COVID-19 tại ASEAN hết 6/6: Gần 23.000 ca nhiễm mới/ngày; Thái Lan tiêm vaccine đại trà

Tính đến 0h00 ngày 7/6, toàn khối có gần 23.000 ca nhiễm mới và 450 ca tử vong mới. Ca nhiễm mới tại Campuchia lại tăng, trong khi tình hình lây nhiễm vẫn căng thẳng ở Malaysia và Thái Lan hôm nay bắt đầu tiêm vaccine đại trà.

Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 0h00 phút ngày 7/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.916 ca mắc COVID-19 và 450 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 4.179.185 trường hợp và 81.719 ca tử vong. Toàn khối có 3.779.352 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines chiếm nhiều nhất với 166 ca; Indonesia đứng thứ hai với 163 ca; Malaysia ghi nhận 87 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 23 ca, Campuchia ghi nhận 11 ca tử vong mới.

Với 7.228 ca nhiễm trong ngày 6/6, Philippines đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Tuy nhiên Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 1.856.038 ca bệnh và 51.612 ca tử vong.

Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 6.241 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 616.815, trong đó có 3.378 ca tử vong và 526.809 ca bình phục.

Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 2.671 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 631 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên tới trên 34.000 người. Lào chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 1.963 trường hợp.

Binh sĩ Malaysia tuần tra khu vực đang bị phong tỏa do xuất hiện các ca bệnh COVID-19 ở Cheras, ngoại ô Kuala Lumpur ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Malaysia tuần tra khu vực đang bị phong tỏa do xuất hiện các ca bệnh COVID-19 ở Cheras, ngoại ô Kuala Lumpur ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia: Số ca nhiễm mới lại tăng cao

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia vẫn diễn biến phức tạp với 11 ca tử vong được Bộ Y tế công bố trong ngày 6/6 dù lần đầu tiên trong tuần này, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh cao hơn số ca nhiễm mới.

Tính đến chiều 6/6, Campuchia có thêm 631 ca nhiễm mới COVID-19 và 1.069 trường hợp bình phục. Tổng số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước là 34.244 người, trong đó 263 trường hợp đã tử vong.

Tại các địa phương của Campuchia, tối 5/6, tỉnh Kratie đã công bố ca tử vong đầu tiên do bệnh COVID-19 là một phụ nữ 57 tuổi ở làng Wat, xã Koh Chreng. Trong khi đó, tại tỉnh Preah Sihanouk, huyện Prey Nop vẫn được quản lý theo cấp độ “Khu vực Vàng” như thành phố Preah Sihanouk. Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk, ông Kuoch Chamroeun khẳng định nhà chức trách sẽ có biện pháp trấn áp mạnh mọi cuộc tụ tập đông người trong tỉnh, đặc biệt là hoạt động đánh bạc. Kể từ sau “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, số ca lây nhiễm COVID-19 tại tỉnh này đã lên tới 4.579 trường hợp, trong đó 3.304 người đã bình phục và 10 ca tử vong.

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan bắt đầu tiêm chủng đại trà

Ngày hôm nay, 7/6, Chính phủ Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng trên toàn quốc với hy vọng đến cuối tháng 12 sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm, bất chấp việc nhiều bệnh viện phàn nàn về nguồn cung ít ỏi hiện nay.

Chính phủ Thái Lan đang tiến hành các cuộc thương lượng để mua 25 triệu liều vaccine của hãng Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 30/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 30/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, Thái Lan mới chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca và 6 triệu liều của công ty Sinovac (Trung Quốc). Truyền thông sở tại ngày 5/6 dẫn lời Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết nếu có thêm 8 triệu liều vaccine Sinovac cùng 25 triệu liều Pfizer và Johnson & Johnson, Thái Lan sẽ đạt được mục tiêu 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện.

Thái Lan cũng đang nỗ lực phát triển 3 loại vaccine phòng COVID-19 nội địa, giúp ích cho những nỗ lực lâu dài nhằm ngăn chặn COVID-19 và nâng cao khả năng của đất nước chống lại những căn bệnh như vậy trong tương lai.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Thái Lan đã có dấu hiệu khả quan khi lần đầu tiên trong nhiều tuần qua số người khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới trong 24 giờ. Thái Lan ngày 6/6 ghi nhận 2.671 ca mắc mới và 23 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 177.467 ca và 1.236 ca.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 31/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia chuẩn bị triển khai "bong bóng du lịch"

Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị thực hiện chính sách "bong bóng du lịch" với một số nước thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và có thỏa thuận thiết lập hành lang du lịch với quốc gia Đông Nam Á này.

