Covid-19 quay trở lại Trung Quốc, ngành du lịch rơi vào bế tắc

Tháng 8 là tháng du lịch lớn nhất trong năm, bên cạnh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đối với hầu hết các gia đình ở Trung Quốc. Thời điểm này, các bãi biển, khu nghỉ dưỡng, khách sạn và công viên giải trí dự kiến sẽ chật kín.

Tuy nhiên, các đợt bùng phát Covid-19 mới, đặc biệt là sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ở thành phố Nam Kinh vào cuối tháng trước sẽ khiến ngành du lịch rơi vào bế tắc.

Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh vắng vẻ vào ngày 5/8. (Nguồn: Bloomberg)

Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh vắng vẻ vào ngày 5/8. (Nguồn: Bloomberg)

Ngành du lịch "dính đòn"

Ngày 12/8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã báo cáo 81 ca nhiễm Covid-19 mới.

Biến thể Delta hiện đã lan rộng đến hơn một nửa trong số 31 tỉnh của cả nước và sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.

Bên cạnh đó, chiến lược "Covid-zero" (quyết tâm không còn ca nhiễm Covid-19) của quốc gia này cùng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt kéo dài sang tháng 9 hoặc có thể sang kỳ nghỉ lễ lớn tiếp theo là Quốc khánh vào đầu tháng 10 cũng là lý do khiến ngành du lịch phải lo lắng.

Công viên cửa sổ thế giới nằm ở phía Tây của thành phố Thâm Quyến - công viên nổi tiếng với các phiên bản thu nhỏ của các điểm tham quan trên thế giới như Tháp Eiffel, Stonehenge và Nhà hát Opera Sydney - là một ví dụ điển hình đang chịu tác động của các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Năm 2021, công viên này đã đón khoảng 4 triệu lượt khách và hơn 10.000 khách du lịch đến tham quan mỗi ngày. Nhưng hiện tại, công viên này gần như vắng vẻ.

Người bán vé vào cổng Công viên Cửa sổ Thế giới cho hay: "Có rất ít người đến công viên vì các lệnh hạn chế nghiêm ngặt ngừa Covid-19".

Tại Bay Glory, điểm thu hút khách du lịch mang tính bước ngoặt mới nhất của Thâm Quyến cũng đang "nằm bất động" vì Covid-19.

Chính quyền Thâm Quyến hiện đang yêu cầu người dân không được rời khỏi thành phố trừ khi thực sự cần thiết. Điều này buộc mọi người phải từ bỏ mọi kế hoạch du lịch mùa Hè, ngay cả các chuyến du lịch tại địa phương.

Zhou Mingqi, người sáng lập công ty tư vấn du lịch Jingjian Consulting ở Thượng Hải cho biết: “Có rất nhiều khách hàng đã hủy chuyến du lịch đã đặt trước đó. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh về mặt tài chính mà còn gây ra nỗi sợ hãi cho những du khách khác".

Ông Zhou nói rằng, tình hình có thể sẽ kéo dài đến tháng 9/2021, nếu không muốn nói là lâu hơn.

Người sáng lập công ty tư vấn du lịch Jingjian Consulting cho biết thêm: “Vẫn còn phải xem khi nào đợt bùng phát Covid-19 sẽ kết thúc và nó tác động như thế nào".

Cho đến nay, đợt bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc đã tác động nhanh chóng đến ngành du lịch và việc hủy bỏ các chuyến du lịch dự kiến sẽ tiếp tục trong vài tuần tới.

Theo dữ liệu mới nhất từ công ty phân tích hàng không OAG, số lượng ghế do các hãng hàng không ở Trung Quốc cung cấp đã giảm 32% trong tuần đầu tiên của tháng 8, mức giảm lớn nhất kể từ khi các hạn chế tương tự được áp dụng vào đầu năm 2020.

Kinh tế giảm tốc

Sự bùng phát của Covid-19 và các hạn chế nghiêm ngặt đã khiến Phố Wall bắt đầu cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2021.

Morgan Stanley, JPMorgan và Goldman Sachs đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào đầu tuần này do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng đột biến, số liệu xuất nhập khẩu suy yếu.

Zhu Ning, Phó hiệu trưởng của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải dự đoán, kinh tế Trung Quốc có thể giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung trong năm nay vì sự bùng phát của Covid-19. Sự gián đoạn đối với các ngành du lịch, giải trí, dịch vụ và tiêu dùng nội địa là lý do khiến kinh tế Trung Quốc suy giảm.

Ông Zhu nói: “Nếu đại dịch và các lệnh hạn chế kéo dài hơn, tất nhiên nó sẽ có tác động sâu rộng hơn nhiều đến nền kinh tế. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại, ngay cả khi không có sự gián đoạn này, vào thời điểm tháng 7,8/2021".

Ngày 11/8, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng báo cáo, doanh số bán ô tô là 1.864 triệu chiếc trong tháng 7/2021, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Zhu nhận định: “Tiêu dùng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm. Vì vậy, tôi đánh giá, Covid-19 đang quay trở lại Trung Quốc vào thời điểm tồi tệ".

Nhà phân tích Page-Jarrett cho biết, The Economist Intelligence Unit đang dự báo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 0,5% trong năm 2021.

Bà Page-Jarrett cho hay: “Chúng tôi đã mong đợi sự phục hồi của ngành du lịch trong nước và tiêu dùng cá nhân. Nhưng sự lây lan của biến thể Delta mới sẽ cản trở rất nhiều đến sự phục hồi đó và niềm tin của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi họ sẽ lo lắng về khả năng của chính phủ trong việc xử lý các biến thể mới này. Bên cạnh đó, người dân cũng bắt đầu đặt câu hỏi liệu vaccine Covid-19 có hiệu quả hay không".

Hiện tại, chính quyền các địa phương chưa có bất kỳ biện pháp chính sách mới nào giảm nhẹ những thiệt hại kinh tế mà đợt bùng phát dịch mới này gây ra.

Ông Zhu kỳ vọng, chính phủ có thể gia hạn miễn giảm thuế cho các công ty vừa và nhỏ, như giảm phí và kéo dài thời gian trả nợ, tương tự như các biện pháp được áp dụng vào giữa năm 2020.

"Về lâu dài, nếu các đợt bùng phát như hiện tại vẫn tiếp tục hoặc quay trở lại, Trung Quốc sẽ cần phải suy nghĩ lại về chiến lược 'Covid-zero'.

Câu hỏi quan trọng là 'Chúng ta phản ứng với Covid-19 như thế nào?'. Nếu chúng ta phải đối phó với vấn đề này lâu hơn, thậm chí là phần còn lại của thập kỷ, có lẽ chúng ta sẽ cần phải tìm ra một cách tiếp cận tốt hơn để ngăn chặn hoặc sống chung với Covid-19".

(theo Aljazeera)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-quay-tro-lai-trung-quoc-nganh-du-lich-roi-vao-be-tac-154850.html