COP28 chính thức 'vào việc', bàn về tương lai của nhiên liệu hóa thạch
Thành công của COP28 phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo kêu gọi loại bỏ dần tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch mà không có ngoại lệ cho dầu mỏ hay khí đốt…
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu hôm 8/12 ở Dubai đã bắt đầu tuần thứ hai và cũng là tuần cuối cùng, trong đó các nhà đàm phán dự kiến sẽ chính thức thảo luận về tương lai của nhiên liệu hóa thạch trên một hành tinh đang nóng lên một cách nguy hiểm.
Tuần đầu tiên của cuộc đàm phán về khí hậu COP28 đã kết thúc không phải với sự hưng phấn của những ngày đầu tiên đưa ra những thông báo mang tính đột phá, mà với sự lo lắng ngày càng tăng về việc liệu thế giới có hành động gì đối với nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng khí hậu: Nhiên liệu hóa thạch.
Bắt đầu phần tẻ nhạt, khó khăn
Các gian hàng giống như triển lãm thương mại – nơi các quốc gia trong nhiều ngày hội nghị đã chào hàng mọi thứ, từ vận tải không carbon đến năng lượng nhiệt hạch hạt nhân – đang dần bắt đầu trống rỗng. Gian hàng của một quốc gia châu Âu chỉ còn lại vài ba nhân viên vào sáng ngày 6/12, tất cả đều vội vã thu xếp để bắt chuyến bay sớm nhất về nhà. Một gian hàng khác đại diện cho các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu đã tắt đèn, không có ai ở bên trong.
Những ngày đầu huy hoàng của COP28 đã qua. Những gì còn lại bây giờ là công việc tẻ nhạt và khó khăn giữa các nhà đàm phán của các quốc gia đang giải quyết vấn đề hóc búa về những việc cần làm đối với nhiên liệu hóa thạch – theo đuổi những gì có thể là kết quả COP tham vọng nhất trong nhiều năm.
Các cuộc thảo luận sau giờ đây trở nên gay gắt hơn, đặc biệt khi đề cập đến ngôn ngữ kêu gọi loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí thải gây hại cho khí hậu. Bất kỳ ngôn ngữ nào theo chiều hướng này đều có thể sẽ vấp phải phản ứng dữ dội của Ả Rập Xê-út, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nằm ngay cạnh nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Bản thân UAE cũng đang lên kế hoạch tăng sản lượng từ 4 triệu lên thành 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày để tận dụng thị trường nhiên liệu hóa thạch trước khi các nước kịp chuyển đổi khỏi loại nhiên liệu này.
“Tuần này đã đến lúc các chính phủ tham dự COP28 vào việc”, Giám đốc Khí hậu Liên Hợp Quốc Simon Stiell cho biết tại một cuộc họp báo hôm 8/12.
Ông Stiell nhấn mạnh thách thức phía trước nếu thế giới không hạn chế lượng phát thải, mô tả các thềm băng tan chảy gây ra lũ lụt thảm khốc ở các thành phố ven biển trên toàn cầu.
“Nếu chúng ta vượt qua những ngưỡng quan trọng này, chúng ta sẽ không bao giờ có thể quay trở lại”, ông Stiell nói. Một báo cáo công bố hôm 6/12 bên lề COP28 cảnh báo rằng băng tan có thể đạt đến mức không thể quay trở lại khi nhiệt độ tăng thêm.
Các nhà đàm phán trong tuần này đang nỗ lực hoàn thiện một tài liệu quan trọng có tên là “Kiểm kê toàn cầu” (Global Stocktake). Nó đánh giá tiến trình biến đổi khí hậu của thế giới kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015 và những gì cần phải làm ngay bây giờ để tránh vượt quá mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cần tạo ra sự khác biệt đáng kể
Một bản dự thảo của Global Stocktake đã được lưu hành trước ngày nghỉ giữa 2 tuần làm việc của COP28, ngày 7/12. Mặc dù bản dự thảo có chứa rất nhiều khả năng, nhưng vẫn chưa rõ tài liệu chính thức cuối cùng sẽ nói gì. Giờ đây, các quan chức phải tranh luận xem tương lai sẽ như thế nào và liệu có nên cam kết loại bỏ dần dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên hay không.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber cho biết ông “khá tích cực, hy vọng và lạc quan” rằng Hội nghị Thượng đỉnh có thể mang lại “sự thay đổi mô hình xoay quanh và dựa trên khoa học”.
Khi được hỏi liệu ông có thể đảm bảo việc cắt giảm dần dầu mỏ, than đá và khí đốt sẽ được đưa vào bất kỳ văn bản cuối cùng nào từ Dubai hay không, ông Al-Jaber cho biết sẽ có “kết quả tối đa và tham vọng nhất” mà không trả lời trực tiếp. “Chúng ta cần một quyết định tập thể. Quyết định này sẽ đến từ sự bàn bạc tập thể”, ông nói.
Các nước EU, cùng với các đảo quốc nhỏ – thường là nạn nhân của biến đổi khí hậu – và một số nước Mỹ Latinh tiến bộ đều đồng lòng kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, các nhà đàm phán cho biết. Mặc dù sẽ có sự phản đối mạnh mẽ đối với biện pháp này, nhưng các quan chức tin tưởng rằng cụm từ nhiên liệu hóa thạch sẽ lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản cuối cùng của COP và trong khoảng thời gian tương thích với các báo cáo khoa học của Liên Hợp Quốc.
“Chúng ta không thể thương lượng với thiên nhiên. Khí hậu là không thể thỏa hiệp”, Bộ trưởng Khí hậu Đan Mạch Dan Jorgenson cho biết.
“Điều chúng ta cần để thành công ở đây là đạt được mục tiêu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch… chứ không phải khí thải. Nó thực sự tạo ra sự khác biệt đáng kể”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết.
Đại diện của các quốc gia nghèo và những nhà hoạt động vì khí hậu đang gây áp lực lớn lên các nhà đàm phán về lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
“Thành công của COP28 sẽ không phụ thuộc vào các bài phát biểu từ các sân khấu lớn”, nhà hoạt động vì khí hậu của Uganda, Vanessa Nakate, cho biết. “Nó sẽ phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo kêu gọi loại bỏ dần tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch mà không có ngoại lệ”.
Chủ nhà UAE tiếp tục khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh COP28 sẽ kết thúc đúng thời hạn. Sáng sớm ngày 8/12, Tổng giám đốc COP28 Majid al-Suwaidi khẳng định ông Al-Jaber sẽ sớm đưa ra kế hoạch để đảm bảo Hội nghị Thượng đỉnh sẽ “kết thúc thành công vào 11h trưa ngày 12/12”, trong khi sự kiện này nổi tiếng là hay bị “lố” thời gian so với kế hoạch ban đầu.
Minh Đức (Theo AP, CNN)