Cốt cột cái rễ cọc rễ cái

Cơn bão nghiêng đêmCây gãy cành bay láTa nắm tay emCùng nhau qua đường cho khỏi ngã

Bão ở khổ thơ này của nhà thơ Tế Hanh, có gì ghê gớm? Ta thấy chỉ mới “gãy cành bay lá”, chứ sức gió vẫn chưa quật ngã cây, chưa trốc cả rễ. Sức bão không dữ dội lắm. Có lẽ ở nước Nam mình, ấn tượng ghê gớm nhất là trận bão lụt năm Nhâm Thìn (1904).

Trong di cảo chưa in “Tô Mãn họa tùng đình”, học giả Vương Hồng Sển kể: "Năm ấy, tôi vừa được ba tuổi ta, nào biết gì, nhờ mẹ tôi sau đó kể lại, rằng trận bão trọn đêm, gió dậy đùn đùn, mưa ào ào thổi, nằm in trong mùng, nghe như có tiếng súng lớn nổ đùng đùng. Ghê sợ nhứt là gió không thổi một chiều và day qua day lại, cây cối to cách mấy cũng chịu không nổi với bạo phong, hàng me trước nhà cũ của ba mẹ tôi đều trốc gốc, cây me trước nhà, gốc lớn cả ôm, ngã đè trọn trên mái”.

Cây ngã do cuồng phong của bão, còn nếu muốn cây ngã theo ý mình trong thời điểm nào đó, vì lý gì đó, ắt người ta phải chủ động “cốt”. “Cốt” nghĩa là gì, tạo sao lại xuất hiện trong ngữ cảnh này?

Hình vẽ về cây trong tranh dân gian.

Hình vẽ về cây trong tranh dân gian.

“Cốt” ở đây có phải ta từng gặp trong câu tục ngữ “Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai”, “Ông thầy khoe ông thầy tốt. Bà cốt cậy bà cốt hay”. Bà cốt là “Tiếng gọi những người đàn bà chuyên nghề đồng bóng” - “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Vậy, những người sống bằng cái nghề ma ma phật phật, nghi ngút nhang khói, ảo ảo hương đèn, âm dương lẫn lộn có liên quan gì đến cốt/ cốt cây?

Đã thế tục ngữ còn có câu “Có cốt có vác”, ta hiểu thế nào cho đúng? Có thể ngờ rằng, chẳng phải “cốt” mà chính là “cột” mới đúng chăng? Thì đó, những vật đang rời rạc, trước lúc vác lên vai để chuyển đến nơi khác, muốn nó không rơi dọc đường thì người ta phải cột lại cẩn thận, đâu ra đó. Xét ra có lý lắm. Với từ “cột”, tất nhiên trong ngữ cảnh này, được hiểu là “Buộc, trói, dùng dây quấn, siết mạnh và thắt gút lại” - theo “Việt Nam tự điển” (1970). Theo nghĩa này, ca dao miền Nam có câu thật hay:

Khăn vuông bốn chéo cột chùm

Miệng mời người nghĩa hò giùm ít câu

Tuy nhiên, tùy ngữ cảnh nữa, dù vẫn dùng từ cột nhưng chắc gì đã thể hiện cụ thể động tác cột, chẳng hạn, cậu con trai đã đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn cà lơ phất phơ, suốt ngày đàn đúm theo bạn bè rong chơi phố xá, người vợ bèn bàn với chồng: “Chỉ còn cách cưới vợ cho nó, may ra mới cột chân nó được”. Cột ở đây có thể thay thế bằng từ “cầm/ cầm chân” tức giữ chân lại, là có sự ràng buộc của vợ con.

Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Em còn nhớ hay em đã quên/ Trong lòng phố mưa đêm trói chân” thì từ trói cũng hàm nghĩa như cột - là do mưa nên người đó không thể bước chân đi ra khỏi chỗ đang ngồi. Từ đây, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến vế đối chữ Hán cũng nói lên ý này: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (tạm dịch: Mưa không có then khóa mà giữ được khách).

Không chỉ có thế, thí dụ tục ngữ có câu “Khôn làm cột cái, dại làm cột con”, dứt khoát đây chính là cái cột. Với từ cột, nhà thơ Huy Cận viết:

Trưa tháng năm phượng đỏ bồi hồi

Dưới suối sỏi lăn trắng muốt

Chim lại bắt cô trói cột

Ơ hay, tại sao nghịch lý đến thế? Thật ra về ý nghĩa của cụm từ “bắt cô trói cột”, nhà thơ Huy Cận giải thích chính là: “Tên một thứ chim ở Việt Bắc, người địa phương bắt chước tiếng kêu của chim mà đặt tên chim, có nơi gọi là chim Bắc quang bắc mục, hoặc là Hà Giang nước độc” (“Tuyển tập Huy Cận” - NXB Văn Học -1986, tr.160). Câu thơ này hay ở chỗ, có từ “lại”. Lại cái gì? “Lại bắt cô trói cột” hàm nghĩa chỉ tiếng kêu của loài chim đó, dù biết là thế, nhưng người đọc thích thú ở chỗ không chỉ phản ánh âm thanh mà còn “vẽ” ra một hoạt cảnh hết sức trái khoáy, tức cười nữa.

* * *

Trở lại với cơn bão trong thơ Tế Hanh, ta thấy chỉ “Cây gãy cành bay lá”. Dù lúc ấy có thể gió mạnh nhưng nhờ rễ đã bám chặt, mà quan trọng nhất vẫn là rễ cái một khi đã ăn sâu vào lòng đất thì cây vẫn trụ vững. Khi nói “Cây cứng rễ bền” hoặc “Có gốc có rễ” còn hiểu theo nghĩa bóng nhằm chỉ gia thế ai đó có gốc gác, có vị thế lâu dài. Cách nói này, ta còn có thể nhìn thấy qua câu “Thương cây mến rễ” là nói về tình cảm yêu mến, quyến luyến quê hương, luôn nhớ nhung về nơi chốn ấy.