Ngày 6/6, ông Sonny Harmadi, quan chức thuộc Lực lượng Đặc nhiệm xử lý COVID-19, cho biết “bong bóng du lịch” sẽ giúp người dân và du khách tự do đi lại và được miễn yêu cầu tự cách ly khi nhập cảnh. Theo ông, có 3 khu vực được ưu tiên nối lại hoạt động du lịch bao gồm Bintan, Batam ở tỉnh Quần đảo Riau và Bali. Hiện chính phủ đang hoàn thiện quy định triển khai “bong bóng du lịch” ở ba khu vực này.

Tại thiên đường du lịch Bali, các “vùng xanh” sẽ được thiết lập ở các thị trấn Sanur, Ubud và Nusa Dua. Trong khi đó, ở Quần đảo Riau, chính phủ sẽ thiết lập vùng xanh ở 3 khu nghỉ dưỡng trên đảo Bintan và một số sân golf trên đảo Batam.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang, Indonesia, ngày 31/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang, Indonesia, ngày 31/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong quá trình thực hiện “bong bóng du lịch”, chính phủ sẽ áp đặt các điều kiện nhất định đối với du khách nước ngoài, như phải tiến hành xét nghiệm PCR có kết quả âm tính trước và sau khi nhập cảnh vào Indonesia. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định liên quan đến du khách đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo ông Sonny, Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo đã hoàn tất kế hoạch hợp tác thiết lập “bong bóng du lịch” với 5 quốc gia bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan.

Cùng ngày, người phát ngôn chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết chính phủ nước này đã nhận được thêm 313.100 liều vaccine AstraZeneca. Lô vaccine nói trên đã được bàn giao vào ngày 5/6, nâng tổng số vaccine ngừa COVID-19 mà Indonesia đã tiếp nhận lên 92,2 triệu liều.

Tính đến ngày 4/6, tổng cộng đã có 17,3 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và 11,1 triệu người khác đã được tiêm đầy đủ hai mũi. Ngoài ra, hơn 49.000 lao động cũng đã được tiêm chủng trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau).

Malaysia mở 4 siêu trung tâm tiêm chủng

Ngày 7/6, Malaysia sẽ khai trương thêm 4 siêu trung tâm tiêm chủng tại khu vực Klang Valley, vốn bao gồm cả thủ đô Kuala Lumpur, nơi sinh sống của 1/4 dân số cả nước. Bốn trung tâm trên có thể phục vụ 23.000 người tiêm khi hoạt động đầy đủ.

Hiện tại siêu trung tâm tiêm chủng duy nhất của Malaysia đặt tại Trung tâm triển lãm thương mại quốc tế ở Segambut, ngoại ô Kuala Lumpur, đang phục vụ khoảng 2.000 người/ngày.

Trong một diễn biến khác, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hisham Abdullah cho biết nước này sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn Shenzhen Kangtai Biological Products của Trung Quốc sản xuất.

Cảnh sát và binh sĩ kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Cảnh sát và binh sĩ kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bên cạnh Malaysia và Trung Quốc, các nước Colombia, Argentina, Pakistan, Philippines và Ukraine cũng tham gia thử nghiệm tương tự.

Đây là lần thứ hai các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 được tiến hành tại Malaysia. Tháng 1 năm nay, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine do Viện Y sinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học y khoa Trung Quốc (IMBCAM) phát triển.

Về tình hình dịch bệnh, trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 7.452 ca nhiễm mới và 109 người tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 610.574 ca và 3.291 ca. Theo Bộ trưởng Y tế Adham Baba, tính đến ngày 4/6, Malaysia đã tiêm tổng cộng 3,42 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 2,29 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và 1,13 triệu người khác đã tiêm đủ 2 liều.

Lào kêu gọi người dân đi tiêm vaccine

Bộ Y tế Lào vừa ra thông báo kêu gọi người dân cả nước tiếp tục đi tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 theo đúng hẹn để đảm bảo hiệu quả, trong khi người chưa tiêm mũi đầu tiên có thể đăng ký với cơ quan y tế địa phương để được cung cấp vaccine.

Thông báo nêu rõ người muốn tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 ở thủ đô Viêng Chăn có thể đăng ký trực tuyến thông qua trang web https://vaccinatelaos.la/ để hẹn lịch tiêm. Theo quy định phòng dịch mới, người dân ở Viêng Chăn đã tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ được phép đến các tỉnh khác mà không cần phải xin phép hoặc cách ly.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Năm 2021, Lào đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 50% dân số. Hiện nay, đã có hơn 600.000 người ở nước này được tiêm mũi đầu tiên và hơn 200.000 người được tiêm mũi 2.

Bộ Y tế Lào ngày 6/6 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 6 ca mắc mới COVID-19 mới, trong đó có 2 ca lây nhiễm cộng đồng tại Viêng Chăn và 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác. Theo Bộ Y tế Lào, những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 cần đi xét nghiệm tại các cơ sở y tế để sớm phát hiện bệnh và được cách ly, điều trị kịp thời tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-66-campuchia-ca-nhiem-lai-tang-thai-lan-tiem-vaccine-dai-tra-20210606234508328.htm