Coteccons trở lại đường đua: Đơn hàng tồn đọng gần 37.000 tỷ đồng
Trong bối cảnh ngành xây dựng dần hồi phục nhờ làn sóng giải ngân đầu tư công và dòng vốn FDI chảy mạnh vào công nghiệp, Coteccons nổi lên như một cái tên tiên phong khi ghi nhận giá trị đơn hàng tồn đọng kỷ lục - 37.000 tỷ đồng...

Sau giai đoạn trầm lắng của ngành xây dựng, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) đang cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ với kết quả kinh doanh và chiến lược tăng trưởng đầy tham vọng.
Trong 9 tháng qua, Coteccons đã trúng thầu tổng giá trị lên tới 23.000 tỷ đồng, góp phần đưa tổng đơn hàng tồn đọng chạm mốc gần 37.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Điểm đáng chú ý trong cơ cấu đơn hàng là tỷ trọng lớn đến từ các đối tác quen thuộc. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, có tới 69% tổng giá trị đơn hàng hiện tại là các dự án đến từ những chủ đầu tư từng hợp tác trước đó. Đây được xem là chỉ dấu cho thấy uy tín và chất lượng thi công của Coteccons tiếp tục được khẳng định trong mắt các đối tác lâu năm, giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong ngành xây dựng.
Danh sách những cái tên trong các dự án Coteccons mới trúng thầu bao gồm các công trình dân dụng (bất động sản thương mại của Ecopark, SonKim Land, Sun Group, Masterise Homes), đến các dự án đầu tư công và hạ tầng (nhà để xe tại sân bay Long Thành hay tiểu dự án thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).
Sự tăng tốc của Coteccons không chỉ đến từ nội lực mà còn được hỗ trợ bởi các tín hiệu vĩ mô tích cực. Theo đánh giá của ban lãnh đạo, việc giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian gần đây, kết hợp với dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản, đã tạo nên nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng có năng lực và kinh nghiệm.
Về tình hình tài chính, trong quý đầu năm 2025, doanh thu của Coteccons tăng 7% lên hơn 5.000 tỷ đồng, đóng góp chính vẫn đến từ hợp đồng xây dựng hơn 4,909 tỷ đồng, tăng 6%. Đáng chú ý, tổng chi phí giảm 24% về còn 146 tỷ đồng, phần lớn do tiết giảm được chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm gần một nửa, chỉ còn 57 tỷ đồng do chi phí giá vốn biến động và không còn khoản lãi từ giao dịch mua rẻ như cùng kỳ năm trước.
Dẫu vậy, nếu xét trong bức tranh lớn hơn, kết quả lũy kế 3 quý đầu niên độ tài chính (từ ngày 1/7/2024 -31/3/2025) lại cho thấy đà tăng trưởng ổn định khi doanh thu đạt gần 16.650 tỷ đồng, tăng 15%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 6%, đạt 254 tỷ đồng.
Quy mô tài sản của Coteccons cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với tổng giá trị gần 26.200 tỷ đồng, tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng lên đến hơn 13.000 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 10/2024, ban lãnh đạo công ty khẳng định định hướng chiến lược của niên độ tài chính 2025 là duy trì tăng trưởng trong lĩnh vực cốt lõi và đồng thời xây dựng các mảng kinh doanh mới để mở rộng ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, Coteccons nhận định mảng xây dựng công nghiệp, nơi có nhiều dự án của các chủ đầu tư FDI.
Trong chiến lược trung hạn, Coteccons hướng tới việc mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp, MEP và phát triển đô thị bền vững giai đoạn 2025–2029.
Thay đổi trong chiến lược đã bắt đầu định hình lại cơ cấu doanh thu. Hiện tại, mảng công nghiệp (đa phần là các dự án FDI) đang chiếm tới 50% doanh thu, trong khi dân dụng chiếm khoảng 45% và du lịch nghỉ dưỡng chỉ còn 5%.
Hướng đến niên độ tài chính 2025, Coteccons đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 25.000 tỷ đồng, tăng 18% so với hiện tại. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng mạnh 54%, lên mức 430 tỷ đồng.

Biến động cổ phiếu CTD trong thời gian qua
Mới đây, cổ phiếu CTD lần đầu được đưa vào rổ chỉ số VNDiamond, nhóm cổ phiếu hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ ETF. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/4, cổ phiếu CTD giảm hơn 2%, xuống còn 80.900 đồng/cổ phiếu. Trong quý 1, mã này đã tăng hơn 10%, với khối lượng khớp lệnh lên tới 30,3 triệu cổ phiếu.