Người ta gọi “rễ cái” thì “cái” có nghĩa là “To, lớn, quan trọng nhất: cột cái, sông cái, rễ cái” - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999), tuy nhiên, cần xem lại trường hợp “rễ cái” dù đó là rễ lớn nhất trong một cây nhưng lại còn thuộc phạm trù của từ “cái” như “Con dại cái mang”, “Bố cái đại vương”… Nói như thế, vì “rễ cái” còn gọi “rễ mẹ” và các rễ nhánh, rễ nhỏ hơn gọi là “rễ con”. Trong khi đó, dù cũng có từ “cái”, thí dụ với câu ca dao:

Đường cái là đường cái quan

Chận em ra chợ làm tan chợ rồi

Ta không thể gọi “đường mẹ” được, bởi các ngả rẻ trên đường cái, người ta gọi đường tẽ, đường nhánh, đường mòn… hoặc đường nhỏ như nhà thơ Tế Hanh viết: “Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang”, chứ mấy ai gọi “đường con”? Về “rễ cái”, thật hết sức thú vị còn có tên gọi “rễ đuôi chuột”, tức người ta gọi theo hình dáng của cái đuôi chuột, là cái rễ ấy ăn xuống đất, từ phần thân mọc dài thêm lại nhỏ dần về sau và nhọn. Tương tự, khi rễ tủa ra chằng chịt chung quanh cội cây, người ra gọi “rễ bàng” bởi nhìn thấy nó giống như tán bàng xòe ra.

Do rễ ăn xuống, càng sâu thì cây càng phát triển cứng cáp, có nơi còn gọi “rễ cọc”. Mà đã cọc thì đầu của nó phải nhọn, hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của “rễ cái”. Về cái cọc, tục ngữ có câu “Nín thít như gái ngồi phải cọc”; hoặc nhất là lúc bà Hồ Xuân Hương bảo:

Quân tử có yêu thì đóng cọc,

Xin đừng mân mó nhựa ra tay.

Liệu chừng có phải… cái cọc? Khi đặt câu hỏi này là chúng ta đã thửa thận, thán phục cách chơi chữ tinh quái của Bà chúa thơ Nôm. Không phải lúc nào cọc cũng nhọn, bằng chứng khi nói “cọc tiền” lại chỉ những đồng tiền tròn, mặt phẳng được xếp chồng lên cao. Từ cọc này, ta còn thấy trong Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ:

Tiêu dụng lấy chi mà phao phóng, thường giữ ba cọc ba đồng,

Mùa màng dành để có bao nhiêu, chừng độ một triêng một bó.

Câu “Ba cọc ba đồng”, nếu nói đầy đủ là “ba cọc mỗi cọc một đồng”, thế thì dù có đến “ba cọc” nhưng thật ra chỉ “ba đồng” mà thôi, chứng tỏ số tiền ấy ít ỏi, nếu ai kia khi nhận đồng lương như thế, người Việt mình có nói ấn tượng là chẳng khác gì “Bò chét nhét nhét miệng hùm”. Xin lưu ý ở câu 2, về từ “triêng” hiện nay trên Google đã ghi nhận là “chiêng”, như thế vô nghĩa, bởi “chiêng” là “Đồ nhạc khí đúc bằng đồng, hình tròn, ở giữa có cái núm, có nơi gọi là cái bu lu” - “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Không ai thu hoạch mùa màng bằng cách dùng “chiêng” mà phải là “triêng” có nghĩa là “gánh”.

Một khi muốn mua, tậu, sắm cái gì đó, người ta đặt cọc trước như đưa trước một khoản tiền là “tiền đặt cọc” thì cọc ở đây được hiểu là một cách cắm cọc để giữ chỗ, còn gọi “tiền thế chân”. Với câu “Cha già con cọc” thì cọc hiểu thế nào? Là còi cọc, cằn lại, yếu ớt ý muốn nói khi cha đã già mới sinh con thì con không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.

Trở lại với từ “cái”, ta thử tìm từ “cái” trong đoạn văn trích từ “Chùa đàn” của Nguyễn Tuân, đó là lúc Bá Nhỡ chỉ huy ba mươi người đi đánh cây gạo ở suối Vầu. Khi cây đã bật rễ/ bật gốc, họ thả xuống suối để dễ dàng chuyển về trồng ở ấp Mê Thảo: “Đến những chỗ không thả đà được thì họ lại lồng đầu thừng vào nách mà kéo, vừa kéo vừa hò dô ta. Thân họ vẹo về một chiều trước, như xống ngọn cỏ bị gió lùa mau”. Có giọng cất lên: “Một ngày đã ngã bóng dâu/ Trở về ấp Thảo tưới dâu ta chăn tằm”, lập tức muôn miệng như một: “dô ta, ta dô ta”, cứ thế, hễ dứt câu tiếp theo như: “Rừng thiêng ta ngã cỗi sơn lâm”, là mọi người tiếp tục lặp lại “dô ta, ta dô ta”.

Vậy, từ “cái” nằm ở đâu?

Xin thưa, người trước nhất xướng lên một, hai câu để người khác vừa làm việc vừa hò theo “dô ta, ta dô ta” thì người đó gọi là “bắt cái” - là người chỉ huy chung. Việc làm này nhằm tạo ra sự nhịp nhàng, huy động mọi người đồng tâm hiệp lực trong quá trình thực hiện công việc nặng nhọc nào đó.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/cot-cot-cai-re-coc-re-cai-i766592/