COVID-19: Mũi vaccine tăng cường giúp giảm tỷ lệ nhập viện ở người già
Tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân trên 65 tuổi đã được tiêm liều vaccine tăng cường giảm 81% so với những người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, nhưng chưa được tiêm vaccine thể lưỡng trị.
Ngày 9/1, nhóm nhà nghiên cứu Israel cho biết liều tiêm tăng cường bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 và biến thể Omicron do 2 hãng Pfizer và BioNTech hợp tác bào chế để đã giúp giảm mạnh tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân cao tuổi.
Đây là một trong số những bằng chứng đầu tiên chứng tỏ hiệu quả của mũi vaccine này trên thực tế.
Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học của công ty cung cấp dịch vụ y tế Clalit, Đại học Ben-Gurion của Negev và Cao đẳng Sapir tiến hành từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 12/2022.
Tham gia nghiên cứu có 622.701 người trên 65 tuổi đủ điều kiện để tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19 thể lưỡng trị nói trên, trong đó 85.314 người (14%) đã được tiêm mũi vaccine này.
Kết quả cho thấy tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân trên 65 tuổi đã được tiêm liều vaccine tăng cường giảm 81% so với những người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, nhưng chưa được tiêm vaccine thể lưỡng trị.
Theo nghiên cứu, trong số các trường hợp nhập viện do COVID-19 có 6 người từng được tiêm vaccine thể lưỡng trị trong khi 297 người chưa được tiêm liều vaccine này. Trường hợp tử vong xảy ra ở 1 người từng được tiêm liều vaccine thể lưỡng trị trong khi 73 người chưa được tiêm.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết những người đã được tiêm liều tăng cường vaccine thể lưỡng trị có tỷ lệ tử vong và nhập viện thấp hơn những người chưa được tiêm trong thời gian lên tới 70 ngày sau khi được tiêm. Kết quả nghiên cứu trên chưa được giới chuyên gia thẩm định.
Vaccine thể lưỡng trị được bào chế nhằm vào chủng virus ban đầu và các biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron. Hiện các nhà khoa học cũg đang theo dõi sát sao biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron đang lây lan nhanh tại Mỹ./.