơ đối với “những điều mà người dân Mỹ coi trọng nhất”, chẳng hạn như những ngôi nhà an toàn, các gia đình khỏe mạnh, các dịch vụ công đáng tin cậy và một nền kinh tế bền vững.
Những người thu nhập thấp và các cộng đồng bị phân biệt đối xử - trong lịch sử họ buộc phải sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng của lũ lụt, nắng nóng và ô nhiễm môi trường - là những đối tượng cảm nhận rõ nhất những tác động này.
Biến đổi khí hậu cũng đe dọa nền kinh tế Mỹ khi làm giảm năng suất các vụ mùa ngô tại miền Trung Tây nước này, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe đối với những lao động làm việc ngoài trời ở miền Đông Nam, thu hẹp hoạt động đánh bắt cá ở Alaska và rất nhiều tác động khác.
Dự thảo nhấn mạnh các hành động như khuyến khích sử dụng xe điện, phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính và cải thiện quản lý đất trồng trọt có thể đạt hiệu quả về chi phí và tạo tác động lớn góp phần giảm khí thải carbon.